1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Nghi án Hồ Hoài Anh, Hồng Đăng: Biến cố gia đình và nạn nhân của "bão" mạng

Hoài Nam

(Dân trí) - "Nghi án" về hai nghệ sĩ Hồ Hoài Anh và Hồng Đăng tại Tây Ban Nha làm nổ ra nhiều luồng ý kiến. Phía sau chuyện lùm xùm, một lời cảnh báo không khỏi giật mình, có những nạn nhân vô cớ bị kéo vào...

Từ khi có thông tin hai người đàn ông là diễn viên, nhạc sĩ nổi tiếng Việt Nam vướng vào nghi án cưỡng hiếp cô gái `17 tuổi ở quần đảo Majorca (Tây Ban Nha), ngay lập tức cộng đồng mạng "trút bão" vào vợ con, người thân hai nghệ sĩ trong nghi vấn. "Cơn bão" thị phi ngập tràn từ trang cá nhân của những người đang bị tổn thương vì sự việc xảy ra cho đến khắp các diễn đàn mạng.

Nghi án Hồ Hoài Anh, Hồng Đăng: Biến cố gia đình và nạn nhân của bão mạng - 1

Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh và diễn viên Hồng Đăng vướng vào nghi vấn ở đảo Mallorca.

Từ những câu hỏi han "anh nhà đâu rồi" đầy tò mò tới những lời xách mé "đẹp mặt chưa", "sao không lên tiếng" và cả những lời dị nghị "vợ con giờ lẩn trốn trong nhà rồi", "con cái còn mặt mũi nào đi học, nhìn ai"... phần nào cho thấy "thảm cảnh" của vợ con, gia đình những người đàn ông vướng vào tai tiếng.

Bức xúc về làn sóng "tấn công" vào người thân của những người nằm trong nghi vấn, một số người đã phải thốt lên: "Vợ con họ có tội tình gì?", "Sao vô duyên và độc ác đến thế?"...

Phía sau những tai tiếng lùm xùm của những người nổi tiếng còn là người thân của họ, là bố mẹ, là anh chị, đặc biệt là những đứa con. Theo cách này hay cách khác, con trẻ có thể trở thành nạn nhân bị sát thương nặng nề nhất vì hành vi, lối sống của người lớn và vì áp lực từ dư luận. 

Từ nghi án Majorca, nhà giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương, sáng lập Trường ngoại khóa TOMATO, người đưa phong trào trẻ em lớn nhất thế giới Design For Change đến Việt Nam nhắc đến từ "The knock" dùng để chỉ một trong những loại biến cố đột ngột và kinh khủng nhất có thể xảy ra với cuộc đời một đứa trẻ, như việc bỗng nhiên một hôm, cảnh sát đến gõ cửa và rồi cha mẹ bị đưa đi.

Và trong các loại "the knock", tình huống tệ nhất là khi người cha bị vướng vào một nghi án ngoại tình hoặc ấu dâm. Bởi điều này có thể chôn vùi phẩm giá của gia đình, có thể khiến đứa trẻ sống trong mặc cảm và bị bạn bè xa lánh sau đó.

"Khi đọc tin về vụ việc ở đảo Mallorca, điều đầu tiên tôi nghĩ đến là những đứa trẻ.  Tôi đã đọc rất nhiều bài báo, nhiều bình luận về vụ này mà thấy rất hiếm bài nhắc đến những đứa trẻ. Tôi lo rằng trong những biến cố gia đình đột ngột như thế này, trẻ con sẽ bị bỏ quên, vì người lớn còn đang choáng ngợp và chìm đắm trong vấn đề và nỗi đau của riêng họ", bà Nguyễn Thúy Uyên Phương trăn trở.

Nhà giáo dục này đưa ra một vài góc nhìn của các chuyên gia tâm lý về việc nên ứng xử và làm gì để giúp con trẻ vượt qua "the knock":

- Lỗi ai nấy chịu: Trẻ thường cảm thấy khi cha mẹ vướng lao lý thì mình cũng thành người có tội. Con cần được trò chuyện để hiểu rằng lỗi của cha mẹ thì cha mẹ có trách nhiệm mang vác. Chuyện cha mẹ gây tội có thể thay đổi một số yếu tố bên ngoài nhưng không thay đổi việc con vẫn xứng đáng được yêu thương.

- Đừng cố che giấu sự thật với con: Thời đại này rất khó để giấu, cha mẹ là người nổi tiếng càng khó để giấu. Việc cố gắng che đậy thông tin chỉ khiến trẻ hoang mang và đau khổ hơn khi không biết đâu là sự thật, mình nên tin vào điều gì. Tất nhiên, việc chọn ai là người thông báo câu chuyện với trẻ và báo sự thật như thế nào nên được cân nhắc kỹ.

- Trẻ có thể thấy ghê sợ, tức giận và muốn xa lánh người cha/mẹ bị kết án. Trẻ cũng có thể cảm thấy lòng yêu kính với cha mẹ không hề thay đổi bất chấp những gì họ đã làm. Cả hai trạng thái cảm xúc đó đều hoàn toàn bình thường và không nên chỉ trích con về cảm xúc mà con bộc lộ. 

Nghi án Hồ Hoài Anh, Hồng Đăng: Biến cố gia đình và nạn nhân của bão mạng - 2

Con trẻ rất cần được hỗ trợ khi phải đối diện với tai tiếng của bố mẹ (Ảnh minh họa).

Tốt nhất là con có một ai đó mà con cảm thấy an toàn, tin cậy để bộc lộ, chia sẻ những cảm xúc, nghĩ suy của mình về cha mẹ và sự việc.

- Con cần được chuẩn bị tâm lý về những gì sẽ thay đổi trong thời gian cha mẹ bị tạm giam. Những xáo trộn trong nhịp sống gia đình, những thay đổi trong thái độ ứng xử của xóm giềng, bạn bè với mình (cả những gì không vui, những gì xấu xí). Vì thà được biết trước rồi đến khi những thứ đó thực sự đến thì đỡ "sốc". 

Những thông tin về tình trạng của người cha/người mẹ bị bắt, liệu con có được gặp lại cha mẹ nữa không, con có phải chuyển trường chuyển nhà không…, đứa trẻ cũng cần được trao đổi và có sự chuẩn bị.

 - Con cũng cần được trấn an về những gì sẽ không thay đổi. Nếu có thể, hãy giữ cho những thói quen, nhịp sống, nhịp sinh hoạt hàng ngày của ít bị xáo trộn nhất. Vì chỉ riêng những xáo trộn trong tâm can đã là quá lớn rồi.

 - Giúp con hiểu rằng mỗi biến cố đều là một bài học. Bài học từ biến cố này là "your choice, your life" - mỗi hành động đều dẫn đến một hệ quả. Có những hành động mà hậu quả phải trả bằng cả cuộc đời.

- Đừng ngần ngại tìm sự trợ giúp của chuyên gia tâm lý, cho chính mình và cho con. Vì những gì mà gia đình và con trẻ phải trải qua trong biến cố này rất khốc liệt. Đặc biệt, trẻ tuổi teen là đối tượng nhạy cảm và dễ bị tổn thương nhất khi phải đối mặt với "the knock".

Còn với mỗi người chúng ta, nhà giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương trải lòng, tất cả đều có thể giúp những đứa trẻ đang đối diện với "the knock" bằng cách bớt ném đi một hòn đá. Bởi ném cha mẹ mà con đau, tội lắm!