1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Mục tiêu phát triển miền núi (kỳ 2): Những kiến nghị, đề xuất cấp thiết

Dương Nguyên

(Dân trí) - Hà Tĩnh đề xuất Chính phủ hỗ trợ tỉnh này kinh phí mở tuyến đường nối từ bản Rào Tre đến bản Cà Xen (Quảng Bình) giúp đồng bào dân tộc thiểu số giao thương và giảm hôn nhân cận huyết.

Qua giám sát chuyên đề Việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Hà Tĩnh nhận thấy còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Từ đó, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh đã đưa ra những kiến nghị, đề xuất tới các cơ quan có thẩm quyền nhiều nội dung quan trọng, cấp thiết.

Hỗ trợ làm đường nhằm chống hôn nhân cận huyết

Với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh kiến nghị cần kịp thời ban hành nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn mới có kế hoạch đồng bộ với việc xây dựng, phê duyệt triển khai các chương trình cho giai đoạn tiếp theo với các tiêu chí phù hợp, tránh lãng phí nguồn lực.

Mục tiêu phát triển miền núi (kỳ 2): Những kiến nghị, đề xuất cấp thiết - 1

Hà Tĩnh đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất nhằm thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Ảnh: Văn Nguyễn).

Cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh cho rằng cần quy định tiêu chí đánh giá hộ thu nhập thấp để triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ thu nhập thấp, gắn chặt với Dự án 5: Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Thống nhất để tỉnh Hà Tĩnh áp dụng quy định tại Quyết định số 39/2021 ngày 31/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ, không ban hành riêng quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và vốn đối ứng thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 và hàng năm trên địa bàn tỉnh.

Hỗ trợ tỉnh Hà Tĩnh kinh phí từ các nguồn vốn các chương trình chuyên đề thực hiện Chương trình nông thôn mới; vốn dự phòng ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình nông thôn mới, các nguồn vốn khác… để thực hiện đề án tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới.

Mục tiêu phát triển miền núi (kỳ 2): Những kiến nghị, đề xuất cấp thiết - 2

Đám cưới đặc biệt tại bản Rào Tre (huyện Hương Khê) vào năm 2015, cô gái dân tộc Chứt đầu tiên cưới chú rể người Kinh (Ảnh: Xuân Tiến).

Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh cũng đề xuất cần hỗ trợ tỉnh kinh phí đầu tư các công trình cấp thiết, gồm:

Tuyến đường từ xã Hương Liên đến xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, dài 11,5 km để người Chứt ở xã Hương Liên, huyện Hương Khê có thể giao lưu với người Rục ở Quảng Bình nhằm hạn chế tình trạng hôn nhân cận huyết;

Hỗ trợ xây mới khối phòng bộ môn, phòng hỗ trợ học tập và nâng cấp, cải tạo nhà học, nhà ở nội trú, nhà bộ môn, nhà hiệu bộ Trường THCS và THPT Dân tộc nội trú huyện Hương Khê; kè chống sạt lở vùng đầu nguồn Thủy điện Hố Hô nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đề nghị hướng dẫn thủ tục mua sắm giống cây trồng, vật nuôi

Đối với các bộ, ngành Trung ương, Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn hồ sơ, thủ tục mua sắm giống cây trồng, vật nuôi và các loại vật tư liên quan trong việc thực hiện các mô hình phát triển sản xuất sử dụng nguồn vốn của chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo hướng tạo thuận lợi cho địa phương triển khai thực hiện, phù hợp với thực tế của huyện, xã (không áp dụng như các quy trình mua sắm hàng hóa thông thường hiện nay).

Mục tiêu phát triển miền núi (kỳ 2): Những kiến nghị, đề xuất cấp thiết - 3

Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh hỗ trợ người dân vùng đồng bào dân tộc Chứt trồng cây (Ảnh: Văn Nguyễn).

Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kịp thời ban hành quy trình đánh giá, công nhận lại sản phẩm OCOP đến thời hạn, đảm bảo đơn giản, tránh gây phiền hà cho cơ sở; xem xét sửa đổi và ban hành Bộ tiêu chí đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP giai đoạn mới, bổ sung các bộ tiêu chí đánh giá đối với các nhóm sản phẩm, như: tinh dầu, thực phẩm dinh dưỡng,…

Hà Tĩnh cũng đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bổ sung chính sách hỗ trợ vay vốn và hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư và diêm nghiệp có mức sống trung bình.

Với Bộ Y tế, Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh đề nghị sớm ban hành hướng dẫn cụ thể tiêu chí Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh đạt chuẩn quốc gia trong thực hiện Đề án thí điểm tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới; báo cáo, đề xuất Chính phủ chưa thực hiện áp dụng trong giai đoạn 2021-2025 mà chuyển sang thực hiện giai đoạn sau 2025 đối với tiêu chí: Tỷ lệ dân số có sổ khám chữa bệnh điện tử; tỷ lệ người dân tham gia và sử dụng ứng dụng khám chữa bệnh từ xa.