Người cha bất đắc dĩ của gần 50 đứa trẻ bị bỏ rơi
(Dân trí) - Cuộc sống tuy còn chật vật nhưng Đại đức Thích Tánh Bình luôn tâm niệm, ngày nào ông còn sống sẽ dốc hết lòng cưu mang, bảo bọc, dạy dỗ các con nên người, không để các con lầm đường lạc lối.
10 năm cưu mang trẻ bị bỏ rơi
Nằm nép mình giữa vùng quê thanh bình, bốn bề cây xanh tỏa bóng mát, chùa Quan Âm tọa lạc tại ấp Tích Lộc, xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn, Vĩnh Long không chỉ là nơi tu tập của các nhà sư mà gần chục năm nay, chùa được biết đến là mái ấm tình thương cưu mang gần 50 em nhỏ bị bỏ rơi.
Những đứa trẻ được nuôi tại chùa nhỏ nhất mới 2 tháng tuổi, đứa lớn nhất đã đi học tiểu học. Tất cả đều ngoan ngoãn, lễ phép và cực kỳ quấn quýt khi thấy người lạ tới thăm.
Hướng mắt về các bé vui đùa, Đại đức Thích Tánh Bình lần lượt kể về cơ duyên khiến ông và những đứa trẻ mồ côi gặp nhau. Trong đó, bé đầu tiên được nhận nuôi tên Khánh Ân.
Một đêm vào năm 2016, khi đang tụng kinh, ông nghe tiếng chó sủa inh ỏi và liên hồi nên mới ra xem. Khi bước đến cổng chùa, vị sư thầy nghe thấy một bé sơ sinh được quấn bằng tấm vải mỏng manh. Bế đứa bé vào lòng, Đại đức Thích Tánh Bình nhói lòng vì bé bị hở hàm ếch, thân thể lạnh ngắt nên vội đưa đến bệnh viện.
Từ dạo ấy, vị trụ trì có duyên với trẻ mồ côi, trở thành người cha bất đắc dĩ, chăm sóc, nuôi nấng, lo cơm ăn, áo mặc và chuyện học hành cho các con.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Đại đức Thích Tánh Bình kể, từ nhỏ ông đã mồ côi cha. Mẹ ông là phật tử thường đi chùa tụng kinh, lễ Phật và ông hay đi theo.
6 tuổi ông đã vào chùa, đến năm 15 tuổi thì xuất gia. Lúc còn tu tập ở chùa Giác Thiên (TP Vĩnh Long), ngôi chùa này cũng cưu mang nhiều trẻ mồ côi hoặc bị bỏ rơi nên ông rất thương cảm cho số phận của các con. Chính vì thế, khi xây dựng chùa Quan Âm, ông đã hy vọng có thể nuôi dưỡng, cưu mang những mảnh đời kém may mắn.
Nhắc lại việc nhận bé Khánh Ân, Đại đức Thích Tánh Bình kể, lúc đó ông vô cùng bối rối vì không biết phải chăm sóc đứa trẻ sơ sinh ra sao. Ngoài chuyện chăm lo từng miếng ăn giấc ngủ, hay việc ẵm bồng cũng khiến các sư thầy bỡ ngỡ.
Các sư phải thay phiên túc trực để dỗ dành các bé khi bất chợt giật mình rồi khóc ré lên giữa đêm, hoặc những ngày đêm có khi kéo dài ở lại bệnh viện để chăm sóc bé bệnh nặng. Những lúc quá bận rộn, Đại đức phải nhờ sự giúp sức của cô bác láng giếng ở gần chùa.
"Các cô chỉ tôi cách bồng trẻ, tắm, đút sữa. Hai đứa trẻ đầu nuôi rất cực. Đến đứa trẻ thứ ba thì tôi thuê bảo mẫu chăm sóc các con", Đại đức Thích Tánh Bình bày tỏ.
Nhiều người biết đến câu chuyện thầy Bình nhận cưu mang trẻ, có người mang con, cháu gửi đến nhờ chăm sóc. Có lúc họ gửi ban ngày, khi thì nửa đêm. Cứ mỗi lần ông nghe tiếng chó sủa, linh tính mách bảo có người đem trẻ bỏ trước cổng hay sân chùa.
"Đứa trẻ gần đây nhất tôi nhặt được là 2 tháng trước. Bé mới chào đời, còn dây rốn đỏ hỏn. Tôi vội bồng con đến trạm y tế để sơ cứu. Qua hôm sau con bệnh nằm viện nửa tháng mới khỏi. Có trường hợp con cái lớn rồi nhưng cha mẹ nuôi không nổi cũng gửi lại chùa nhờ tôi chăm sóc", vị trụ trì bộc bạch.
Theo Đại đức, Giấy tờ tùy thân của các con là mảnh giấy viết tay, vỏn vẹn tên tuổi và dòng chữ vì khó khăn nên không thể nuôi con. Sau khi nhận các con thì tôi làm giấy khai sinh để các con có bảo hiểm y tế, đi học...
Trồng rau, mở quán lẩu trang trải nuôi con
10 năm qua, những đứa trẻ cứ thế lớn dần, cái ăn, cái mặc và chuyện học hành cũng trở thành nỗi lo của nhà sư. Ngoài cơ sở 1 là chùa Quan Âm đang chăm sóc 31 bé, mái ấm tình thương do Đại đức thành lập còn cơ sở 2 là mái ấm Vĩnh Khánh ở TP Vĩnh Long) đang nuôi dưỡng 10 bé. Do số lượng trẻ nhiều, Đại đức phải thuê 4 bảo mẫu chăm sóc các con.
Đại đức Thích Tánh Bình kể, năm 2021, trẻ em ở mái ấm được nhận trợ cấp trẻ mồ côi, hiện mỗi tháng các con nhận được hơn 1 triệu đồng. Số tiền trên một phần trả lương bảo mẫu, phần còn lại mua thức ăn như thịt, cá, sữa bột... vì các con không ăn chay.
"Các con học tiểu học thì không tốn tiền trường chứ mẫu giáo là bình quân hơn 700.000 đồng/tháng, chưa kể lúc bệnh nặng đi viện lại tốn tiền hơn nữa. Mỗi tháng chi phí chăm sóc các con và học phí khoảng 70-80 triệu đồng. Chùa thì nằm ở vùng sâu, vùng xa, từ sau dịch Covid-19 nguồn tài trợ, quyên góp của mạnh thường quân, phật tử cũng ít hơn nên cả năm nay, chùa phải gồng gánh rất nhiều để lo cho các con được đầy đủ", Người sáng lập Mái ấm Quan Âm nói.
Để có tiền trang trải, Đại đức Thích Tánh Bình đã mở vườn rau thủy canh và quán lẩu chay (bán vào ngày chủ nhật mỗi tuần) để xoay sở lo sữa, tã, thức ăn mỗi ngày cho các con nhưng vì vị trí chùa còn hẻo lánh nên ít phật tử biết đến.
Dù còn lắm khó khăn nhưng Đại đức Thích Tánh Bình chưa bao giờ có ý niệm sẽ để các con cho người khác nhận nuôi. Nhà sư tâm sự: "Con đã bị bỏ rơi một lần, sao tôi nỡ lòng bỏ rơi con thêm lần nữa. Có trường hợp cha mẹ bỏ rơi con xong đến lúc con lớn trở về chùa xin nhận lại, tôi cũng nhờ chính quyền địa phương, công an xác minh kỹ càng, xét nghiệm ADN mới quyết định cho nhận lại con. Chứ mỗi ngày đều có người nhắn tin xin nhận nuôi trẻ".
Theo Đại đức Thích Tánh Bình, nhà chùa sẽ nuôi dưỡng trẻ đến 18 tuổi, lúc đó bé nào có duyên tu thì nhà chùa tiếp nhận, còn muốn học tiếp thì chùa cũng sẵn sàng lo.
Cuộc sống tuy còn chật vật nhưng vị trụ trì luôn tâm niệm, ngày nào ông còn sống sẽ dốc hết lòng cưu mang, bảo bọc, dạy dỗ các con nên người, không để các con lầm đường lạc lối.