Đại biểu Quốc hội:
Nghỉ hưu trước tuổi bị trừ 2%, đóng dư chỉ được 0,5 tháng lương đóng BHXH
(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội đề nghị tăng mức hưởng trợ cấp một lần từ 0,5 tháng lương bình quân làm cơ sở đóng bảo hiểm xã hội lên 1% với mỗi năm đóng BHXH vượt khung thời gian tối đa.
Đề nghị tăng quyền lợi của người đóng nhiều năm BHXH
Tranh luận liên quan đến các quy định của dự thảo Luật BHXH sửa đổi, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho biết, cần nghiên cứu thêm về điều kiện hưởng lương hưu.
Đại biểu thống nhất số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu xuống còn 15 năm. Tuy nhiên, cần khuyến khích người lao động đóng càng nhiều năm thì lương hưu cao hơn.
Để cải thiện lương hưu, đại biểu đề nghị sau khi đóng đủ 15 năm BHXH sẽ được hưởng lương hưu từ 45%.
Đại biểu đồng ý mỗi năm về hưu trước tuổi bị trừ 2%, nhưng băn khoăn, với những người đóng dư thời gian (trên 30 năm với nữ, 35 năm với nam), mỗi năm đóng thêm chỉ nhận được 0,5 tháng lương đóng BHXH là không hợp lý. Đại biểu đề nghị nâng mức hưởng lên thêm 1% đối với mỗi năm đóng tăng thêm.
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn) cũng kiến nghị, cơ quan soạn thảo cân nhắc nghiên cứu, quy định đối với lao động ở khu vực tư, khu vực không chính thức nếu có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 30 năm đối với nữ và 35 năm đối với nam nếu nghỉ trước tuổi thì mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi chỉ trừ 1% tỷ lệ hưởng, thay vì 2% như hiện hành.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị tiếp tục nghiên cứu có thêm những ngành nghề đặc thù nếu số năm đóng bảo hiểm xã hội cao thì cũng được nghỉ hưu sớm hơn so với tuổi quy định, ngoài các ngành nghề được nêu tại khoản 2 Điều 64 của dự Luật.
Một bộ phận có lương hưu thấp
Liên quan đến quy định cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%, đại biểu Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) cho rằng tỷ lệ trừ như vậy là quá cao.
Do đó, đề nghị cần nghiên cứu quy định cho phù hợp, đảm bảo sự hài hòa giữa đóng và hưởng, vì độ tuổi bắt đầu tham gia đóng bảo hiểm của mỗi người khác nhau, cho nên cần quy định thời gian đóng bảo hiểm bao nhiêu để được hưởng tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% là phù hợp.
"Quy định này ở một góc độ nào đó tạo thiệt thòi cho người lao động. Bởi, chiều ngược lại, mức trợ cấp một lần tính theo số năm đóng BHXH cao hơn mà BHXH phải trả cho người lao động là 0,5 lần mức bình quân đóng tiền lương cho mỗi năm cao hơn", đại biểu nêu.
Về điều kiện hưởng lương hưu, đại biểu nhất trí với nội dung dự thảo nêu. Tuy nhiên, do cách tính mức lương hưu dựa trên thời gian đóng góp và mức tiền lương, thu nhập làm căn cứ đóng BHXH nên việc giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH sẽ làm xuất hiện thêm nhiều trường hợp người lao động nghỉ hưu với mức lương rất thấp, với lao động nam chỉ hưởng mức 33,75%, tương đương hơn 2 triệu đồng.
Đồng thời, dự thảo Luật đã bỏ quy định về mức lương hưu tối thiểu. Theo đại biểu Phạm Thị Kiều, đây là điều mà người lao động đang băn khoăn, lo ngại về khả năng "nghèo hóa" của một bộ phận người dân trong tương lai.
Vì vậy, đại biểu đề nghị xem xét thiết kế cách tính lương hưu có tính chia sẻ để hỗ trợ cho những người có tiền lương hưu quá thấp.