1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Nghịch lý dạy bơi để học sinh an toàn lại thành mang nguy hiểm đến với trẻ!

Sơn Nguyễn

(Dân trí) - Sau vụ việc nam sinh trường quốc tế chết đuối trong giờ học bơi, các chuyên gia cho rằng, kiến thức an toàn nước mới là yếu tố hàng đầu để phòng tránh đuối nước chứ không phải kỹ năng bơi lội.

Không thiếu hướng dẫn quy trình tổ chức lớp học bơi 

Trao đổi với phóng viên Dân trí về nghịch lý việc dạy bơi, trang bị kỹ năng để phòng tránh đuối nước cho trẻ em mà thành ra lại khiến trẻ rơi vào tình trạng mất an toàn, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH nhận định, trong vụ việc nam sinh lớp 9 ở Hà Nội, có thể thấy thầy giáo dạy bơi rất thiếu trách nhiệm dẫn đến hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

Liên tiếp các vụ học sinh tử vong do đuối nước tại trường học xảy ra mấy ngày qua. Chiều 22/8, nam sinh lớp 9 trường Phổ thông Quốc tế Việt Nam ở Hà Nội mất mạng trong giờ học bơi tại bể bơi của trường, trong khi thầy dạy bơi ngồi xem điện thoại.

Một ngày sau đó, học sinh lớp 7 ở TP Vinh (Nghệ An) cũng bị đuối nước tại bể bơi một trường THPT trên địa bàn.

"Chỉ có 11 học sinh trong giờ học bơi nhưng thầy giáo thay vì giám sát, hướng dẫn các em lại ngồi sử dụng điện thoại, để các em tự do xuống bể bơi thực hành, tự "trông nhau" dẫn đến vụ việc đau lòng", lãnh đạo Cục Trẻ em cho rằng, cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can với người này là hoàn toàn đúng quy định pháp luật.

Nghịch lý dạy bơi để học sinh an toàn lại thành mang nguy hiểm đến với trẻ! - 1

Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH.

Mở rộng ra các vụ đuối nước thương tâm xảy ra với cùng mô-típ "tai nạn tại trường học", ông Nam nêu nghịch lý, đa số mọi người quen nghĩ chỉ cần cho trẻ đi học bơi và biết bơi là yên tâm. Thực tế, kiến thức an toàn với nước chứ không phải kỹ năng bơi lội mới là yếu tố hàng đầu để phòng tránh đuối nước.

Cục trưởng Cục Trẻ em cho biết, kiến thức an toàn nước rất quan trọng, ngay cả với những người không có ý định bơi.

"Không chỉ những người học bơi mới cần quan tâm đến vấn đề này. Chính những người không biết bơi càng cần trang bị kiến thức này để biết những hạn chế của bản thân, biết nguyên tắc không bao giờ ở dưới nước một mình khi không có người theo dõi, giám sát trên bờ…", ông Nam nhấn mạnh.

Ông Nam chỉ rõ, chính sự chủ quan, không có kiến thức an toàn trong môi trường nước của mọi người dẫn đến nhiều vụ việc đáng tiếc xảy ra. Đó là lời giải thích cho lý do tại sao có những người bơi giỏi nhưng vẫn bị đuối nước.

Nghịch lý dạy bơi để học sinh an toàn lại thành mang nguy hiểm đến với trẻ! - 2

Bể bơi tại trường Phổ thông Quốc tế Việt Nam (Ảnh: Nam Hà).

Lãnh đạo Cục Trẻ em nêu rõ, để thúc đẩy việc trang bị kỹ năng phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ, Cục Trẻ em và Tổng Cục Thể dục thể thao đã ban hành các tài liệu hướng dẫn quy trình tổ chức lớp học bơi an toàn cho trẻ, đặc biệt với học sinh.

"Những tài liệu này quy định rất rõ một lớp học bơi được phép có bao nhiêu học sinh, học trong bao lâu, trách nhiệm của giáo viên thế nào… Giáo viên, huấn luyện viên thực hiện không đúng quy định phải chịu trách nhiệm", ông Nam quả quyết.

Theo nghiên cứu, tổng hợp của Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Y tế, rất nhiều trường hợp trẻ em tử vong vì tai nạn thương tích, đuối nước có nguyên nhân xuất phát do thiếu sự giám sát của người lớn; sự chủ quan của trẻ khi đã biết bơi; sự thiếu hiểu biết về từng môi trường nước cụ thể hoặc do cố gắng cứu người khác bị nạn mà không có kiến thức, kỹ năng để đảm bảo an toàn.

Người lớn sai, con trẻ trả giá bằng tính mạng 

Cũng bình luận về vụ việc, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (BVQTEVN) Nguyễn Thị Thanh Hòa cho biết, việc thiếu tinh thần trách nhiệm của thầy giáo dạy bơi tại trường quốc tế đã để lại hậu quả vô cùng lớn.

"Đây là bài học kinh nghiệm đau thương, đắt giá với cả xã hội. Rõ ràng cần xem xét trách nhiệm của giáo viên trong giờ học. Việc giáo viên thực hiện không đúng, làm chưa hết trách nhiệm là rất nghiêm trọng.

Ở đây, thầy giáo dạy bơi không những không giám sát mà khi kết thúc tiết học, học sinh ra về, thầy vẫn không biết thiếu em nào, thật là quá thờ ơ, vô trách nhiệm", bà Hòa nhận định.

Bà Hòa phân tích, kế hoạch triển khai chương trình "bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em" mà cơ quan quản lý nhà nước vạch ra rất cụ thể, không chỉ nhắm đến việc dạy bơi mà quan trọng, bao trùm là loại trừ những yếu tố mất an toàn dẫn đến tai nạn đuối nước với trẻ. Trong đó, trách nhiệm của từng cá nhân, thầy cô, nhà trường tham gia vào hoạt động này đều được quy định cụ thể.

Nghịch lý dạy bơi để học sinh an toàn lại thành mang nguy hiểm đến với trẻ! - 3

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (Ảnh: Hội BVQTEVN).

Bà Hòa cũng cảnh báo, ngay các phụ huynh, dù rất quan tâm tới việc cho con đi học bơi nhưng cũng chưa ý thức đầy đủ về vấn đề đảm bảo an toàn, nhiều người đưa con đến bể bơi rồi ngồi bấm điện thoại. 

"Trẻ em luôn luôn cần phải được để mắt đến bởi tai họa có thể xảy đến bất cứ lúc nào, ngay chính trong quá trình dạy bơi. Sai ở đâu có thể khắc phục nhưng sai ở việc dạy bơi, con trẻ phải trả giá bằng tính mạng", bà Hòa đau xót.

Chủ tịch Hội BVQTEVN khuyến cáo, bản chất của trẻ em, dù "lớn xác" thì về nhận thức, suy nghĩ vẫn non nớt, rất thiếu kinh nghiệm và kỹ năng sống. Việc dạy bơi, dạy các kỹ năng sinh tồn cho trẻ là hết sức quan trọng, không thể dừng, không thể rón rén lo sợ, quan trọng là phải làm việc này bằng tinh thần trách nhiệm, đặt an toàn của trẻ lên hàng đầu.