"Nếu rút BHXH 10 năm trước chắc tôi đã sớm tiêu hết, giờ lại bấp bênh"
(Dân trí) - Đó là chia sẻ của một người đã quyết định đóng BHXH tự nguyện thêm 3 năm để được hưởng lương hưu, cuộc sống hưu trí ổn định 8 năm qua. Ngược lại, người phụ nữ lỡ rút bảo hiểm 1 lần 2 năm trước đang ngập nuối tiếc…
Đóng thêm 9 triệu đồng, nay đã nhận 250 triệu lương hưu
Ông Trần Dinh (68 tuổi, trú tại xã Bom Bo, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) đã được nhận lương hưu đều đặn hơn 8 năm nay. Mức lương hơn 2,6 triệu đồng/tháng, dù không cao nhưng cũng là khoản thu nhập ổn định, an tâm lúc tuổi già. Ông vẫn túc tắc làm vườn, chăm sầu riêng như một sở thích mà không quá áp lực về kinh tế.
Kể lại câu chuyện của mình, ông Dinh dùng từ "may mắn" để nói về quá trình chuẩn bị, lo cho vấn đề an sinh lúc tuổi già của mình. Trước đây, là cán bộ xã, ông đã được đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) liên tục 17 năm. Ông nghỉ hưu năm 2011 nhưng chưa đủ số năm đóng BHXH theo quy định (20 năm với lao động nam) để được hưởng lương hưu.
Khi đó, nhiều người khuyên ông rút BHXH để có tiền đầu tư làm vườn sầu riêng hiện tại. Tuy nhiên, ông đã cân nhắc và quyết định tiếp tục đóng BHXH tự nguyện thêm 3 năm nữa cho đủ 20 năm để được hưởng lương hưu.
Khoản tiền tự nguyện đóng thêm trong 3 năm chưa tới 10 triệu đồng, đổi lại, giờ ông đã được nhận lương hưu hàng tháng trong gần 10 năm qua (tổng khoảng 250 triệu đồng), còn có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), đảm bảo cho việc khám chữa bệnh khi tuổi già ốm đau sắp tới. Tìm hiểu được biết không mấy nước có chính sách BHXH linh hoạt, tạo điều kiện cho người tham gia như vậy, ông Dinh rất hài lòng với lựa chọn tự nguyện đóng bảo hiểm để được hưởng lương hưu của mình.
"Tôi thấy mình đã sáng suốt vì năm 2011 không rút BHXH 1 lần. Khoản tiền nếu có rút ra khi đó, chắc tôi đã sớm tiêu hết rồi mà tuổi già của mình lại bấp bênh, biết được còn sức lực để làm vườn đến khi nào, có thành công hay không. Có lương hưu hàng tháng, được đảm bảo chăm sóc sức khỏe đến hết đời, tôi yên tâm, sống thoải mái hơn hẳn" - ông Dinh chia sẻ.
Đến cơ quan Bảo hiểm xã hội huyện Bù Đăng để tìm hiểu về việc trở lại tham gia bảo hiểm xã hội sau 1 lần từng rút bảo hiểm, chị Nguyễn Thị Út (năm nay 38 tuổi) nói rất tiếc vì quyết định khi đó.
Từ năm 2009-2020, chị Út làm kế toán tại một trường tiểu học, được đóng BHXH bắt buộc được 11 năm thì nghỉ việc. Lúc bấy giờ, chị đã chọn rút BHXH một lần, đơn giản vì nghĩ còn quá dài để tính toán cho giai đoạn sau của cuộc đời.
Chị Út kể: "Lúc đó cũng có người bảo tôi, rút ra thì là tiền của mình chứ 10-15 năm nữa chẳng biết thế nào mà lần nên tôi cũng tặc lưỡi rút, dù cũng biết rút một lần thiệt thòi nhiều. Số tiền tôi nhận được khi đó là hơn 70 triệu, tiêu vài việc vặt vãnh là hết. Giá lúc đó tôi ráng vay mượn bạn bè rồi trả dần, không rút BHXH 1 lần thì giờ không phải "làm lại từ đầu thế này".
Chị Út vừa xin được việc làm mới và bắt đầu quá trình đóng BHXH lại từ đầu. Chị quả quyết lần này chắc chắn sẽ tham gia bảo hiểm đến cùng. Do quy định mới về tuổi nghỉ hưu với lao động nữ, từ giờ đến tuổi nghỉ hưu (60 tuổi), chị vẫn kịp thời gian đóng đủ để được hưởng lương. Dự trù trường hợp có khó khăn, phải nghỉ việc lần nữa, chị Út cũng tâm niệm sẽ tiếp tục đóng BHXH tự nguyện vì đã hiểu về việc phải tích lũy, chuẩn bị tài chính cho tuổi già.
"Bán" 2.000 thẻ BHYT mỗi năm, BHXH tự nguyện chỉ… 50 người
Là nhân viên thu BHXH, ông Nguyễn Quốc Trường (sinh năm 1971) cho biết, ông làm cán bộ tư pháp xã Bom Bo nên có lợi thế thường xuyên tiếp xúc với người dân trong xã. Hơn nữa, ông am hiểu chính sách, pháp luật nên khi tư vấn cho bà con về chính sách BHYT, BHXH rất thuận lợi.
Việc vận động người dân tham gia BHYT khá thuận lợi vì là quyền lợi sát sườn, nhìn thấy ngay sau mỗi lần đi khám chữa bệnh. Tuy nhiên, việc vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện khá khó khăn vì thời gian đóng dài.
"UBND huyện Bù Đăng đã có cuộc vận động Đảng viên đi đầu trong việc phát triển BHXH tự nguyện, mỗi Đảng viên vận động ít nhất 1 người thân tham gia BHXH tự nguyện. Hiện các Đảng viên đã rất tích cực tham gia. Với sự sát sao đó, thời gian tới, số người tham gia BHXH tự nguyện sẽ cải thiện nhiều" - Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng Nguyễn Văn Lưu.
Nói về những khó khăn, vướng mắc, ông Trường cho rằng, rào cản lớn nhất là nhận thức của người lao động. Nhiều người có tâm lý, 20 năm nữa, ai biết sống chết thế nào nên họ không muốn tham gia. Hơn nữa, trong xã hầu hết là bà con dân tộc thiểu số, thường đi làm thuê, kiếm ăn hàng ngày, kiếm được tiền lại tiêu hết nên không có tích cóp để đóng BHXH tự nguyện.
Giám đốc BHXH tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Tân cho biết, trên địa bàn, tính đến tháng 10/2022, số người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) bắt buộc là 152.535 người, đạt 90,6% kế hoạch. Ước tính đến 31-12 con số này là 163.926 người, đạt 100% kế hoạch BHXH Việt Nam giao.
Cùng đó số người tham gia BHXH tự nguyện đến tháng 10-2022 là 9.987 người, đạt 46,7% kế hoạch, ước tính đến hết tháng 12 là 17.100 người, đạt 80% kế hoạch BHXH Việt Nam giao.
Hiện độ bao phủ BHXH đến tháng 10 của Bình Phước đạt 33,19% lực lượng lao động, ước tính đến hết năm 2022 đạt 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó số người có hộ khẩu thường trú tại Bình Phước làm việc tại các địa phương khác khoảng 35.000 người.
Đến hết tháng 10/2022, toàn huyện Bù Đăng mới có hơn 600 người tham gia BHXH tự nguyện, trong khi chỉ tiêu đặt ra là huyện Bù Đăng phải vận động được hơn 2.200 người. Con số còn lại có vẻ khó khăn nhưng tính lại, toàn huyện có hơn 2.500 Đảng viên, triển khai theo "kênh" này, chúng tôi tin sẽ hoàn thành chỉ tiêu của năm" - Phó Giám đốc BHXH huyện Bù Đăng Lê Văn Tiến.
Lãnh đạo BHXH tỉnh Bình Phước cho rằng số người tham gia BHXH tự nguyện còn chậm, chưa tương xứng tiềm năng, kỳ vọng và lộ trình một phần do việc tăng mức thu nhập theo chuẩn nghèo ở khu vực nông thôn từ 700.000 đồng lên 1.500.000 đồng đã tác động rất lớn đến số người tham gia BHXH tự nguyện do mức đóng tăng gấp đôi so với năm 2021.
Bên cạnh đó, địa bàn xa, dân cư sống phân tán không tập trung, người dân tộc thiểu số nhiều, tâm lý người dân còn ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước, đến BHYT cũng chỉ mua khi có bệnh nên công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia BHXH tự nguyện gặp nhiều khó khăn.
Thực tế, một nhân viên thu BHXH có kinh nghiệm như ông Nguyễn Quốc Trường, mỗi năm vận động được khoảng 2.000 người tham gia BHYT nhưng BHXH tự nguyện thì hơn 10 tháng đã qua của năm 2022 mới chỉ huy động được 50 người, hầu hết cũng chỉ đóng ở mức tối thiểu, 297.000 đồng/tháng. Dù sao, theo các cán bộ BHXH, đó cũng là con số đáng mừng về sự chuyển biến từ suy nghĩ, nhận thức tới hành động của người dân.