"Năm mới 2022, mong việc làm ổn định và dịch bệnh được kiểm soát..."
(Dân trí) - Dịch bệnh kéo dài khiến cuộc sống của nhiều người lao động gặp không ít khó khăn. Trong năm mới 2022, người lao động mong dịch bệnh được kiểm soát, cuộc sống trở lại bình thường, có công ăn việc làm.
Mong dịch sớm được kiểm soát
Là giáo viên một trường mầm non ở quận Thanh Khê (Đà Nẵng), hơn nửa năm nay, chị Trần Thị Thu Lê (sinh năm 1997) không được đứng lớp. Trường học chưa hoạt động trở lại do dịch bệnh Covid-19, chị trở về quê nhà Quảng Nam để phụ giúp ba mẹ công việc nhà.
"Mấy tháng trời nghỉ việc không lương, em cũng chật vật. Vừa rồi trường có hỗ trợ thủ tục để giáo viên tụi em được hưởng hỗ trợ của bảo hiểm thất nghiệp. Giờ thì ai cũng ngóng xem năm nay có thưởng Tết không, bao giờ được đi dạy lại", Lê kể.
Chị Lê cùng các đồng nghiệp ở trường vẫn hy vọng sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, các trường mầm non được phép tổ chức dạy học trở lại.
"Ở nhà em cũng làm việc nọ việc kia để kiếm thêm đồng ra đồng vào. Ra Tết, em chỉ mong dịch bệnh được kiểm soát tốt để được đi dạy trở lại. Nếu không, em cũng tính trở ra Đà Nẵng rồi xin làm nhân viên bán hàng ở cửa hàng tiện lợi hay cửa hàng điện máy để có công việc ổn định hơn", Lê chia sẻ.
Tại Phú Yên, ngư dân Võ Đốc (trú phường 6, TP Tuy Hòa) chia sẻ: "Năm 2021, đại dịch Covid-19 tác động mạnh đến hầu hết đời sống, kinh tế xã hội của người dân, trong đó có những người làm nghề khai thác cá ngừ".
Do dịch Covid-19, giá cá ngừ rớt "chạm đáy" ở mức 75.000 đồng/kg, hầu hết các chuyến biển của ngư dân đều thua lỗ nặng, nhiều tàu nằm bờ. Cũng do Covid-19, nhiều lao động hoạt động nghề cá bị "mắc kẹt" ở khu phong tỏa, khiến việc tìm bạn thuyền gặp nhiều khó khăn.
"Trong năm mới, tôi mong dịch Covid-19 bớt hoành hành để mặt hàng cá ngừ có thể đi xuất khẩu được. Từ đó giá cá ngừ đều ở mức trên 130.000 đồng/kg để ngư dân có thêm đồng thu nhập nuôi gia đình và cũng có tiền bù cho khoản lỗ vốn năm nay" - ngư dân Võ Đốc mong muốn.
Năm 2021, dịch Covid-19 tại Quảng Ngãi cũng diễn biến khá phức tạp. Nhiều hoạt động kinh doanh phải tạm dừng hoặc hoạt động cầm chừng. Vận tải hàng hóa tuy được hoạt động hầu như liên tục nhưng cũng chịu ảnh hưởng khá nặng nề.
Anh Đỗ Tuấn Liêm (huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) là tài xế vận chuyển nông, lâm sản cho một số nhà máy tại các khu công nghiệp Quảng Ngãi. Do ảnh hưởng dịch bệnh, lượng hàng hóa vận chuyển trong năm qua sụt giảm nghiêm trọng. Nhiều thời điểm xe phải "đứng bánh" suốt cả tuần.
Dịch bệnh khiến doanh thu của hoạt động vận tải giảm. Trong khi đó, chi phí có lúc tăng rất cao do phải xét nghiệm, cách ly khi đi về từ vùng dịch.
"Trong 2 năm liền dịch bệnh ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh, đặc biệt là năm 2021. Nhiều thời điểm xe phải nằm bãi rất lâu. Khi được phép hoạt động cũng phải tuân thủ các quy định phòng dịch hết sức chặt chẽ như xin giấy đi đường, xét nghiệm, cách ly", anh Liêm chia sẻ.
Theo anh Liêm, điều đáng mừng nhất là hầu hết người dân đã được tiêm vaccine, trong đó tài xế cũng là đối tượng được ưu tiên tiêm khá sớm. Điều này giúp động sản xuất, kinh doanh dần khôi phục. "Việc phủ vaccine, thực hiện trạng thái bình thường mới là điều đáng mừng. Tôi nghĩ trong năm mới 2022 mọi hoạt động sẽ dần ổn định", anh Liêm nói.
Mong muốn tiền lương, thưởng Tết phù hợp
Với những người công nhân trong Khu công nghiệp ở Quảng Nam, họ mong mỏi giản đơn có thể nhận đãi ngộ xứng đáng với sức lao động và có mức tiền thưởng Tết phù hợp.
Chị Hồ Thị Teo (SN 1986, trú huyện Bắc Trà My, Quảng Nam) công nhân công ty may tại KCN Tam Thăng (TP Tam Kỳ) cho biết, hai vợ chồng chị từ quê xuống đây ở trọ, làm công nhân để nuôi 4 người con ăn học.
Trong năm 2021, dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng công ty vẫn làm việc bình thường vì thế thu nhập của chị không bị ảnh hưởng. Thu nhập bình quân của chị là 6 triệu đồng/tháng (cộng tổng số tiền tăng ca). Để có số tiền này, chị phải làm đủ một tuần 7 ngày, một ngày 8 giờ. Nếu tăng ca có thể làm đến 20h30 tối mới được nghỉ.
"Năm nay công ty tăng ca nhiều, nhưng con tôi còn nhỏ hay ốm nên tôi xin nghỉ cũng nhiều. Vì thế, lương của tôi vừa rồi cũng không được cao. Tôi được biết năm nay ngoài số tiền thưởng Tết thì tôi còn được nhận thêm tiền hỗ trợ hộ nghèo nên rất hi vọng", chị Teo chia sẻ.
Sang năm mới, những người công nhân như chị Teo chỉ mong dịch bệnh mau chóng được đẩy lùi để mọi người được an toàn làm việc, có thêm thu nhập ổn định trang trải cho cuộc sống và quan trọng hơn họ mong muốn công ty sẽ có mức tiền lương, thưởng phù hợp để có một cái Tết ấm no.
Khoảng một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán nên ông Đinh Văn Phước - Phó Chủ tịch nghiệp đoàn xích lô Hội An và nhiều đồng nghiệp đang rất trăn trở.
Năm nay, ông Phước chỉ chạy được xích lô vài tháng, còn lại chủ yếu ở nhà do dịch bệnh và vắng khách. Đi làm trở lại hơn tháng nay nhưng thu nhập chẳng đáng là bao, có ngày mọi người chỉ ngồi không cả ngày rồi đánh xe trở về.
Theo ông Phước, nghiệp đoàn trước có 102 thành viên nhưng nay chỉ còn 10 người còn làm nghề, các anh em khác người chuyển sang làm thợ hồ, phụ vợ buôn bán, người lớn tuổi thì ở nhà chờ du lịch phục hồi rồi quay lại nghề.
"Đáng buồn nhất là có anh em đã phải bán "xế cưng" (chiếc xích lô của mình) để trả nợ ngân hàng, cũng buồn lắm nhưng cuộc sống mà, bất đắc dĩ họ mới làm vậy chứ ai nỡ bán người bạn đã gắn bó với mình bao nhiêu năm", ông Phước buồn bã tâm sự.
Ông Phước cho hay, du khách hiện nay đến rất ít vì tình hình dịch bệnh còn phức tạp. "Tôi mong sang năm mới 2022 du lịch sẽ phục hồi như trước, khách du lịch sẽ trở lại để anh em còn quay lại nghề", ông Phước mong mỏi.
Mong sớm được trở vào miền Nam làm việc
Do cà phê những năm gần đây rớt giá, mất mùa nên chị Rơ Châm Pí (40 tuổi, trú tại huyện Ia Grai, Gia Lai) phải rời quê nhà Gia Lai để vào Bình Dương để làm công nhân. Mấy tháng sau, chồng và con gái của chị cũng theo chân vào TPHCM để tìm công việc mưu sinh.
Vào tháng 4/2021, dịch bùng phát ở các tỉnh phía Nam khiến gia đình chị Pí tay trắng trở về quê hương. Sau thời gian cách ly theo quy định, gia đình chị đang ở nhà để chăm 500 cây cà phê.
Chị Pí bộc bạch: "Ảnh hưởng dịch Covid -19 vừa qua đã khiến nhiều người dân quanh vùng trở về với bàn tay trắng. Tuy nhiên, ai cũng mừng vì được về nhà, đói no gì cũng có nhau. Hiện nay, gia đình đang đi hái cà phê thuê với thu nhập 300.000 - 500.000 đồng nên cũng không sợ đói".
"Trải qua khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid, tôi và chồng đã quyết định ở không ra thành phố mà ở nhà xây dựng kinh tế trên mảnh đất khoảng 5000 m2. Sang năm 2022, tôi mong tình hình dịch được khống chế để cho con gái tôi vào lại TP Hồ Chí Minh tìm kiếm việc làm. Tôi và người dân cũng mong mỏi, chính quyền sẽ triển khai tiêm vaccin đầy đủ và đúng thời gian để bà con yên tâm đi làm", chị Pí mong muốn.
Còn theo anh Trần Văn Trường (trú huyện Tuy An, Phú Yên) - một lao động trở về từ TPHCM - kỳ vọng, mong dịch Covid-19 sẽ bớt ảnh hưởng đến tính mạng, đời sống của người dân. Để anh và nhiều người dân khác cùng mưu sinh ở mảnh đất TPHCM sớm được trở lại thành phố này làm việc, kiếm tiền gửi về người thân ở vùng quê nghèo khó này.