Chỉ còn một chân, chồng 80 tuổi vẫn đi nhặt ve chai nuôi vợ
(Dân trí) - Mấy chục năm nhặt ve chai nuôi vợ, ngày nào ông Tế kiếm được nhiều nhất cũng chỉ mấy chục ngàn đồng. Nhiều đêm, hai vợ chồng già nhịn đói đi ngủ vì nhà hết sạch đồ ăn, ông Tế cũng không nhặt được gì đáng tiền để bán.
Ngày kiếm 30 nghìn đồng
Cứ 21h hàng ngày, người ta lại thấy ông Huỳnh Tế (80 tuổi, ngụ tại quận Bình Thạnh, TPHCM) lọc cọc đạp xe đi nhặt ve chai đến nửa đêm. Ông Tế cho hay, do sức khỏe yếu, buổi trưa nắng nóng không chịu được nên tối là thời điểm thích hợp để ra ngoài. Cụ ông thường tranh thủ chờ lúc người khác dọn hàng, dư thùng giấy, vỏ chai để xin nhặt.
Chiếc chân giả của ông đã nứt, gãy, phải dùng dây kẽm cột lại. Một bên chân đã yếu, bên chân giả cũng hư hỏng nên không ít lần ông Tế ngã nhào xuống đường. Lúc đó, những người chứng kiến thương tình thường đến đỡ giúp, rồi cho vài chục nghìn để ông về nhà sớm.
Làm công việc này mấy chục năm qua, ngày ông Tế kiếm nhiều nhất cũng chỉ vỏn vẹn vài chục nghìn đồng. Những ngày nào trời mưa, ông đành ở nhà ăn mì gói với vợ. Thậm chí có những ngày hai vợ chồng già đành nhịn đói vì nhà hết mì, có khi nửa đêm đành cố ngủ để quên đi cái bụng đang cồn cào.
Dạo quanh căn nhà chất đầy thùng giấy và các vật dụng bỏ đi, ông Tế cho biết, đó đều là đồ xin được. Sống trong cảnh ẩm thấp nên không tránh được ruồi, muỗi và chuột, bọ nên hai vợ chồng ông quyết định cưu mang vài con mèo, để vừa làm bạn, vừa giúp đuổi chuột.
"Nhà tôi không có gì là mua hết, toàn đồ được cho thôi, duy nhất cái bóng đèn là tôi tự bỏ tiền. Mì gói, gia vị cũng do các mạnh thường quân cho. Xung quanh có ai cho gì thì ăn nấy, không thì ăn mì gói", ông Tế kể.
Trước đây, bà Út cũng cùng chồng nhặt ve chai, phế liệu. Nhưng kể từ khi căn bệnh thấp khớp hành hạ, bàn chân sưng vù khiến bà không thể đi lại bình thường, phải chống gậy, một mình ông Tế phải gánh vác mọi chi tiêu trong nhà.
Dạo gần đây, căn bệnh viêm phổi chưa dứt, ông Tế chuyển qua suyễn rồi đau nhức toàn thân. Vậy mà ông chưa từng than vãn với vợ nửa câu, lúc nào cũng ngọt ngào hỏi han: "Em muốn ăn gì?", rồi tìm mọi cách kiếm tiền mua cho vợ.
Hai vợ chồng ông Tế sinh được 4 con, nhưng một người không may qua đời, 3 người còn lại cũng vì hoàn cảnh khó khăn mà phải đi xa tứ xứ để kiếm kế sinh nhai, hiếm khi đến thăm ba mẹ.
Chờ vợ 12 năm
Trong căn nhà 25m2 đã sống hơn 67 năm, tối nào bà Nguyễn Thị Út (73 tuổi, vợ ông Tế) cũng ngồi đợi sẵn, khi nào thấy chồng đi làm về thì mới cùng đi ngủ. Lấy nhau đã hơn nửa thế kỷ, vợ chồng ông Tế chưa từng lớn tiếng cãi vã. Hàng xóm xung quanh đều ngưỡng mộ sự nhẹ nhàng mà ông Tế dành cho vợ trong các cuộc trò chuyện của đôi vợ chồng già.
"Chúng tôi chưa từng xưng "mày, tao" hay chửi mắng nhau, cứ gọi "anh" với "em" suốt thôi. Dù khó khăn cách mấy, ông ấy vẫn nhường tôi. Có lẽ vì trải qua năm tháng nghèo khổ, cộng thêm sự hi sinh của cả hai nên chúng tôi thương nhau tới giờ", bà Út nói.
Ngược về 80 năm trước, trong chiến tranh, gia đình ông Tế lưu lạc đến TPHCM sinh sống. Phận nghèo, ba ông đành gửi con tại cư xá Đô Thành nhờ người quen nuôi giúp. Sau này lớn lên, ông Tế cũng chẳng còn nhớ quê hương ở đâu.
Đến năm 13 tuổi, trong một lần đi ngang đường Trường Sa, nhìn thấy một mảnh đất nhỏ, xung quanh toàn nước, ông Tế đã xin người chủ cho đổ xi măng, dựng lều lên ở đến giờ.
Từ nhỏ, ông Tế rất mến con nít. Vô tình được bạn nhờ đưa đón em gái 5 tuổi đi học, ông đồng ý ngay, nhưng nhiều ngày chờ mãi không thấy người này đến, ông đành quay về. Sau này lớn lên, dù trải qua nhiều mối tình nhưng trong đầu ông lúc nào cũng nghĩ tới cô bé 5 tuổi ấy. Không ngờ, đó chính là người vợ của ông hiện tại.
"12 năm kể từ khoảnh khắc gặp cô bé 5 tuổi khi đó, tôi quyết định đi qua căn nhà khi xưa, hỏi thăm. Chờ đúng 1 tuần, mẹ bạn đồng ý gả con gái cho tôi nhưng lúc đó thật sự vợ tôi chỉ thuận theo ý gia đình chứ chưa có tình cảm với tôi. Lúc đó, cũng vì thấy tôi dạy học miễn phí cho trẻ em nghèo, nên bà ấy mới động lòng, miễn cưỡng chấp thuận", ông Tế cười kể lại cơ duyên vợ chồng.
Vừa cưới vợ chưa bao lâu, ông Tế bị tai nạn, phải cưa một bên chân phải. Lúc đó, bà Út vừa sinh con đầu được 4 tháng. Bác sĩ dặn phải kiêng cữ chuyện vợ chồng, ông đành rời TPHCM ra Bà Rịa - Vũng Tàu. Bà Út ở nhà khóc rất nhiều vì nhớ chồng, nhưng ông Tế nhất quyết bỏ đi. Ông mặc cảm vì bản thân tật nguyền, không thể lo cho vợ con.
Sống nơi xa xứ suốt 5 năm, được nhiều người động viên, ông đi tìm việc làm. Làm công việc vặt mỗi tháng được 2.000 đồng, ông Tế đều gửi hết về cho vợ mua sữa cho con. Mãi đến năm 1975, ông quyết định quay về ở với vợ đến giờ.
Nói về mơ ước, hai vợ chồng ông Tế cười hiền: "Chỉ mong hai chúng tôi chết cùng lúc, để không ai phải buồn". Nhưng trước khi tới lúc đó, ông Tế vẫn mong có thể đạp xe chở vợ đi quanh Tòa thánh ở Tây Ninh, rồi cả hai dắt nhau vào tham quan khi cuối đời.