1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại của ngành LĐ-TB&XH

(Dân trí) - Bộ LĐ-TB&XH xác định việc tiếp công dân là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Bộ đã chỉ đạo quyết liệt nhiều biện pháp tích cực để nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (sau đây viết tắt là LĐ-TB&XH) với các lĩnh vực quản lý nhà nước: Lao động, tiền lương; việc làm; giáo dục nghề nghiệp; bảo hiểm xã hội; an toàn, vệ sinh lao động; người có công; bảo trợ xã hội; trẻ em; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn xã hội tác động đến toàn bộ đời sống xã hội, liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của công dân nên tình hình khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đến các cơ quan chức năng thuộc ngành LĐTBXH rất nhiều, chỉ đứng sau lĩnh vực đất đai, môi trường.

Trong giai đoạn 2016-2020, ngành LĐ-TB&XH đã tiếp 54.543 lượt người, trong đó, Bộ LĐ-TB&XH tiếp 12.325 lượt người (Bộ trưởng tiếp 1.405 lượt người), 94 đoàn đông người; Sở LĐ-TB&XH tiếp 42.218 lượt người. Tổng số đơn thư tiếp nhận và xử lý là 61.764 đơn, trong đó Bộ LĐ-TB&XH xử lý 31.656 đơn; Sở LĐ-TB&XH xử lý 30.108 đơn. Giải quyết 2.154 vụ khiếu nại, tố cáo, trong đó Bộ LĐ-TB&XH giải quyết 23 vụ; Sở LĐ-TB&XH giải quyết 2.131 vụ.

Đạt được kết quả nêu trên, Bộ LĐ-TB&XH đã tích cực triển khai nhiều hoạt động như: Thực hiện cơ chế “một cửa” trong việc tiếp nhận, xử lý đơn; bố trí 02 số điện thoại để tiếp nhận thông tin, giải đáp chế độ, chính sách đối với tổ chức và công dân: số điện thoại 0243 8265964 - đường dây nóng đặt tại Phòng Tiếp công dân của Bộ và số điện thoại 0243 9367429 tư vấn pháp luật lao động đặt tại Phòng Thanh tra Chính sách lao động, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH;

Nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại của ngành LĐ-TBXH - 1

Công tác tiếp dân tại trụ sở Bộ LĐ-TB&XH

Bộ đã mở 2 hộp thư điện tử tuvanphapluat@gmail.comtiepnhanthongtinkntc@molisa.gov.vn để tiếp nhận và giải đáp thông tin phản ánh, hỏi chế độ, chính sách về lao động, người có công và xã hội của công dân, doanh nghiệp; ứng dụng Phần mềm quản lý tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo giúp giảm thời gian xử lý đơn từ 10 ngày theo quy định xuống còn 05 ngày.

Bộ LĐTBXH cũng ban hành hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật liên quan đến công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành LĐ-TB&XH: Thông tư số 53/2015/TT-BLĐTBXH ngày 11/12/2015 của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn quy trình tiếp công dân và xử lý đơn thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành LĐ-TB&XH; Thông tư số 08/2020/TT-BLĐTBXH ngày 15/10/2020 của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn về bảo vệ việc làm của người tố cáo là người làm việc theo hợp đồng lao động; Nghị định số 24/2018/NĐ-CP ngày 27/02/2018 của Chính phủ quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực lao động, giáo dục nghề nghiệp, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, việc làm, an toàn, vệ sinh lao động.

Ngoài ra, Bộ LĐ-TB&XH đã kịp thời chỉnh sửa, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành LĐ-TB&XH như Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015, Luật Trẻ em năm 2016, Bộ luật Lao động năm 2019, đang thực hiện Đề án sửa đổi Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.

Gương mẫu trong chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã duy trì tiếp công dân định kỳ vào ngày 20 hàng tháng, niêm yết công khai lịch tiếp công dân của Bộ trưởng tại địa điểm tiếp công dân và công bố trên trang thông tin điện tử http://www.molisa.gov.vn.

Công dân đến Bộ LĐ-TB&XH được đón tiếp chu đáo, giải thích, hướng dẫn cặn kẽ; đối với đoàn đông người đều được Lãnh đạo Bộ hoặc Lãnh đạo Thanh tra, các Cục, Vụ tiếp nên giải tỏa bức xúc của công dân; việc xử lý đơn được thực hiện nhanh chóng, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, không để đơn tồn đọng; các vụ khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Bộ LĐ-TB&XH được giải quyết dứt điểm.

Bộ LĐ-TB&XH đã chủ động phối hợp với các cơ quan ban ngành, địa phương và chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài; ban hành văn bản yêu cầu Giám đốc Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, báo cáo tình hình xử lý các vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân do Bộ LĐ-TB&XH chuyển địa phương giải quyết, đồng thời rà soát những vụ việc mà Sở đang giải quyết nhưng có vướng mắc cần xin ý kiến Bộ.

Từ kết quả báo cáo của địa phương, Bộ LĐ-TB&XH đã tổng hợp và giao các đơn vị chức năng, tham mưu xử lý dứt điểm từng vụ việc, hướng dẫn và kịp thời trả lời địa phương những vụ việc còn vướng mắc.

Bộ LĐ-TB&XH thường xuyên tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp để tuyên truyền văn bản pháp luật về lao động, an toàn vệ sinh lao động và bảo hiểm xã hội đến người sử dụng lao động, người lao động, đồng thời lắng nghe, tiếp nhận ý kiến phản hồi về việc ban hành và thực hiện văn bản pháp luật của ngành LĐ-TB&XH như: Đối thoại về những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp khi áp dụng Bộ luật Lao động và các văn bản quy định chi tiết; đối thoại về các vấn đề pháp lý về lao động, an toàn vệ sinh lao động liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Thứ nhất, lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành LĐ-TB&XH rộng, văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực này thường xuyên thay đổi, ở mỗi giai đoạn lại có sự khác nhau, nhất là lĩnh vực người có công (lĩnh vực có số lượng đơn thư chiếm tỷ lệ đến 70%).

Thứ hai, một bộ phận người dân chưa hiểu rõ các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và pháp luật khác có liên quan nên dẫn đến khiếu nại, tố cáo chưa đúng quy định. Có công dân cố tình liên tục khiếu nại các quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng hoặc lần 2 nhưng không đưa ra được bằng chứng mới cũng như không lựa chọn quyền khởi kiện tại tòa án. Thái độ của người khiếu nại hết sức gay gắt, không thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin, tài liệu chứng cứ để chứng minh việc khiếu nại là có cơ sở.

Thứ ba, trong quá trình tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có những trường hợp quá khích lợi dụng các buổi tiếp dân để gây rối hoặc có công dân đưa ra những đòi hỏi không có trong quy định pháp luật, thậm chí có những trường hợp đem theo vũ khí, kéo đông người đến nơi tiếp dân làm mất trật tự an ninh công cộng, tạo điều kiện cho các phần tử xấu xuyên tạc sự thật, tung tin thất thiệt gây mất lòng tin trong nhân dân.

Để nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 18/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Kế hoạch số 363/KH-TTCP ngày 20/3/2019 của Thanh tra Chính phủ về việc kiểm tra, rà soát, giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài.

Hai là, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, của thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thực hiện nghiêm trách nhiệm tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Ba là, tiếp tục tổ chức đối thoại với doanh nghiệp để phổ biến văn bản và lắng nghe ý kiến phản hồi trong việc thực hiện pháp luật về lao động, an toàn, vệ sinh lao động và bảo hiểm xã hội.

Bốn là, làm tốt hơn nữa công tác dân vận thông qua tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, góp phần phổ biến, tuyên truyền pháp luật về khiếu nại, tố cáo, về các lĩnh vực quản lý của ngành LĐ-TB&XH để người dân biết, hiểu và thực hiện.

Năm là, lựa chọn công chức có đầy đủ tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, trình độ, năng lực, am hiểu văn bản quy phạm pháp luật làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Sáu là, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Bảy là, tiếp tục phối hợp với Thanh tra Chính phủ, các bộ ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong quá trình tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm hạn chế tình trạng công dân khiếu kiện vượt cấp và giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành LĐ-TB&XH.

Tám là, coi trọng tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý về tố cáo đã có hiệu lực pháp luật.

Chín là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu về khiếu nại, tố cáo để việc tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo kịp thời, chính xác.