Ngăn ngừa người tâm thần gây án
(Dân trí) - Quảng Ngãi hiện có 7.310 bệnh nhân tâm thần điều trị ngoại trú. Thời gian qua, nhiều người bệnh có biểu hiện hoang tưởng, ảo giác dẫn đến không kiểm soát được hành vi.
Cuối năm 2022, bà H., một nhân viên y tế huyện Mộ Đức, trên đường đi làm về đã bị người đàn ông chặn đường đánh chết. Hung thủ là ông S., một bệnh nhân đang được theo dõi, điều trị tâm thần ngoại trú.
Một vụ án khác xảy ra vào cuối năm 2022 tại huyện Tư Nghĩa cũng gây chấn động dư luận. Nạn nhân là bà T. Hung thủ là V., con ruột bà T.
Sáng sớm, người dân phát hiện bà T. chết tại nhà. Thân thể nạn nhân không còn nguyên vẹn. Sau khi sát hại mẹ, V. cầm dao la hét, chống lại lực lượng chức năng.
Trên đây chỉ là 2 trong số hàng chục vụ án đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến người tâm thần xảy ra tại Quảng Ngãi. Điều này cho thấy, nguy cơ luôn hiện hữu khi có hàng nghìn người tâm thần đang được quản lý, điều trị tại nhà.
Theo thống kê, Bệnh viện Tâm thần Quảng Ngãi đang quản lý, cấp phát thuốc điều trị ngoại trú cho 7.310 bệnh nhân. Trong đó, có 4.721 bệnh nhân đang được quản lý, cấp phát thuốc điều trị ngoại trú tại 173 trạm y tế xã, phường, thị trấn.
Tuy nhiên, tại Quảng Ngãi chưa có mô hình phục hồi chức năng tâm thần chuyên biệt cho người bệnh. Việc quản lý, giám sát, chăm sóc người bệnh tại gia đình còn hạn chế. Điều này dẫn đến nguy cơ người bệnh bỏ thuốc điều trị. Nhiều người bệnh có biểu hiện hoang tưởng, ảo giác dẫn đến không kiểm soát được hành vi, có trường hợp đã giết người.
Trên cơ sở đó, ngày 20/9, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh có chỉ đạo về việc quản lý, phòng ngừa người tâm thần gây án.
Chủ tịch tỉnh yêu cầu Sở LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các đơn vị tham mưu UBND tỉnh, trình HĐND tỉnh xem xét ban hành nghị quyết về cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí cho đội ngũ cộng tác viên y tế trong công tác chăm sóc bệnh nhân tâm thần.
Sở LĐ-TB&XH cần tham mưu triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch của UBND tỉnh về tiếp nhận, quản lý, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng tại Trung tâm công tác xã hội tỉnh đối với người bị bệnh tâm thần không đủ điều kiện chăm sóc, quản lý tại gia đình.
Đối với ngành công an, cần tăng cường quản lý người bị bệnh tâm thần đã có hành vi vi phạm pháp luật, có biện pháp ngăn ngừa họ tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội.