Ngân hàng thưởng Tết 2021 nhưng "treo" đến 2024 mới trả tiền: Đúng hay sai?
(Dân trí) - Mấy ngày nay, cộng đồng ngân hàng xôn xao với thông tin về trường hợp một ngân hàng thương mại có tiếng thưởng Tết 2021 nhưng "treo" đến... 2024 mới trả. Việc này có ranh giới đúng-sai thế nào?
Việc công bố thưởng Tết, 4 năm sau mới lĩnh được áp dụng tại ngân hàng đã liên tiếp nhận các giải thưởng về môi trường làm việc ưu việt trong năm 2021, như ngân hàng có chính sách Đào tạo và Phát triển nhân viên tốt nhất" (Best Learning & Employee Development), doanh nghiệp có "An sinh môi trường làm việc tốt nhất" (Best Workplace Wellbeing) trong khuôn khổ của giải thưởng HR Excellence 2021.
Bên cạnh đó, đây cũng là ngân hàng tích cực phát hành cổ phiếu cho cán bộ, nhân viên với giá hợp lý. Năm 2021, ngân hàng này đã phát hành 15 triệu cổ phiếu (ESOP - Employee Stock Ownership Plan) cổ phiếu lựa chọn cho người lao động, hạn chế chuyển nhượng, mua bán trong 3 năm đầu.
Tuy nhiên, thông tin về việc thưởng Tết và cách trả thưởng có một không hai kể trên gây nhiều bất ngờ cho người làm trong giới ngân hàng.
Theo lời của một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng, có thể hình thức giữ tiền thưởng chỉ áp dụng ở một số bộ phận nhân viên chứ không hẳn là giữ lại toàn bộ thưởng với người lao động tại ngân hàng năm đó. Những người bị giữ lại thưởng Tết có thể chính là nhóm cán bộ quản lý như trưởng, phó phòng, người giữ vị trí chủ chốt trong các phương án kinh doanh của ngân hàng hoặc người có thỏa thuận, cam kết khi làm việc.
Vị chuyên gia này cũng phán đoán, chắc chắn, với số tiền thưởng phải giữ lại đến vài năm như vậy, ngân hàng và cá nhân người lao động sẽ có thỏa thuận riêng về lãi suất, về khoản tăng phúc lợi....
Trao đổi với PV Dân trí, đại diện truyền thông của ngân hàng được cho là có cơ chế thưởng "độc", "dị" kể trên từ chối tiết lộ thông tin. Vị này cho rằng, cơ chế tiền lương, thưởng là thỏa thuận riêng giữa doanh nghiệp và người lao động. Đây cũng là nội dung thuộc điều khoản bảo vệ bí mật của doanh nghiệp, ngân hàng không thể tiết lộ.
Phân tích về tính đúng - sai của việc này với PV Dân trí, ông Nguyễn Huy Hưng, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và tiền lương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng: "Về nguyên tắc, cơ chế tiền lương, chi trả lương thưởng của doanh nghiệp tuân theo quy định của pháp luật và thỏa ước trong hợp đồng lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động. Đối với tiền thưởng, bao gồm tiền thưởng Tết, thưởng năng suất, doanh số... cũng áp dụng căn cứ là theo thỏa ước của lao động với doanh nghiệp, theo quy định của pháp luật".
Ông Hưng nhấn mạnh: "Trường hợp tiền thưởng, việc chi trả sẽ căn cứ trên thỏa ước, hợp đồng lao động của doanh nghiệp, với người lao động".
Theo vị chuyên gia lao động từ Bộ LĐ-TB&XH, việc thưởng Tết năm 2021 mà đến 2024 mới trả thưởng của ngân hàng, nếu không có thỏa ước từ trước giữa doanh nghiệp với nhân viên, người lao động có quyền đơn phương khiếu nại lên các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trường hợp các bên có giao ước, thỏa thuận trước thì cách thức trả thưởng như trường hợp này không vi phạm các quy định của pháp luật. Vấn đề ở đây, như thế, chỉ đơn thuần là hai bên cam kết về cơ chế để giữ chân người lao động, đảm bảo trách nhiệm với hạng mục đầu tư - kinh doanh và ràng buộc trách nhiệm cá nhân giữa các bên liên quan...