"Muốn về quê đón Tết nhưng năm sau phải nai lưng trả nợ…"

Đăng Đức Xuân Hinh Thanh Tùng

(Dân trí) - Những ngày này, chị Nguyễn Thị Huyền (quê Hà Tĩnh) vẫn cặm cụi tăng ca tại một doanh nghiệp ở TPHCM. Người thân ở quê nhà thì liên tục gọi điện hỏi "khi nào về?", chị Huyền không cầm được nước mắt.

Tâm sự với PV Dân trí, người nữ công nhân 39 tuổi này chia sẻ: "Tôi cố tăng ca thật nhiều để đỡ nhớ nhà, cả xóm trọ về quê hết rồi. Chỉ còn có mình gia đình".

Tốn 30 triệu đồng về ăn Tết: Không chịu nổi 

Chị Nguyễn Thị Huyền muốn về đón Tết nhưng khả năng tài chính không cho phép. Nếu vay mượn tiền về quê, vợ chồng chị lo cả năm sau sẽ phải nai lưng làm trả nợ. Trong khi đó, dịch vẫn phức tạp. "Nếu tiếp tục thất nghiệp thì làm sao trả nợ nổi, như năm rồi, lo ăn còn không xong", chị Huyền than thở. 

Tính toán ban đầu của chị, muốn về quê thì phải mua vé máy bay cho 4 người khoảng 16 triệu đồng. Về quê còn phải mua quà, bánh, lì xì cho ba mẹ, con cháu. Tổng chi phí cũng phải gần 30 triệu đồng. Một khoản tiền không nhỏ đối với gia đình chị. 

Muốn về quê đón Tết nhưng năm sau phải nai lưng trả nợ… - 1

Chị Nguyễn Thị Huyền với nỗi buồn đón Tết xa nhà (Ảnh: Xuân Hinh).

Sau hơn 15 năm làm công nhân của chị nhưng lương tháng chỉ dừng ở 8 triệu đồng. Chồng chị làm nhân viên phục vụ quán nhậu, thu nhập bấp bênh. Năm 2021, vợ chồng chị bị ngưng việc hơn 4 tháng do Covid-19.

Để duy trì cuộc sống, chị phải vay mượn khắp nơi để 2 con nhỏ không đói ăn. Do vậy, Tết Nhâm dần năm 2022, vợ chồng chị đã ở lại TPHCM để tiết kiệm chi phí.

"Đời công nhân bình thường mỗi năm cũng chỉ dư giả được hơn chục triệu đồng. Năm nay dịch phức tạp nên có dư đồng nào đâu mà về quê", chị Huyền nói thêm. Do cả xóm trọ đã về hết, vợ chồng chị Huyền đi làm rồi về phòng ngủ, 2 con nhỏ cứ đóng cửa ở trong nhà cả ngày.

Chiều 28 Tết, chị Huyền đã mua vài cây hoa đại hạ giá để chưng trước cửa nhà cho có không khí Tết. "Hy vọng qua năm mới mọi thứ sẽ tốt hơn, thu nhập ổn định hơn để Tết có tiền về quê. Nhân dịp năm mới, kính chúc các anh em công nhân không phải mất việc như năm nay, thu nhập có thể nuôi sống gia đình", chị Huyền mong muốn.

Lỡ hẹn đoàn tụ vì dịch Covid-19

Dịp Tết Nguyên đán năm nay, gia đình chị Hồ Tuyết Sương (quê ở huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị), đang sống tại phường An Phú, Quận 2 quyết định không trở về quê đoàn tụ bên gia đình mà ở lại TPHCM đón Tết.

Muốn về quê đón Tết nhưng năm sau phải nai lưng trả nợ… - 2

Trải qua mấy tháng liền khó khăn do dịch bệnh, gia đình chị Sương quyết định không về quê đoàn tụ với gia đình mà ở lại TPHCM đón Tết (Ảnh: NVCC).

Để đi đến quyết định không trở về quê đón Tết dịp này, vợ chồng chị phải cân nhắc vì có con nhỏ hơn một năm tuổi. Mặt khác, do lo ngại dịch bệnh đang phức tạp nhưng phải di chuyển đường xa, ảnh hưởng đến sức khỏe của các thành viên gia đình. 

"Đây là năm đầu tiên không được về quê đoàn tụ với gia đình nên rất nhớ người thân. Tôi rất nhớ giây phút cả nhà quây quần bên mâm cơm tất niên cuối năm, nhớ giây phút được bà nội, ba, mẹ lì xì năm mới… Nhưng vì dịch bệnh đang phức tạp nên đành ở lại TPHCM đón Tết", chị Sương tâm sự.

"Dịch bệnh Covid-19 khiến cuộc sống gia đình tôi chỉ thu hẹp trong gian phòng nhỏ trong mấy tháng liền. Chồng tôi làm trong lĩnh vực xây dựng, nhưng công việc bị ảnh hưởng nên thu nhập cũng giảm. Tôi ở nhà nuôi con nhỏ, không có thu nhập nên phải cắt giảm chi tiêu để tập trung lo cho con", chị Sương cho hay.

Chia sẻ về kế hoạch đón Tết xa quê, theo chị Sương, năm nay trải qua thời gian dài khó khăn do dịch bệnh nên cũng chưa có kế hoạch gì cả. Hơn nữa, ở lại TPHCM không có người thân nên chị Sương dự định sẽ ở nhà hoặc cả nhà du Xuân ở một vài nơi. Gia đình chị dự định sẽ trải nghiệm không khí Tết với nhiều điểm mới lạ, khác với Tết ở quê.

"Không về sum họp với gia đình dịp Tết cổ truyền, tôi cầu chúc cho những người thân trong gia đình và bạn bè ở quê sức khỏe và gặp nhiều may mắn trong cuộc sống", chị Sương nói.