Thanh Hóa:
Chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế ở các huyện miền núi Thanh Hóa
(Dân trí) - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh Thanh Hóa đã đạt nhiều chuyển biến tích cực sau hơn 2 năm được triển khai thực hiện.
Thông tin từ Văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2023, Trung ương phân bổ cho tỉnh Thanh Hóa hơn 1,1 nghìn tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.
Trong đó gần 549 tỷ đồng đầu tư phát triển và hơn 605 tỷ đồng vốn sự nghiệp. Đến nay, đã giải ngân hơn 327 tỷ đồng, đạt 31,78% kế hoạch.
Sau 2 năm được triển khai, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có chuyển biến tích cực; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ổn định và từng bước được cải thiện; kết cấu hạ tầng tiếp tục được tăng cường; giáo dục, y tế ở các huyện miền núi có nhiều tiến bộ…
Nỗ lực này đã góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.
Tính đến hết năm 2022, tỷ lệ giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn là 7,37%, vượt 4,37% kế hoạch năm; thu nhập bình quân của người dân tăng 5% so với năm 2020; 100% xã miền núi đã có đường ô tô đến trung tâm được rải nhựa hoặc bê tông; 99,91% hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện phù hợp khác; 91,4% trạm y tế được xây dựng kiên cố; 86% thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng.
Tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 93,6%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 98,45%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 57%; tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế đạt 81,56%.
Thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt hỗ trợ về nhà ở cho 339 hộ dân; đầu tư 32 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 2.545 hộ dân.
Bên cạnh đó, có 4 dự án sắp xếp, ổn định dân cư tập trung trên địa bàn các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh đã được các đơn vị, địa phương lập hồ sơ, chuẩn bị đầu tư.
Ngoài ra, việc tập trung phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng, miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị cũng được triển khai thực hiện.
Trong 2 năm vừa qua, tỉnh Thanh Hóa đã hỗ trợ đầu tư 29 công trình trường học, với tổng vốn thực hiện hơn 104 tỷ đồng; tổ chức 154 lớp đào tạo nghề; hỗ trợ đầu tư sửa chữa, bảo dưỡng một số hạng mục công trình cho 3 cơ sở nghề nghiệp.
Trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện hỗ trợ đầu tư 3 điểm du lịch; bảo tồn 3 làng, bản văn hóa truyền thống; tu bổ, tôn tạo 2 di tích; đầu tư xây dựng 78 thiết chế văn hóa, thể thao của các địa phương miền núi, với tổng vốn thực hiện là hơn 40 tỷ đồng.
Để đạt được những kết quả tích cực đó, thời gian qua, các sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan cấp tỉnh và các địa phương của tỉnh Thanh Hóa đã hoạt động trách nhiệm, có sự quan tâm đúng mức.
Đồng thời, các đơn vị đã chủ động phối hợp với các huyện miền núi xây dựng chương trình, hợp tác và tổ chức ký kết hỗ trợ, giúp đỡ các huyện miền núi về vật chất, tinh thần giúp các địa phương này phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững.