Mục tiêu phát triển miền núi (kỳ 1): Nhìn lại kết quả, khó khăn
(Dân trí) - Qua nhiều năm thực hiện chương trình mục tiêu phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh Hà Tĩnh không còn xã đặc biệt khó khăn.
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh mới đây đã có báo cáo gửi Đoàn giám sát của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.
Không còn xã miền núi đặc biệt khó khăn
Hà Tĩnh là tỉnh còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ, dịch bệnh, nguy cơ nghèo và tái nghèo rất cao.
Song, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 được triển khai hiệu quả, góp phần giảm nghèo nhanh, đảm bảo mức giảm tỷ lệ hộ nghèo 0,89% năm (cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo 3,79% thấp hơn so với khu vực Bắc Trung Bộ 4,99%, tỷ lệ hộ cận nghèo 4,04% thấp hơn so với khu vực Bắc Trung Bộ 5,05%).
Hà Tĩnh đạt kế hoạch Trung ương giao, không còn xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, xã đặc biệt khó khăn miền núi, thôn đặc biệt khó khăn.
Tỉnh này đã triển khai kịp thời, đồng bộ các cơ chế, chính sách giảm nghèo của Trung ương. Trong đó, thực hiện hiệu quả các chính sách, an sinh xã hội như hỗ trợ tiền điện, bảo hiểm y tế, học tập, học phí, các thành viên hộ nghèo, người có công với cách mạng và một số chính sách hỗ trợ đột xuất khác.
Hà Tĩnh cũng thể chế hóa nhiều chính sách giảm nghèo phù hợp với thực tế của địa phương, có nhiều biện pháp, giải pháp mang tính đột phá trong thực hiện công tác giảm nghèo, nhất là việc huy động nguồn lực xã hội hóa từ các doanh nghiệp và toàn xã hội để thực hiện Chương trình hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão, lũ, nhà ở kiên cố cho người có công, hộ nghèo, hộ bị thiệt hại do thiên tai, hỗ trợ học sinh nghèo đạt điểm cao học đại học.
Chỉ tính riêng trong năm 2021, 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, Hà Tĩnh đã huy động hỗ trợ xây dựng 56 nhà văn hóa cộng đồng và hỗ trợ xây dựng mới 4.096 nhà ở cho người có công, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn và hộ bị thiệt hại do thiên tai, với tổng kinh phí thực hiện hơn 392 tỷ đồng.
Quan tâm xây dựng các mô hình giảm nghèo; công tác truyền thông giảm nghèo đa chiều được chú trọng triển khai với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Các hoạt động giám sát, đánh giá chương trình được tổ chức thường xuyên, định kỳ.
Đến nay, 75% người có khả năng lao động được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp. Giai đoạn 2021-2023, toàn tỉnh có 61 mô hình giảm nghèo, 50 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất;
Hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp; mỗi năm tổ chức 15-20 hội nghị đối thoại về chính sách giảm nghèo ở các cấp, các ngành.
Tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số giảm hàng năm
Hà Tĩnh có 2 thôn thực hiện Chương trình là bản Rào Tre, xã Hương Liên và bản Giàng, xã Hương Vĩnh, huyện Hương Khê.
Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn quan tâm việc hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số và miền núi đạt 32,2 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm hàng năm. 100% đường giao thông nông thôn được nhựa hóa, bê tông hóa, đảm bảo nhu cầu đi lại.
Giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, nhà ở (đã hỗ trợ 26 hộ, trong đó: 14 hộ nghèo, 12 hộ cận nghèo, 10 hộ thoát nghèo; với tổng số kinh phí 9 triệu đồng để mua nông cụ phục vụ sản xuất), nước sinh hoạt (có 59 hộ được giải quyết nước sinh hoạt); hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm cho 35 hộ dân.
Địa phương cũng quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, nhà văn hóa, trường mầm non, trạm y tế xã. Tổ chức các lễ, tết truyền thống, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc, như duy trì và bảo tồn 3 lễ hội truyền thống: Chăm cha Bới, Tết Lấp lỗ tại bản Rào Tre, lễ Cha leng tại Bản Giàng 2; có một làng bản, buôn truyền thống phục vụ phát triển du lịch.
Hai mô hình văn hóa truyền thống được xây dựng, câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian được thành lập; xây dựng 2 điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Những nỗ lực đó đã góp phần quan trọng trong đảm bảo an sinh xã hội, tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Khó khăn, vướng mắc
Ngoài những kết quả đạt được, qua giám sát, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh nhận thấy còn khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể, hiện chưa có quy định khái niệm "người lao động có thu nhập thấp"; "vùng nghèo, vùng khó khăn". Do đó, chưa thể xác định đối tượng để mở các lớp đào tạo nghề hoặc xác định đối tượng hỗ trợ.
Bên cạnh đó, Hà Tĩnh có hơn 60% hộ nghèo, hơn 30% hộ cận nghèo không có khả năng lao động nên số lượng đối tượng để đào tạo nghề thuộc Chương trình khá hạn chế.
Quy trình, hồ sơ, thủ tục triển khai các mô hình, dự án phát triển sản xuất thuộc Chương trình còn phức tạp so với những giai đoạn trước đây, dẫn đến khó khăn trong tổ chức triển khai thực hiện, nhất là ở cộng đồng, cấp xã.
Chương trình mới triển khai thực hiện được một năm, vốn bố trí thực hiện từ tháng 5/2022. Quá trình thực hiện, tỉnh gặp khó khăn đối với việc áp dụng quy định tại khoản a, mục 9, Quyết định 1719 ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Tiểu dự án 1 - Đầu tư phát triển kinh tế - xã hội do vùng dân tộc có khó khăn đặc thù.
Hà Tĩnh có 2 thôn được hưởng chính sách, dẫn đến một số nội dung cần thiết đầu tư, nhằm phục vụ nhu cầu cấp thiết của đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các dự án khác không được áp dụng.
Việc duy trì các mô hình phát triển sản xuất tại thôn, bản dân tộc, miền núi còn khó khăn do các hộ gia đình chưa chủ động trong sản xuất, chưa chịu khó tìm tòi, nghiên cứu để phát triển và nhân rộng các mô hình.
Tình trạng mất cân bằng giới tính trong độ tuổi vị thành niên (nam gấp 3 lần so với nữ); việc giảm tỷ lệ hộ nghèo đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại bản Rào Tre và bản Giàng, xã Hương Liên, huyện Hương Khê còn gặp không ít khó khăn.