Mượn hồ sơ chị gái đi làm thì có được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội?

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Vì nhiều lý do, có người sử dụng giấy tờ tùy thân của người thân để đi làm, ký hợp đồng lao động. Việc này ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi về bảo hiểm xã hội của người lao động.

Anh Dung (phụ trách nhân sự của công ty V.) cho biết, trước đây doanh nghiệp của anh có nhận một lao động mới 17 tuổi. Thời điểm đó, lao động trên chưa đủ tuổi đi làm nên mượn hồ sơ của người chị (đang học đại học) để ký hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội (BHXH).

Hồ sơ của người chị đủ tuổi và hình ảnh 2 chị em giống nhau nên bộ phận nhân sự của công ty không phát hiện ra. Đến khi người chị học xong, đi làm thì không làm được BHXH vì trùng hồ sơ với người em đang làm tại công ty V.

Anh Dung thắc mắc: "Bây giờ người em muốn lấy lại quyền lợi quá trình tham gia BHXH trước đây thì cần làm thủ tục gì? Hồ sơ giải quyết như thế nào? Việc mượn hồ sơ này có vi phạm gì trong vấn đề tham gia BHXH hay không?".

Một giám đốc nhân sự cho biết, tình trạng mượn hồ sơ của người thân, người quen để đi làm xảy ra khá nhiều tại các doanh nghiệp đông lao động phổ thông. Vì tuyển dụng cùng lúc nhiều người nên bộ phận nhân sự của các công ty rất khó kiểm soát, xác minh hết được. Sự việc chỉ được phát hiện khi người cho mượn hồ sơ đi làm, ký hợp đồng lao động và đóng BHXH.

Điều đáng lo ngại là khi xảy ra trường hợp này, quyền lợi BHXH của người lao động bị ảnh hưởng khá lớn như "treo" các chế độ thai sản, đau ốm, trợ cấp thất nghiệp và số năm đã đóng BHXH.

Mượn hồ sơ chị gái đi làm thì có được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội? - 1

Việc mượn hồ sơ để đi làm gây ra nhiều rắc rối cho người lao động khi tham gia BHXH (Ảnh minh họa: BHXH TPHCM).

Tại hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền TPHCM, bà Phan Thị Mai - Trưởng Phòng Quản lý thu Sổ, Thẻ BHXH TPHCM cho biết, trước đây, cơ quan quản lý lao động có thể xử phạt hành chính những trường hợp này. Sau đó, cơ quan BHXH sẽ xử lý giải quyết đưa về đúng tên cho người lao động trên sổ BHXH.

Tuy nhiên, sau thời điểm có công văn số 1767/LĐTBXH-BHXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn giải quyết các trường hợp người lao động mượn hồ sơ của người khác để giao kết hợp đồng lao động vào ngày 31/5/2022 thì không thực hiện như trên được.

Theo bà Mai, công văn 1767 quy định, trường hợp mượn hồ sơ là vi phạm pháp luật. Sau công văn trên, BHXH đã ban hành quy trình 628 để giải quyết trường hợp này.

Theo quy trình trên, đầu tiên, người lao động phải ra tòa án để đề nghị tòa tuyên hợp đồng lao động (ký kết bằng hồ sơ của người khác) là vô hiệu sau đó trở về công ty ký lại hợp đồng chính chủ. Từ đây, cơ quan BHXH mới có căn cứ để cấp sổ BHXH mới chính chủ cho người lao động.

Bà Phan Thị Mai cho biết, hiện nay những trường hợp người lao động cho mượn hồ sơ mà có nhu cầu hưởng các chế độ BHXH như ốm đau, thai sản, bảo hiểm thất nghiệp… đều không được cơ quan BHXH giải quyết.

Bà nói: "Chúng tôi chưa thể giải quyết, treo ở đó để chờ ý kiến hướng dẫn của BHXH Việt Nam và Bộ LĐ-TB&XH mới giải quyết. Hiện nay chúng tôi đang tồn rất nhiều hồ sơ diện này mà không giải quyết được vì tính chất vi phạm pháp luật của hành vi".

Để bảo vệ quyền lợi của người lao động, Phó giám đốc BHXH TPHCM Nguyễn Quốc Thanh hướng dẫn doanh nghiệp nên chấm dứt ngay hợp đồng lao động ký kết sai nhân thân ngay tại thời điểm phát hiện, sau đó ký hợp đồng mới cho người lao động.

Ông nói: "Khi phát hiện ra người lao động mượn hồ sơ, doanh nghiệp phải giảm đóng BHXH ngay tại thời điểm đó và giao kết lại hợp đồng lao động mới cho đúng. Còn các giai đoạn đóng BHXH cũ thì mới thực hiện theo quy trình 628".

Trong công văn 1767/LĐTBXH-BHXH, Bộ LĐ-TB&XH nêu rõ: "Trường hợp người lao động mượn hồ sơ của người khác để giao kết hợp đồng lao động là hành vi vi phạm nguyên tắc "trung thực" theo quy định tại khoản 1 Điều 15 của Bộ luật Lao động và vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Bộ luật Lao động. Căn cứ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 49 của Bộ luật Lao động đây là trường hợp hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ".

Theo công văn này, thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu và xử lý hợp đồng vô hiệu được thực hiện theo quy định tại Điều 50, Điều 51 của Bộ luật Lao động và mục 3 Chương III của Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.

Theo đó, TAND có quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu. Việc xử lý hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ do người giao kết không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Lao động và Điều 10 của Nghị định số 145/2020/NĐ-CP.

Trong công văn này, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH, cơ quan BHXH và các cơ quan chức năng có liên quan tăng cường thông tin, tuyên truyền để người lao động, người sử dụng lao động thực hiện đúng quy định của pháp luật lao động; thường xuyên kiểm tra, thanh tra kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.