1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Mức đóng bảo hiểm y tế thay đổi ra sao khi tăng lương?

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Mức đóng bảo hiểm y tế hộ gia đình được tính theo lương cơ sở. Do đó, khi mức lương cơ sở tăng thì mức đóng bảo hiểm y tế hộ gia đình cũng tăng theo.

Mức đóng bảo hiểm y tế thay đổi ra sao khi tăng lương? - 1

Mức đóng BHYT theo hộ gia đình tăng nhẹ từ ngày 1/7 (Ảnh minh họa: Hoàng Lê).

Từ ngày 1/7, mức lương cơ sở sẽ chính thức tăng từ 1,49 triệu đồng/tháng lên thành 1,8 triệu đồng tháng. Theo Nghị định 24/2023, có 9 nhóm đối tượng được tăng lương theo mức lương cơ sở mới này. Đồng thời, hàng loạt mức đóng, mức hưởng chính sách an sinh xã hội cũng sẽ thay đổi theo lương cơ sở, trong đó có mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình.

Mức đóng BHYT theo hộ gia đình được quy định tại Khoản 1 Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT.

Theo đó, mức đóng BHYT theo hộ gia đình hằng tháng của người thứ nhất bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Do mức đóng BHYT theo hộ gia đình được tính theo lương cơ sở nên khi tăng lương cơ sở, mức đóng BHYT hộ gia đình cũng sẽ tăng theo.

Mức tăng cụ thể như sau:

Mức đóng bảo hiểm y tế thay đổi ra sao khi tăng lương? - 2

Với những người có thẻ BHYT thời hạn sử dụng kéo dài sau ngày 1/7 thì vẫn tiếp tục được dùng thẻ cho đến khi hết thời hạn sử dụng, không phải đóng bù phần chênh lệch khi lương cơ sở tăng và mức đóng BHYT tăng theo.

Điều này được quy định rõ tại Khoản 3 Điều 10 Nghị định 146/2018/NĐ-CP như sau: "Khi Nhà nước điều chỉnh mức đóng BHYT, điều chỉnh mức lương cơ sở, người tham gia không phải đóng bổ sung hoặc không được hoàn trả phần chênh lệch do điều chỉnh mức đóng BHYT, mức lương cơ sở đối với thời gian còn lại mà người tham gia đã đóng BHYT".