1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Ngán ngẩm nhà trọ như "lò thiêu", công nhân mơ mãi giấc mơ nhà ở xã hội

Thanh Xuân

(Dân trí) - Hầu hết lao động từ các địa phương đến khu công nghiệp tại các thành phố lớn làm việc đều phải thuê những căn phòng trọ xuống cấp, chật hẹp. Nhà ở là ước mơ xa vời đối với công nhân nghèo.

Ám ảnh nhà trọ công nhân

Chị Đỗ Thị Kim Duyên (SN 1986, ở Thanh Ba, Phú Thọ) đã có 10 năm làm việc tại một doanh nghiệp trong Khu Công nghiệp Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội). Con gái 11 tuổi, song chị Duyên vẫn phải tiếp tục hành trình đi ở trọ. Mỗi lần chuyển trọ, cả mẹ và con phải "mướt mồ hôi" dọn dẹp, vận chuyển đồ đạc.

Chồng làm công trình xây dựng, vắng nhà liên tục. Chị Duyên cùng con gái thuê một nhà trọ nhỏ hẹp khoảng 12m2, đủ kê chiếc giường ngủ, một bàn học cho con và bếp nấu ăn. Đây là dãy nhà trọ cấp bốn cũ kĩ, mái fibro xi măng che nắng, che mưa. Mùa đông gió lạnh ập vào, mùa hè phòng trọ hầm hập như thiêu đốt.

Khi con gái đã lớn, cũng là lúc gia đình chị nghĩ đến chuyện nhà cửa. Chị Duyên chia sẻ: "Mua được nhà không phải mong muốn mà đó là mơ ước. Mơ ước này không chỉ bản thân nhà tôi mà còn rất nhiều công nhân khác".

Ngán ngẩm nhà trọ như lò thiêu, công nhân mơ mãi giấc mơ nhà ở xã hội - 1

Công nhân ăn ngủ, nấu ăn trong căn trọ chỉ vài m2 ở Hà Nội (Ảnh: L.H).

Thu nhập giảm sút do công ty ít việc. Tiền thuê nhà, tiền điện, nước, phí sinh hoạt, đóng học cho con... cũng "ngốn" hết đồng lương của chị Duyên. Mỗi tháng, chị chỉ dành dụm được một chút để phòng khi bệnh tật, ốm đau. 

Chị Duyên là một trong rất nhiều công nhân ở các tỉnh đến làm việc tại thủ đô khát khao về nhà ở. Song với thu nhập hạn chế, ngôi nhà đối với chị chỉ dừng lại trong tâm tưởng.

Chia sẻ tại tọa đàm "Chỗ ở và nhà ở - Nhu cầu cấp bách của công nhân", ông Lê Văn Nghĩa, Trưởng Ban quản lý dự án thiết chế công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, tại nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, công nhân phải thuê nhà trọ do người dân tự xây dựng, điều kiện sống khá tạm bợ, diện tích phòng trọ chật hẹp (10m2), không có không gian vui chơi, giải trí...

"Khảo sát tại tỉnh Hà Nam, công nhân sinh sống trong những dãy nhà cấp bốn, điều hòa không có, mùa hè nóng bức, thậm chí càng quạt càng nóng...", ông Lê Văn Nghĩa chia sẻ.

Phó Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp và khu chế xuất Hà Nội Trần Anh Tuấn thừa nhận, hầu như các gia đình công nhân không có nhiều khả năng tích lũy kinh tế để mua nhà ở xã hội. Do vậy, họ phải trông chờ vào việc trợ cấp của nhà nước, doanh nghiệp, nhằm thuê những căn hộ phù hợp khả năng kinh tế, bảo đảm nhu cầu cuộc sống.

Ông Tuấn cho biết, hiện nay, Hà Nội có 10 khu công nghiệp, gần 170.000 công nhân. Hầu hết các khu công nghiệp chưa quy hoạch, bố trí chỗ ở cho công nhân. Đến nay, mới có 4 khu công nghiệp có khu nhà ở cho công nhân, tổng công suất thiết kế khoảng 22.450 chỗ ở, tương ứng 13% nhu cầu.

Giải "cơn khát" nhà ở cho công nhân

Ông Tạ Việt Anh, Chủ tịch Quỹ hỗ trợ chương trình, Dự án An sinh xã hội Việt Nam đánh giá, nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, người thu nhập thấp đang rất lớn và cấp bách. Tuy nhiên, việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đạt kết quả rất thấp so với mục tiêu đề ra.

Ngán ngẩm nhà trọ như lò thiêu, công nhân mơ mãi giấc mơ nhà ở xã hội - 2

Các diễn giả tham dự tọa đàm chuyên đề "Chỗ ở và nhà ở - Nhu cầu cấp bách của công nhân" (Ảnh: Phạm Hùng).

Hiện mới đạt 5,2/12,5 triệu m2, tương đương khoảng 41,6% của Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030" đã được Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt ngày 30/11/2011.

Trước nhu cầu nhà ở cho công nhân, đặc biệt là nhu cầu có nơi học tập, vui chơi, giải trí, khám chữa bệnh, ông Lê Văn Nghĩa cho biết, từ năm 2015-2017, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ về đề án thiết chế công đoàn (gồm nhà ở, nhà văn hóa, thể thao, trạm y tế, nhà trẻ, dịch vụ, thương mại...) phục vụ công nhân khu công nghiệp.

Chính phủ đã có quyết định giao Tổng Liên đoàn Lao động thực hiện 50 thiết chế công đoàn. Hiện đã có 35 tỉnh, thành giới thiệu địa điểm (quy mô 3-7ha) cho Tổng Liên đoàn Lao động để bố trí xây dựng. Tuy nhiên, còn một số vấn đề về pháp lý cần phải điều chỉnh.

"Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam rất quyết tâm, đưa ra các giải pháp, chính sách tháo gỡ để có thể đứng ra làm nhà ở cho công nhân...", ông Lê Văn Nghĩa nói.

Theo Phó Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp và khu chế xuất Hà Nội, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất đã tham mưu UBND thành phố ban hành quy định, bắt buộc các khu công nghiệp bố trí 2% quỹ đất để xây dựng nhà ở cho công nhân.

Thành phố ưu tiên nguồn vốn ngân sách cho xây dựng hạ tầng xã hội bao gồm các công trình phúc lợi công cộng; huy động nguồn vốn đầu tư các dự án nhà ở cho công nhân từ ngân sách thành phố, vốn vay ưu đãi, vốn của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, vốn của doanh nghiệp sử dụng lao động...