1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Lĩnh thưởng Tết rồi nghỉ việc: Ai là người vô ơn?

Hoàng Mạnh

(Dân trí) - Câu chuyện doanh nghiệp "cáo buộc" nhân viên nghỉ việc sau khi nhận thưởng Tết là vô ơn, cần những góc nhìn đa chiều để đánh giá. Qua chuyện này cũng nên hiểu đúng hơn về bản chất của thưởng Tết.

Nhiều năm nay ở thị trường lao động Việt Nam, theo thông lệ, việc chi một khoản thưởng lớn nhất trong năm được nhiều doanh nghiệp thực hiện vào tháng 1 của năm liền kề sau đó.

Chính vì vậy, dịp cuối năm, Bộ LĐ-TB&XH thường yêu cầu các Sở LĐ-TB&XH thống kê mức thưởng Tết dương lịch và Tết Nguyên đán ở 4 loại hình doanh nghiệp. Đây là những thông tin góp thêm để có đánh giá thực tế về tình hình việc làm, tiền lương trên thị trường lao động.

Tiền thưởng Tết rõ ràng là một mối quan tâm lớn không chỉ của người lao động, người sử dụng lao động và cả cơ quan quản lý nhà nước. Thưởng Tết còn trở thành một sự kiện "đến hẹn lại lên" được trông đợi nhất năm với nhiều người lao động.

Lĩnh thưởng Tết rồi nghỉ việc: Ai là người vô ơn? - 1

Thưởng Tết thể hiện sự đãi ngộ cho những cống hiến trong thời gian qua của người lao động (Ảnh: Mạnh Quân).

Xin tạm thời không bàn tới những vướng mắc nội bộ (nếu có) khiến người lao động ra đi. Liên hệ với thực tế ý kiến cho rằng, nhận thưởng Tết rồi nghỉ việc là vô ơn, chắc hẳn nhiều người sẽ đặt câu hỏi ở hướng ngược lại: Vậy tiền thưởng Tết có thật là sự "ban ơn" của người sử dụng lao động tới người lao động? Thưởng Tết có phải là sự "tạm ứng" với nhiều kỳ vọng trong năm tới của người sử dụng lao động?

Để cung cấp thêm một lời giải về vấn đề này, Dân trí xin được trích ý kiến của ông Phạm Minh Huân (nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, chuyên gia về chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội) cùng bàn về vấn đề thưởng Tết.

Theo ông Phạm Minh Huân, "thưởng Tết" thực chất là khoản tiền vô tình được chia trùng vào thời điểm Tết dương lịch và âm lịch. Điều này khác với cách hiểu, số tiền thưởng này được chia dựa trên sự xuất hiện của 2 sự kiện Tết dương lịch và âm lịch.

"Bản chất của các khoản tiền thưởng trên là sự đánh giá, ghi nhận những đóng góp của cá nhân hay tập thể khi làm tăng hiệu quả công việc hay hiệu quả sản xuất kinh doanh sau một chu kỳ hoạt động, thường là một năm", ông Phạm Minh Huân cho biết.

Việc chi thưởng được người sử dụng lao động thường dựa trên kết quả sản xuất kinh doanh hoặc theo mức độ hoàn thành công việc của người lao động (Điều 104, Bộ Luật Lao động năm 2019).

Vậy sao có tên gọi là thưởng Tết? ông Phạm Minh Huân lý giải: "Ở Việt Nam, năm tài chính của doanh nghiệp thường trùng với năm theo dương lịch. Thời gian triển khai việc đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh và xét thưởng sẽ trùng vào dịp sau Tết dương lịch và trước Tết âm lịch. Trong khi đó, khi lĩnh tiền thưởng, người lao động dùng vào nhu cầu chi tiêu dịp tết nên mọi người thường gọi nôm na là thưởng Tết".

Như vậy, với góc nhìn của chuyên gia, thưởng Tết là sự sòng phẳng giữa cống hiến và đãi ngộ của người lao động và người sử dụng lao động, sau một chu kỳ làm việc, thường là một năm.

Càng rõ ràng hơn, thưởng Tết không hề là sự "tạm ứng" của người sử dụng lao động đối với người lao động cho thời gian làm việc sắp tới. Đơn giản, đó là sự đánh giá công sức làm việc của người lao động sau một chu kỳ làm việc đã qua.

Do vậy nếu cho rằng người lao động nhận khoản tiền thưởng Tết rồi nghỉ việc là "vô ơn" thì chưa chính xác, thiếu sòng phẳng.

"Gái có công, chồng không phụ"

Theo các chuyên gia lao động việc làm, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện đánh giá hiệu quả làm việc của người lao động qua nhiều công cụ đo lường chính xác, như KPI (Chỉ số đánh giá hiệu quả công việc - Key Performance Indicator), MBO (Quản trị mục tiêu - Management By Objectives), OKR (Quản trị theo mục tiêu và kết quả - Objectives and Key Results)…

Trên cơ sở những kết quả có được, doanh nghiệp sẽ có chính sách đãi ngộ tương xứng. Trường hợp người lao động có hiệu quả thấp được thưởng cao, có lẽ rất hiếm xảy ra.