Mức lương hưu tối thiểu là bao nhiêu?
(Dân trí) - Nhiều lao động đề nghị phải quy định mức lương hưu tối thiểu để đảm bảo người về hưu có lương hưu đủ sống.
Tại hội thảo "Lấy ý kiến người lao động (NLĐ) về chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần trong dự án Luật BHXH (sửa đổi)" do Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức, đại diện NLĐ của một số doanh nghiệp thắc mắc về việc không có quy định mức lương hưu tối thiểu.
NLĐ lo lắng vì mặt bằng lương hưu hiện nay đã thấp, sắp tới điều kiện thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu giảm từ 20 năm xuống còn 15 năm thì lương hưu của một số người đóng BHXH dưới 20 năm sẽ còn thấp hơn. Do đó, NLĐ đề nghị cần có quy định mức sàn lương hưu nhằm đảm bảo đời sống tối thiểu.
Theo ông Trần Thanh Sơn, Chủ tịch Công đoàn cơ sở công ty TNHH May mặc G&G II (quận Bình Tân, TPHCM), một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều người rút BHXH một lần dù không khó khăn là vì họ thấy lương hưu thấp, không hấp dẫn.
Bà Nguyễn Thị Hoa, Chủ tịch Công đoàn cơ sở công ty TNHH Quadrille Việt Nam (KCN Amata, Đồng Nai), cho biết công ty bà có tuyển dụng lại 4 lao động lớn tuổi sau khi họ nghỉ hưởng chế độ hưu trí.
Mức lương hưu của 4 người này rất thấp, người lãnh cao nhất là gần 3,2 triệu đồng/tháng, người lãnh thấp nhất là 2,4 triệu đồng/tháng. Chính vì lương hưu thấp nên họ tiếp tục xin đi làm sau khi hết tuổi lao động để kiếm thêm thu nhập.
Tại các hội nghị góp ý cho dự thảo luật BHXH (sửa đổi) tổ chức tại TPHCM thời gian qua, đại diện công đoàn cơ sở các doanh nghiệp lớn, có đông công nhân đều đề đạt nguyện vọng quy định mức lương hưu tối thiểu đủ sống cho NLĐ như lương tối thiểu vùng.
Theo bà Phạm Thị Hồng Yến, Chủ tịch Công đoàn cơ sở công ty TNHH Intel Products Việt Nam, lương hưu tối thiểu phải đáp ứng được nhu cầu tối thiểu, nếu thấp hơn mức sống tối thiểu thì NLĐ khó an tâm chờ đến khi nhận lương hưu.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cho biết: "Theo luật BHXH 2014, đối với những người đóng BHXH bắt buộc đủ 20 năm thì có quy định mức lương hưu không thấp hơn mức lương cơ sở".
Tuy nhiên, quy định trên chỉ áp dụng cho NLĐ tham gia BHXH bắt buộc đủ 20 năm, vẫn có một số nhóm tham gia BHXH nhưng không được áp dụng quy định này. Ví dụ như nữ cán bộ xã hưởng lương hưu theo điều kiện tham gia BHXH từ 15 năm đến dưới 20 năm, người tham gia BHXH tự nguyện…
Theo ông Cường, trong dự thảo luật BHXH sửa đổi có mấy lý do dẫn đến việc không có quy định liên quan đến mức lương cơ sở.
Thứ nhất là định hướng tới đây chúng ta không còn lương cơ sở.
Thứ hai là chúng ta có quy định giảm điều kiện thời gian hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm nên không thể giữ quy định mức lương hưu thấp nhất bằng lương cơ sở áp dụng cho người đóng BHXH bắt buộc đủ 20 năm.
Thứ 3 là sàn đóng BHXH thay đổi. Chúng ta mong muốn mở rộng ra cho nhiều người tham gia BHXH, do vậy căn cứ đóng BHXH thấp nhất bằng 50% của lương tối thiểu vùng cao nhất. Khác với quy định hiện nay, người tham gia BHXH bắt buộc khu vực doanh nghiệp thì mức lương căn cứ đóng BHXH thấp nhất cũng bằng lương tối thiểu vùng.
Tuy nhiên, vì hoạt động theo nguyên tắc đóng - hưởng, chỉ cần mức đóng BHXH cao và thời gian dài thì lương hưu cũng sẽ cao. Do đó, trong dự thảo luật BHXH sửa đổi có đề xuất "tính đúng, tính đủ" tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc cho NLĐ.
Ông Nguyễn Duy Cường khẳng định: "Điều mọi người quan tâm là liệu các đề xuất sửa đổi trong dự án luật có giảm quyền lợi của NLĐ hay không? Tôi khẳng định các nội dung sửa đổi liên quan đến quyền lợi của NLĐ đều được điều chỉnh tăng lên cho NLĐ".