1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Đông Tháp:

Ngồi cà phê sáng bàn chuyện dựng hàng trăm căn nhà giúp người nghèo

Nguyễn Hành

(Dân trí) - Sau mỗi buổi cà phê sáng, nhóm bạn chú Tám (Đồng Tháp) sẽ chọn một địa chỉ xây nhà tặng người nghèo. Việc làm nhân văn này được duy trì hơn 8 năm qua. Qua đó, hàng trăm tổ ấm nghĩa tình "mọc lên".

Cà phê sáng… bàn chuyện cất nhà

Người dân xã Tân Thành (huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) hay gọi ông Nguyễn Trọng Dệt với cái tên thân mật là chú Tám cất nhà nghĩa tình. Bởi những căn nhà chú Tám xây dựng tặng cho những hộ khó khăn về nhà ở được gắn kết từ hàng chục, thậm chí hàng trăm tấm lòng thiện nguyện từ khắp nơi giúp hộ nghèo, hộ khó khăn trên địa bàn huyện Lai Vung.

Chúng tôi đến nhà chú Tám gần giờ trưa nên không được nhâm nhi ly cà phê, bàn chuyện cất nhà nghĩa tình cùng nhóm chú Tám. Chú Tám dẫn chúng tôi đến xem cơ ngơi cất nhà cho bà con nghèo.

Năm 2012, chú bắt đầu thực hiện việc cất nhà cho bà con nghèo. Ban đầu do ít người nên nhóm cất nhà của chú được gọi là "Tổ hỗ trợ xây dựng nhà", dần dần phát triển lên thành "Cơ sở xây dựng nhà cho người nghèo" như hiện nay.

Ngồi cà phê sáng bàn chuyện dựng hàng trăm căn nhà giúp người nghèo - 1

Mỗi buổi sáng nhóm bạn chú Tám hay họp mặt ở quán cà phê để bàn chuyện cất nhà cho hộ nghèo đang gặp khó khăn về nhà ở

Chú Tám, chia sẻ: "Cái duyên đến với công việc cất nhà cho hộ nghèo là từ những buổi cà phê sáng với bạn bè. Qua nói chuyện với anh em, tôi thấy bà con địa phương còn nhiều trường hợp khó khăn về nhà ở. Không ít trường hợp rơi vào cảnh ngủ bờ, ngủ bụi vì nhà sập do mưa bão. Thấu hiểu nỗi khó khăn của bà con, tôi quyết định cất nhà cho hộ nghèo từ năm 2012".

Căn nhà đầu tiên, chú Tám cất chỉ có giá trị hơn 4 triệu đồng. Chú Tám làm khung nhà tiền chế và tặng mái tole, gia đình làm nền và làm vách nhà. Từ những căn nhà đầu tiên cất lên, bạn bè thấy ý nghĩa thiết thực nên tham gia nhóm.

Nhờ đó, giá trị căn nhà "nghĩa tình" của chú Tám được nâng lên 8 triệu, 10 triệu đồng rồi 15 triệu đồng... Và hiện nay, mỗi căn có giá trị từ 20 - 30 triệu đồng.

Ngồi cà phê sáng bàn chuyện dựng hàng trăm căn nhà giúp người nghèo - 2

Từ năm 2016 đến nay, mỗi năm nhóm chú Tám đã cất từ 50 - 100 căn nhà nghĩa tình cho hộ nghèo, cận nghèo ở huyện Lai Vung

Về cách làm, chú Tám cho biết, khi nhận được tin có người khó khăn về nhà ở, thành viên trong nhóm trực tiếp đến khảo sát. Đến buổi cà phê sáng hôm sau, người đi khảo sát nhận thấy bà con thật sự cần cái nhà để che nắng che mưa, nhóm thống nhất xây dựng nhà. Công việc kế tiếp  là đi vận động các mạnh thường quân tiền xây nhà.

Trường hợp thành viên trong nhóm giới thiệu cất nhà cho một hộ dân nào đó thì thành viên đó sẽ là người tiên phong hỗ trợ tiền, sau đó đến các thành viên còn lại. Nếu chưa đủ, nhóm sẽ vận động thêm bên ngoài . Cách vận động theo phương châm "lấy ít thành nhiều".

"Nghĩa là vận động mỗi người chỉ vài trăm ngàn đồng, nhưng vận động nhiều người. Vì nếu mình vận động 5 triệu hay 10 triệu vào một người nào đó, họ sẽ e ngại đóng góp", Chú Tám giải thích.

Quỹ cất nhà luôn… 0 đồng

Theo chú Tám, những năm đầu vì ít người làm nên mỗi năm cất chỉ vài chục căn nhà. Từ những năm 2016 đến nay, trung bình mỗi năm cất từ 50 - 100 căn nhà. Kết cấu nhà được nhóm chú Tám quy ước sẵn, ngang 4m, dài 8m.

Khung nhà bằng thép, mái và vách nhà bằng tôn. Cửa nhà do gia chủ tự làm, nhưng vài năm trở lại đây, có người hỗ trợ thêm tiền cửa nhà nên chú Tám lắp cửa cuốn Đài Loan cho người dân.

Do cất nhà tiền chế nên việc dựng nhà cũng gọn nhẹ. Phần việc đầu tiên là thợ cắt sắt, chia thành cột, kèo… sau đó khoan lỗ để bắt ốc vít. Sau khi hoàn thành phân việc này, nhóm chú Tám chọn ngày (thường là theo gia chủ quyết định), thuê phương tiện chở khung nhà và tiến hành lắp ráp nhà cho người dân.

Ngồi cà phê sáng bàn chuyện dựng hàng trăm căn nhà giúp người nghèo - 3

Từ căn nhà đầu tiên có giá hơn 4 triệu đồng, đến nay căn nhà dành tặng hộ nghèo của nhóm chú Tám có giá trị từ 20 - 30 triệu đồng. Thời gian gần đây có nhà hảo tâm hỗ trợ gắn cửa kéo Đài Loan nên nhóm chú Tám lắp đặt thêm cho người dân

Anh Nguyễn Văn Bảo - một thành viên trong Tổ xây nhà chú Tám - cho biết: "Khi căn nhà dựng lên hoàn thành, nhóm chúng tôi trao chìa khóa cho gia chủ. Đến buổi cà phê sáng (sau buổi trao chìa khóa nhà cho người dân), anh em chúng tôi tổng kết chi phí xây nhà, thường là chi hết số tiền đã vận động, để không tồn quỹ. Sau đó, tìm địa chỉ mới, tiếp tục cất căn nhà khác cho bà con".

Theo chú Tám, từ khi thành lập nhóm thiện nguyện xây nhà cho bà con khó khăn về nhà ở, nhóm không có quỹ. Hay nói khác hơn là quỹ xây nhà luôn trong tình trạng "0 đồng".

"Vì chúng tôi làm theo hình thức "cuốn chiếu"; vận động xây căn nhà nào là xong căn đó. Khi cất xong, mới xây dựng căn nhà khác. Nhờ cách làm này, anh em trong nhóm không ngờ vực ai tư túi hay xén bớt tiền gì. Anh em ai thấy cũng vui khi hoàn thành căn nhà và bắt tay xây căn nhà khác", chú Tám nói.

Ngồi cà phê sáng bàn chuyện dựng hàng trăm căn nhà giúp người nghèo - 4

Trước việc làm đầy tính nhân văn của ông Nguyễn Trọng Dệt (chú Tám), Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp vùa tặng bằng khen biểu dương 

Ông Trịnh Hữu Kiệt - Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Lai Vung - cho biết: "Trên địa bàn huyện Lai Vung mỗi xã đều có những tổ hoạt động xã hội từ thiện, như: Tổ phục vụ cơm, cháo ở bệnh viện; tổ xây dựng cầu đường, tổ xây nhà cho hộ nghèo. Từ đó, giúp công tác an sinh địa phương rất tốt. Riêng tổ xây dựng nhà của chú Tám mang ý nghĩa nhân văn rất cao, vì giúp bà con có cái nhà vững chắc sinh sống. Từ đó, giúp bà con an cư lạc nghiệp, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ hơn 7% xuống còn 2,2%, giai đoạn 2016 - 2020".

Vừa mở tủ đồ nghề, kiểm tra lại máy móc, chú Tám hồ hởi cho biết, sáng nay, anh Bảo - một thanh viên trong nhóm vừa xác minh xong một căn nhà ở xã Tân Thành. Căn nhà này, anh Bảo đã góp 10 triệu, chú Tám góp 2 triệu và nhiều thành viên khác đang góp thêm tiền. Nhóm chú Tám quyết tâm xây dựng nhanh căn nhà để người dân nhận nhà mới đón Tết.