Nâng cao nghiệp vụ báo chí và truyền thông về phòng chống đuối nước trẻ em
(Dân trí) - Trách nhiệm trong việc phòng, chống đuối nước ở trẻ em không chỉ thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước mà còn liên quan đến trách nhiệm của gia đình, cộng đồng và toàn xã hội.
Ngày 8/10, Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phối hợp với Tổ chức Chiến dịch vì trẻ em không thuốc lá (đơn vị Vận động chính sách Y tế toàn cầu) Hoa Kỳ (CTFK/GHAI) tại Việt Nam tổ chức chương trình tập huấn nâng cao nghiệp vụ báo chí và truyền thông về phòng chống đuối nước trẻ em.
Chương trình thực hiện theo Quyết định số 1248/QĐ-TTg ngày 19/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030 và Quyết định số 944/QĐ-BLĐTBXH ngày 17/7/2024 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội về tổ chức các hoạt động phòng, chống đuối nước trẻ em nhân ngày Thế giới phòng, chống đuối nước 27/7.
Sự phối hợp chặt chẽ của các bên
Phát biểu khai mạc chương trình, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đặng Hoa Nam cho biết, số vụ việc đuối nước ở trẻ em có xu hướng giảm nhưng tình trạng này vẫn chưa được cải thiện triệt để.
Để tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống đuối nước ở trẻ em, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan. Đặc biệt, truyền thông đóng vai trò định hướng, giải thích sâu sắc về bản chất vấn đề và cách thức để mọi người tham gia tích cực vào việc phòng, chống đuối nước.
Chia sẻ định hướng truyền thông về công tác phòng chống tai nạn thương tích phòng chống đuối nước cho trẻ em, ông Đặng Hoa Nam cho biết, quá trình truyền thông dựa trên mức độ thay đổi của đối tượng từ quan tâm, tìm hiểu, trao đổi thông tin, thay đổi nhận thức, quan điểm… tới thay đổi hành vi, duy trì hành động, có kỹ năng. Qua đó, lan tỏa kiến thức, hành vi, hành động.
Truyền thông báo chí đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người dân.
Tuy nhiên, các cơ quan truyền thông cần sử dụng hiệu quả các phương tiện truyền thông để không chỉ đưa tin mà còn tạo được sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của mọi người, Cục trưởng Đặng Hoa Nam nhấn mạnh.
Từ mục tiêu tổng quát, cụ thể, Cục trưởng Cục Trẻ em chia sẻ các giải pháp và kế hoạch truyền thông: Phân tích bối cảnh; xác định mục tiêu, đối tượng; xác định trách nhiệm; xây dựng thông điệp và nội dung; chọn phương thức, kênh và thiết kế sản phẩm; xác định nguồn lực và trách nhiệm thực hiện; lộ trình, tiến độ và theo dõi, đánh giá.
Trong khuôn khổ chương trình tập huấn, phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đã cùng tìm hiểu hiện trạng công tác phòng, chống tai nạn thương tích phòng chống đuối nước cho trẻ em.
Đuối nước không diễn ra một cách ngẫu nhiên
TS Dương Khánh Vân, cán bộ kỹ thuật Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đã chia sẻ những khuyến nghị của WHO và kinh nghiệm quốc tế về phòng, chống đuối nước.
Bài trình bày nêu lên nhiều con số minh chứng tầm quan trọng của công tác phòng, chống tai nạn thương tích phòng chống đuối nước cho trẻ em.
Cụ thể, đuối nước là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nhóm 1-24 tuổi; nam giới có nguy cơ bị đuối nước gấp 2 lần so với nữ giới; trên 90% các ca tử vong do đuối nước xảy ra ở các nước thu nhập trung bình và thấp; đuối nước là nguyên nhân gây ra trên 2,5 triệu ca tử vong có thể phòng ngừa được trong thập kỷ qua…
TS Dương Khánh Vân nhấn mạnh thông điệp: "Đuối nước không diễn ra một cách ngẫu nhiên. Đuối nước là vấn đề y tế công cộng có thể dự báo và phòng tránh được".
Chia sẻ tại Chương trình Tập huấn, bà Đoàn Thị Thu Huyền nêu lên hiệu quả của 6 can thiệp phòng chống đuối nước ở Việt Nam, bao gồm: Làm rào để kiểm soát việc trẻ tiếp cận nguồn nước, tạo môi trường an toàn, tránh xa nguồn nước cho trẻ lứa tuổi mầm non, dạy cho trẻ độ tuổi tiểu học trở lên kỹ năng bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước.
Bên cạnh đó là những can thiệp phòng chống đuối nước như đào tạo người dân kỹ năng cứu hộ và sơ cứu; xây dựng và thực thi các quy định về an toàn giao thông đường thủy; xây dựng khả năng chống chịu và quản lý rủi ro và các hiểm họa khác ở cấp độ địa phương và quốc gia.
Theo bà Đoàn Thị Thu Huyền đã có 44.398 trẻ từ 6-15 tuổi được học bơi an toàn; 52.250 trẻ 6-15 tuổi được học kỹ năng an toàn; 30.204 cha mẹ, người chăm sóc trẻ, giáo viên mầm non được hướng dẫn về phòng chống đuối nước trẻ em…
Chia sẻ tại Chương trình, PGS.TS Đinh Thị Thúy Hằng, cố vấn, nguyên Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh một số mục tiêu trong truyền thông về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em cho các cấp chính quyền, cộng đồng, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em, được nêu tại Chương trình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em của Chính phủ.