Nghệ An: Huyện biên giới với nhiều giải pháp giúp người dân thoát nghèo

Nguyễn Duy

(Dân trí) - Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, câu chuyện giảm nghèo ở huyện biên giới Con Cuông (Nghệ An) đã có nhiều điểm sáng, không ít hộ dân vươn đã vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê nhà.

Nỗ lực thoát nghèo ở huyện biên giới xứ Nghệ

Mạnh dạn vay vốn để thoát nghèo

Gia đình anh Ngân Văn Nam, trú ở bản Thanh Bình, xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông (Nghệ An) là một trong những điển hình thoát nghèo của địa phương. Được biết, trước đây gia đình anh gặp rất nhiều khó khăn.

Nhờ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho vay 30 triệu đồng vốn ưu đãi để mua con giống phát triển chăn nuôi, đến nay gia đình anh Nam đã có đàn bò 6 con và 1 con trâu cùng 3 ha keo đang trong thời kỳ thu hoạch. Với sự nỗ lực, năm 2021 gia đình đã thoát khỏi hộ nghèo.

Anh Ngân Văn Nam cho biết: "Ngày vợ chồng tôi lấy nhau, gia đình 2 bên đều khó khăn. Khi ra ở riêng, vợ chồng không có gì đáng giá ngoài căn nhà tạm bợ. Chúng tôi đã mạnh dạn vay ngân hàng 30 triệu đồng để mua con giống về nuôi, nhờ chịu khó làm ăn nay gia đình đã đỡ vất vả nên tôi quyết xin ra khỏi hộ nghèo để phấn đấu làm ăn...".

Nghệ An: Huyện biên giới với nhiều giải pháp giúp người dân thoát nghèo - 1

Nhờ mạnh dạn vay ngân hàng 30 triệu đồng để mua con giống về nuôi, đến nay, gia đình anh Nam đã có một đàn bò 6 con. 

Gia đình ông Nguyễn Vân Long là một trong những hộ người dân tộc Đan Lai, ở bản Cò Phạt, xã Môn Sơn (huyện Con Cuông) được tái định cư ra nơi mới ở bản Kẻ Tắt, xã Thạch Ngàn từ năm 2019.

Cũng như nhiều hộ khác ở bản Kẻ Tắt, gia đình ông Long sản xuất theo tập quán cũ nên cái đói, cái nghèo vẫn đeo bám.

Ông cảm thấy nếu theo tập quán cũ thì khó lòng thay đổi được cuộc sống và muốn bớt khổ thì phải chịu khó, muốn có cái ăn, cái mặc, muốn no đủ thì phải thay đổi nhận thức…

Sau nhiều lần suy nghĩ, ông quyết định vay vốn 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để phát triển chăn nuôi bò. 

Nghệ An: Huyện biên giới với nhiều giải pháp giúp người dân thoát nghèo - 2
Để phát triển chăn nuôi, anh Nam đã đầu tư trồng thêm cỏ voi làm thức ăn cho trâu, bò.

"Vợ chồng tôi quyết định vay vốn ngân hàng. Bởi trong bản cũng có nhiều gia đình mạnh dạn vay. Họ làm được, mình cũng tự giác học hỏi và làm theo thôi. Đến nay, gia đình tôi đã có đàn bò 5 con, trồng thêm 2 ha keo, đào được 2 hồ nuôi cá…", ông Nguyễn Vân Long chia sẻ.

Nhiều điểm sáng

Xã Thạch Ngàn là một trong những địa bàn vùng sâu, vùng xa của huyện Con Cuông, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. Nếu như năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn hơn 50%, nhưng tới nay chỉ còn hơn 20%.

Để có được kết quả này, trước hết là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và sự hỗ trợ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. 

Gia đình ông Long còn trồng thêm 3 ha keo.

Ngoài đàn bò 5 con, gia đình ông Long còn trồng thêm 2 ha keo.

Toàn xã hiện có trên 500 hộ được thụ hưởng vay vốn sản xuất từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Con Cuông. Nhờ đó số hộ vươn lên thoát nghèo, làm giàu của xã ngày càng tăng, cuộc sống nhân dân đã ổn định hơn. 

Ông Vi Trung Định - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Ngàn, Con Cuông - cho biết: "Chúng tôi rất mừng khi chứng kiến nhiều hộ dân tự giác phát triển kinh tế, không còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước như trước đây nữa. Nhiều hộ đã đến xã đăng ký thoát nghèo, rất cảm ơn sự hỗ trợ nhiệt tình của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện".

Từ các chương trình tín dụng, nhiều hộ dân ở huyện Con Cuông đã đầu tư, phát triển kinh tế trang trại để nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.

Nghệ An: Huyện biên giới với nhiều giải pháp giúp người dân thoát nghèo - 4

Ông Nguyễn Vân Long, ở bản Kẻ Tắt, xã Thạch Ngàn là một trong những hộ tái định cư từ bản Cò Phạt. Nhờ được vay vốn ưu đãi, nay kinh tế của gia đình ông đang từng bước phát triển.

Hiện số dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Con Cuông là hơn 465 tỷ đồng cho 9.785 hộ vay vốn. Các hộ được vay đều sử dụng nguồn vốn đúng với mục đích để phát triển kinh tế gia đình.

Bà Trần Thị Ngọc - Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Con Cuông - cho biết: "Chương trình cho vay sản xuất rất quan trọng với các hộ gia đình nghèo, khi vay được vốn họ có thể thực hiện được các mô hình trồng trọt, chăn nuôi. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện mô hình này để giúp người dân trên địa bàn huyện có được nguồn vốn phát triển kinh tế, làm giàu tại quê hương".

Nghệ An: Huyện biên giới với nhiều giải pháp giúp người dân thoát nghèo - 5

Bên cạnh đào ao thả cá, gia đình ông Long còn chăn thả đàn bò 5 con.

Từ các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, chính sách vay vốn phát triển kinh tế, nhiều gia đình ở huyện biên giới Con Cuông không chỉ làm giàu ngay chính trên quê hương mình, mà còn đóng góp tích cực cho công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.