1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Ngôi nhà an toàn cho trẻ em cần sự chung tay của toàn xã hội

Phạm Công

(Dân trí) - Bảo vệ trẻ em trước những mối nguy hại trong chính ngôi nhà của mình đó là để đảm bảo quyền sống của trẻ em - là quyền cơ bản đầu tiên, quan trọng đối với mỗi con người.

Cân tuân thủ tiêu chí ngôi nhà an toàn

Ngày 28/2, sự việc bé gái 3 tuổi trèo qua lan can rồi rơi từ tầng 12 may mắn thoát chết khi được một thanh niên hứng đỡ, xảy ra tại tòa nhà số 60B Nguyễn Huy Tưởng (Thanh Xuân Trung, Hà Nội) là hồi chuông cảnh tỉnh các phụ huynh cần chú ý xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ.

Theo thống kê của Cục trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), năm 2018 có gần 37.000 vụ tai nạn thương tích do ngã khiến 77 cháu nhỏ tử vong. Hơn 50% số vụ tai nạn thương tích của trẻ xảy ra ngay trong chính gia đình. Trong đó, tai nạn thương tích do rơi ngã thường xảy ra nhiều và để lại hậu quả nghiêm trọng. Tai nạn thương tích không chỉ gây tổn thất nặng nề về người và tài sản, mà còn để lại nỗi đau dai dẳng đối với nhiều gia đình.

Trao đổi về vấn đề này, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em cho rằng, thời gian gần đây, xảy ra nhiều vụ trẻ em rơi ngã từ các nhà cao tầng đặc biệt là chung cư. ngoài tai nạn rơi ngã, trẻ em còn gặp nhiều mối nguy hiểm trong chính ngôi nhà của mình như điện giật, trơn trượt, nước sôi, vật sắc nhọn…

Ngôi nhà an toàn cho trẻ em cần sự chung tay của toàn xã hội - 1

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em

"Hiện nay, ở Việt Nam đã có quyết định 548/QĐ-LĐTBXH của bộ LĐ-TB&XH về  tiêu chuẩn ngôi nhà an toàn. Trên thực tế, việc áp dụng ngôi nhà an giúp bảo vệ trẻ em toàn vẫn còn chưa được các gia đình và chủ đầu tư xây dựng các công trình quan tâm sát sao.

Điều đó dẫn đến việc mỗi năm có hàng nghìn em nhỏ bị tai nạn thương tích trong chính ngôi nhà của mình. Có những em sau tai nạn bị ảnh hưởng tâm lý nhưng cũng không ít trường hợp các em bị khuyết tật, thậm chí là tử vong" - ông Đặng Hoa Nam thông tin.

Cũng theo ông Đặng Hoa Nam, một số tiêu chí về ngôi nhà an toàn, như: Có cửa, cổng, hàng rào chắc chắn, độ cao phù hợp với lứa tuổi của trẻ em, cửa sổ phải có chấn song, các thanh dọc chắc chắn và khoảng cách đảm bảo trẻ không chui qua được, dây dẫn điện phải được đi ngầm trong tường hoặc có vỏ bọc chắc chắn nếu đi bên ngoài.

Ngôi nhà an toàn áp dụng đối với ngôi nhà thường xuyên có sự sinh sống, hoạt động của trẻ em (nhà ở riêng lẻ; nhà chung cư; nhà ở của các Cơ sở trợ giúp trẻ em; nhà ở các Trung tâm bảo trợ xã hội có nuôi dưỡng trẻ em).

"Môi trường sống càng hiện đại thì các nguy cơ dẫn đến tai nạn thương tích cho trẻ nhỏ càng nhiều. Ngoài việc sắp xếp một cách hợp lý môi trường sống cũng cần giám sát trẻ nhỏ. Trẻ em càng nhỏ thì bố mẹ càng phải thường xuyên giám sát" - ông Đặng Hoa Nam cho biết.

Vai trò của toàn xã hội

Cha mẹ, là những người có vai trò đầu tiên để tạo môi trường sống cho trẻ em. Trẻ em càng nhỏ tuổi, càng cần phải tạo ra những môi trường sống an toàn.

"Vấn đề đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ không chỉ là kiến thức mà còn ở kỹ năng của cha mẹ và người chăm sóc trẻ. Có gia đình cha mẹ có học vấn, có kiến thức nhưng lại thiếu kỹ năng dẫn đến những sự việc đáng tiếc xảy ra" - ông Đặng Hoa Nam ví dụ.

Ngôi nhà an toàn cho trẻ em cần sự chung tay của toàn xã hội - 2

Hình ảnh trích từ Clip vụ cháu bé rơi từ tầng 12A xuống và đã được cứu sống tại phường Thanh Xuân Trung (Hà Nội)

Để cha mẹ, người chăm sóc trẻ có những kỹ năng bảo vệ trẻ em cần có một quá trình truyền thông liên tục, tạo phản xạ cho người lớn về các mối nguy hiểm cho trẻ nhỏ.

Ngoài ra, bảo vệ trẻ em cần có sự chung tay của toàn xã hội, từ nhà sản xuất, xây dựng, giáo dục, cung cấp sản phẩm và coi đây là vấn đề chung. Về mặt cơ quan chức năng cần, xây dựng hành lang pháp lý để ràng buộc về trách nhiệm pháp lý đối với các bên có liên quan.

Ông Đặng Hoa Nam kiến nghị, để có thể thực hiện được các tiêu chuẩn về ngôi nhà an toàn, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các công trình xây dựng. Ngoài ra cần tăng cường giáo dục, tuyên truyền cho các cộng đồng và gia đình.

Đồng thời, cần phải giáo dục những kỹ năng an toàn cho trẻ khi các em đã có những nhận thức và hành vi về các mối quan hệ xã hội thông qua các hình vẽ, tranh ảnh hay các bài học thực tế.

"Việc phòng ngừa tai nạn thương tích cho trẻ em phải thực hiện ngay, kiên trì và thường xuyên, không bao giờ là sớm hay muộn" - ông Đặng Hoa Nam nhấn mạnh.