Mức đóng các loại bảo hiểm khi tăng lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng từ 1/7

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Khi lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng, mức đóng các loại bảo hiểm cũng sẽ tăng theo.

Chính phủ đề xuất chưa bãi bỏ lương cơ sở khi cải cách tiền lương từ ngày 1/7. Thay vào đó, đề xuất điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng hiện nay lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%).

Với sự điều chỉnh này, mức đóng các loại bảo hiểm như bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) thay đổi theo.

Mức đóng các loại bảo hiểm khi tăng lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng từ 1/7 - 1

Mức đóng nhiều loại bảo hiểm thay đổi khi tăng lương cơ sở (Ảnh minh họa: BHXH TPHCM).

Tăng mức đóng BHXH bắt buộc

Hiện trong cơ cấu đóng BHXH bắt buộc, người lao động sẽ đóng 10,5% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH (8% vào Quỹ Hưu trí tử tuất, 1,5% vào Quỹ BHYT, 1% Quỹ BHTN).

Mức lương cơ sở là căn cứ để tính lương cơ bản cho người lao động hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Lương cơ bản là mức lương làm căn cứ để đóng BHXH. Do đó, khi lương cơ sở tăng 30% thì lương cơ bản cũng tăng tương ứng, mức đóng BHXH bắt buộc của người lao động cũng tăng theo lương.

Tuy nhiên, người lao động chỉ đóng 8% tiền lương vào Quỹ Hưu trí tử tuất, người sử dụng lao động đóng đến 14%. Do đó, số tiền phải đóng vào Quỹ Hưu trí tử tuất tăng không đáng kể (8% của phần lương cơ bản tăng thêm) nhưng mức lương hưu khi hưu trí sẽ tăng cao (22% của phần lương cơ bản tăng thêm).

Nếu tính trên số tiền tuyệt đối, việc tăng mức đóng vào quỹ hưu trí tử tuất này giúp người lao động hưởng lợi nhiều hơn khi về hưu.

Tăng mức đóng BHXH tối đa

Đối với người lao động nói chung (kể cả lao động khu vực ngoài nhà nước), việc tăng lương cơ sở ảnh hưởng đến mức đóng BHXH bắt buộc của họ.

Cụ thể, Luật BHXH hiện hành quy định mức đóng BHXH cao nhất bằng 20 lần tháng lương cơ sở. Như vậy, mức đóng cao nhất từ ngày 1/7 sẽ tăng từ 36 triệu đồng/tháng lên mức 46,8 triệu đồng.

Mức tăng này có ý nghĩa lớn đối với những lao động có mức lương cao. Vì hạn chế mức đóng BHXH tối đa nên nhiều lao động lĩnh lương cả trăm triệu đồng/tháng nhưng mức lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc của họ chỉ là 36 triệu đồng/tháng.

Từ 1/7, mức đóng tối đa tăng lên 46,8 triệu đồng/tháng thì các chế độ BHXH của người lao động có mức lương cao như thai sản, ốm đau, hưu trí… đều sẽ tăng theo (các chế độ trên được tính căn cứ vào mức lương đóng BHXH).

Tăng mức đóng BHYT hộ gia đình, học sinh - sinh viên

Hiện mức đóng BHYT hằng tháng của người tham gia BHYT hộ gia đình được quy định như sau: "Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất".

Khi lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng hiện nay lên 2,34 triệu đồng/tháng, mức đóng BHYT hộ gia đình cũng tăng theo.

Mức đóng các loại bảo hiểm khi tăng lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng từ 1/7 - 2

Đối với nhóm được Nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT, phần còn lại phải đóng được tính căn cứ vào mức đóng của người thứ nhất trong bảng trên.

Ví dụ, hộ cận nghèo được Nhà nước hỗ trợ 70% mức đóng BHYT. Do đó, người thuộc hộ cận nghèo đóng bằng 30% mức đóng của người thứ nhất, mức đóng 1 năm là 291.600 đồng. Khi tăng lương cơ sở, mức đóng của họ sẽ là 379.080 đồng.

Ngoài ra, mức đóng BHYT hằng tháng của học sinh, sinh viên cũng được tính bằng 4,5% mức lương cơ sở. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 30%, người tham gia đóng 70%. Khi tăng lương cơ sở, mức đóng cũng sẽ tăng theo.

Mức đóng các loại bảo hiểm khi tăng lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng từ 1/7 - 4