Ngân sách chưa thể "gánh" chế độ trợ cấp gia đình, trẻ em
(Dân trí) - Giải thích việc chưa quy định chế độ trợ cấp gia đình/trẻ em vào Luật BHXH sửa đổi, cơ quan soạn thảo cho rằng, ngân sách hiện chưa thể cân đối được, nếu trích từ các quỹ BHXH lại không phù hợp.
Đây là một trong những nội dung Bộ LĐ-TB&XH báo cáo tiếp thu, giải trình về những ý kiến góp ý liên quan đến dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Trước đó, hồi tháng 8, Thường trực Ủy ban Xã hội đề xuất cơ quan soạn thảo dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) xem xét bổ sung chế độ trợ cấp gia đình dành cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Theo cơ quan này, cho đến nay, trợ cấp gia đình là chế độ BHXH duy nhất mà Việt Nam chưa thực hiện so với Công ước số 102 của Tổ chức Lao động Quốc tế.
Về vấn đề này, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, trong quá trình trao đổi, thảo luận, Bộ đã đề xuất nội dung liên quan đến chế độ trợ cấp gia đình/trẻ em. Tuy nhiên, Chính phủ quyết định chưa bổ sung nội dung nêu trên do nguồn lực còn eo hẹp.
Nếu đưa thêm chính sách này vào dự thảo luật phải có nguồn kinh phí đảm bảo khoảng 0,7%-1,2% GDP (theo tính toán của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Trong khi đó, nguồn kinh phí này Ngân sách nhà nước chưa thể cân đối bố trí được.
Nếu điều chỉnh từ các quỹ ngắn hạn khác thì không phù hợp bởi trong quá trình xác định tỷ lệ đóng của các quỹ ngắn hạn đều đã tính toán đến việc cân đối quỹ, một số quỹ ngắn hạn hiện nay còn kết dư lớn là do chưa thực hiện đầy đủ chính sách đã quy định.
"Nếu trích từ quỹ BHXH thì phải tăng tỷ lệ đóng của người lao động và người sử dụng lao động, điều này không phù hợp khi tỷ lệ đóng đã khá cao và doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn", Bộ LĐ-TB&XH lý giải.
Ngoài ra, ban soạn thảo luật cho rằng, chế độ trợ cấp gia đình/trẻ em mặc dù chưa được thực hiện toàn diện nhưng cũng đã được lồng ghép trong nhiều chế độ, chính sách khác.
Cụ thể, trong bảo hiểm xã hội là trợ cấp một lần khi sinh con, nhận nuôi con, các chế độ chính sách khác như hỗ trợ y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội, giảm nghèo...
Bộ LĐ-TB&XH cho biết, theo thông lệ quốc tế và nguyên lý bảo hiểm, việc bổ sung chế độ, quyền lợi cho người tham gia BHXH là rất tốt nhưng phải dựa trên khả năng đóng góp của người lao động, người sử dụng lao động và khả năng cân đối của ngân sách nhà nước.
Cơ quan giải trình dẫn chứng, một số nước có điều kiện kinh tế tốt hơn Việt Nam nhưng chưa thực hiện một số chế độ cơ bản, thiết yếu đối với người lao động tham gia BHXH.
Ví dụ, Malaysia có mức đóng BHXH cao 26,7% nhưng chưa thực hiện chế độ ốm đau, thai sản như Việt Nam. Khi người lao động bị ốm bệnh hoặc thai sản, toàn bộ chi phí phát sinh do người sử dụng lao động trực tiếp chi trả.
Ở một số nước khác, khi xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trách nhiệm chi trả cũng thuộc người sử dụng lao động.
Trước đó, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng khuyến nghị Việt Nam xây dựng hệ thống BHXH trở nên hấp dẫn hơn đối với người lao động, trong đó tăng cường các chế độ trợ cấp ngắn hạn nên là một ưu tiên.
Cụ thể, ILO đề xuất Việt Nam cung cấp cho các gia đình một khoản trợ cấp hàng tháng dựa trên số con họ có, tiếp cận tốt hơn với dịch vụ chăm sóc trẻ mẫu giáo.