"Mẹ, cha, giờ cả nội cũng mất rồi, 2 đứa chịu vào Nam với chị không?"
(Dân trí) - Cầm cây nhang cúi đầu trước bàn thờ cha mẹ, ba chị em Nhật Lệ biết rằng, cuộc đời của họ từ nay bước sang trang mới, phải tự lập, trưởng thành hơn khi bà nội - chỗ dựa cuối cùng đã không còn.
"Mẹ, cha và bà nội đều mất rồi, 2 đứa có chịu vào miền Nam ở với chị không?" - đó là câu hỏi Phan Thị Nhật Lệ, 26 tuổi, cô chị cả nói với 2 em gái 3 năm trước, khi chỗ dựa duy nhất còn lại là bà nội vừa mất vì tai nạn giao thông.
Khi đó, đứa em kế Phan Thị Hồng chuẩn bị lên lớp 12 còn em út Phan Thị Ánh thì sắp vào lớp 8. Nhà nghèo, sớm mồ côi cha, mẹ nhưng cả Hồng và Ánh đều là học sinh giỏi của trường. Còn Lệ đã phải bỏ học từ năm lớp 7, vào Bình Dương làm thuê, gửi tiền về phụ gia đình nuôi 2 em khi mẹ vừa qua đời.
Những đứa trẻ mạnh mẽ
"Em là chị cả, dù sao em cũng biết chữ rồi, phải hy sinh thì 2 em mới có cơ hội", Lệ nói, rồi quyết định bỏ học để theo một người cậu vào Bình Dương phụ việc năm 14 tuổi. Buổi sáng, Lệ trông em bé, chiều thì ra chợ phụ bán cá. Được cậu mợ nuôi ăn ở, mỗi tháng em để dành được 1 triệu đồng gửi về quê.
1 năm sau, gia đình người cậu chuyển đến sống gần chợ đầu mối Bình Điền ở TPHCM. Lệ xin cậu cho đi làm thêm ở ngoài. Công việc của cô là làm cá xuyên đêm, từ tối đến rạng sáng hôm sau, lương được gần 3 triệu.
Đến giờ, Lệ vẫn còn nhớ rất rõ đêm đầu tiên thức trắng, liên tục nhìn lên chiếc đồng hồ lớn treo giữa chợ mà luôn có cảm giác kim chẳng quay. "Đó thực sự là một đêm rất dài", Lệ nói.
Duy trì công việc được hơn 3 năm, cô theo chân những người họ hàng xa xuống Đồng Nai làm công nhân. Đến năm 2015, khi lương tháng đã được gần 6 triệu đồng, tiền gửi về quê nhiều hơn một chút, thì cha của em bị té sông, đuối nước rồi qua đời. Về chịu tang cha, cả phân xưởng người góp vài chục nghìn để Lệ có thêm lộ phí về quê.
Từ đó, người bà vẫn cần mẫn nhặt nhạnh cọng rau, nuôi thêm con gà kiếm tiền đi chợ, làm chỗ dựa tinh thần cho hai cháu gái nhỏ. Còn Lệ thì theo một người bà con đi học nấu ăn với mơ ước "có cái nghề trong tay".
Sau khóa học được 6 tháng, cô ra nghề và xin được một công việc làm bếp ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, một ngày tháng 8/2020, em út Phan Thị Ánh chở bà nội đi chợ thì gặp tai nạn. Bà qua đời mà chưa kịp để lại một lời dặn dò cho các cháu. Nhận tin bà mất, Lệ lật đật đặt vé máy bay về quê, vẫn không kịp gặp mặt bà lần cuối.
Vốn đã trở thành trụ cột kinh tế cho gia đình từ sớm, nhưng chưa bao giờ Lệ cảm thấy yếu đuối như lúc đó.
Sau khi lo liệu hậu sự cho bà xong, ba chị em ngồi lại bàn tính. Ban đầu, Lệ định về quê xin việc để làm chỗ dựa cho 2 em gái. Song ở quê khó xin việc. Vậy là cô "liều" bàn với người chú ruột, xin phép được đưa em vào Nam sống cùng mình.
"Em sợ mình sẽ không đủ sức lo nhưng để các em ở lại em cũng không an tâm", Lệ hồi tưởng.
Khi đã có quyết định, Lệ vào lại Bà Rịa - Vũng Tàu định hỏi trường xin cho các em học thì dịch Covid-19 bùng phát khắp cả nước. Cô em gái thứ 2 sau khi tốt nghiệp lớp 12 đã đậu ngành sư phạm Địa lý, trường ĐH Sư phạm TPHCM. Đầu năm ngoái, dịch bệnh qua đi, Hồng và Ánh chia tay căn nhà tuổi thơ giờ đây chỉ còn di ảnh của bà nội vào Bà Rịa đoàn tụ với chị gái.
"Các em đã vượt lên chính mình"
"Còn nhớ những ngày đầu bà mới mất, một người bác lớn tuổi trong làng vì thương 2 chị em phải ở nhà một mình nên suốt mấy tháng đã đến nhà ngủ cùng vào ban đêm để canh chừng cho hai cháu gái", cô sinh viên năm 2 Phan Thị Hồng kể.
Trong căn nhà tuềnh toàng trống hoác vì chẳng có vật dụng gì giá trị, Hồng và em Ánh co ro trong những ngày giá lạnh ở miền Trung. Đầu năm ngoái, hai chị em vào Nam đoàn tụ với chị gái.
Hồng sau đó xin vào ở tại ký túc xá của trường đại học Sư Phạm ở quận 11, TPHCM, hằng ngày đi học bằng xe buýt. Cô sinh viên cùng tìm công việc gia sư, phụ bán quán để kiếm thêm thu nhập. Còn Ánh, cô em út đang sống cùng chị gái, học lớp 10 ở huyện Đất Đỏ, Bà Rịa - Vũng Tàu. Năm nay, Hồng nhận được 2 suất học bổng dành cho sinh viên nghèo vượt khó, còn Ánh thì được học sinh giỏi, được vào đội tuyển học sinh giỏi môn Địa lý của trường.
Sau khi đón các em vào Nam, Lệ thuê một căn trọ rộng hơn, tự tay sắm cho em bộ bàn ghế học. Cứ hai tuần một lần, Hồng lại đi xe đò về ở với chị gái và em. Nhà chỉ có 1 chiếc xe máy nên 3 chị em ít khi đi đâu chơi xa, chỉ quanh quẩn ở thị trấn.
Những hôm có thêm Hồng về, cô sẽ nấu những món ăn mà em gái thích. Ba chị em cùng nhau học đan móc len, đi tô tượng và trò chuyện đến tận khuya.
Vừa bước qua tuổi 26, Lệ vẫn chưa dám yêu ai vì sợ nếu lấy chồng thì không còn ai lo cho các em.
"Em cảm thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại, bọn em tuy sớm mất mát người thân, nhưng may mắn cả 3 vẫn còn nhau", Lệ cố kìm nước mắt nói.
Cũng nhờ vị trí làm đầu bếp trong một công ty của người Hàn Quốc, Lệ có cơ hội được học tiếng Hàn. Không chỉ học giao tiếp, cô gái sau chục năm gác sách vở một bên lao vào kiếm tiền, giờ run run khi nắn nót tập viết một ngôn ngữ mới trên tập vở mới tinh.
"Được học, được cầm tập vở lại để ghi chép em rất xúc động", Lệ bộc bạch.
Năm nay, lần đầu tiên 3 chị em đón một cái Tết đoàn tụ nơi đất khách. 3 chị em, người đã trưởng thành, người vẫn còn là học sinh tìm chỗ mua lá dong để gói 4 chiếc bánh chưng. Tự tay nấu mâm cỗ cúng cha mẹ và hồi tưởng đến người bà đã tận tâm với các em cho đến khi qua đời.
Chẳng ai bảo ai và cũng chẳng phải học từ đâu, 3 chị em biết nấu cỗ, bày biện mâm cúng và thắp nhang lên bàn thờ. Khoảnh khắc đó, cô bé Hồng nghĩ thầm: "Từ giờ, chỉ còn 3 chị em và một cuộc sống mới đang chờ đón. Mình phải trưởng thành và phải học thật tốt để sớm phụ chị hai nuôi em út vào đại học".
Sau khi bà nội mất, hoàn cảnh của 3 chị em khiến nhiều người thương cảm, cũng nể phục vì bản lĩnh của các cô gái. Ngoài trường lớp, người dân địa phương thì các nhà hảo tâm trên khắp cả nước đã góp tiền ủng hộ để các em có tiền lo hậu sự cho bà và có thêm chi phí học tập. Nhóm thiện nguyện A3 Võ Trường Toản- A1 Trưng Vương đã chuyển một số tiền hỗ trợ 3 chị em.
Người đại diện nhóm ở TPHCM đã để số điện thoại của mình vào nội dung chuyển tiền. Sau khi lo hậu sự cho bà xong, 3 chị em lục lại tin nhắn ngân hàng và thấy số điện thoại nên đã nhắn tin cảm ơn. Năm ngoái, sau khi 3 chị em ổn định cuộc sống mới, các em ngỏ ý muốn gặp người đại diện nhóm để nói lời cảm ơn trực tiếp.
"Chứng kiến nghị lực vươn lên, biết yêu thương đùm bọc lẫn nhau của 3 đứa trẻ, tôi tin các em sẽ thành công, có cuộc sống tốt đẹp trong tương lai", người trưởng nhóm chia sẻ.