"Mở lại cánh cửa" cuộc đời cho gần 300 người lầm lỗi
(Dân trí) - Tính đến nay, đã có 293 người chấp hành xong án phạt tù tại Nghệ An được vay vốn lãi suất ưu đãi. Nguồn vốn vay này là động lực để họ nỗ lực làm lại cuộc đời.
Động lực để đứng lên sau lầm lỗi
Xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ xuất khẩu của anh Nguyễn Văn H. (SN 1985, xóm 4, xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) doanh thu đạt 200 triệu đồng/tháng, tạo việc làm ổn định cho 8 lao động. Ít ai biết rằng, xưởng gỗ này đã từng tạm dừng hoạt động, đứng trước nguy cơ đóng cửa khi anh H. vướng vòng lao lý, phải lĩnh 4 năm tù về tội Cố ý gây thương tích.
Năm 2022, anh H. thi hành xong án phạt tù, trở về địa phương, gây dựng lại sự nghiệp trong khó khăn bủa vây. Được Công an xã Nghi Lâm và Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm thông tin về chính sách vay vốn ưu đãi theo Quyết định 22/2023/QĐ-TTg, anh H. bàn với vợ làm hồ sơ vay vốn.
Sau khi Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm, công an xã và chính quyền địa phương đánh giá kỹ các tiêu chí, anh H. được duyệt hồ sơ vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi theo Quyết định 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá.
Từ nguồn vốn vay ưu đãi này, anh H. mua thêm máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất theo yêu cầu về mẫu mã mới của khách hàng. Các bạn hàng cũ tin tưởng tay nghề, uy tín, nối lại việc làm ăn với anh H., nhờ đó, xưởng sản xuất của anh dần hoạt động ổn định.
"Khoản vay 100 triệu đồng từ chương trình tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù không chỉ giúp tôi có nguồn vốn để tái đầu tư sản xuất mà còn cho tôi sự động viên, thấy rõ được sự tin tưởng của mọi người. Đây là động lực để tôi phấn đấu sửa chữa lỗi lầm, làm lại cuộc đời", anh H. chia sẻ.
Tại xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) có 2 trường hợp người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi theo Quyết định 22.
Với 100 triệu đồng được giải ngân, cả 2 khách hàng đều đầu tư trồng rừng keo. Đến nay, sau 1 năm, rừng keo đang phát triển tốt, dự kiến sau 4 năm sẽ cho thu hoạch.
"Đây là một chương trình hết sức nhân văn và thiết thực, giúp người lầm lỗi xóa bỏ rào cản tâm lý, tạo cơ hội cho họ làm lại cuộc đời. Quy trình đánh giá đối tượng cho vay, thẩm định hồ sơ vay vốn chặt chẽ cũng khẳng định rõ vai trò, trách nhiệm của các cấp, ngành, đoàn thể và gia đình đối với việc giúp đỡ người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng", bà Đinh Thị Kim Châu, Chủ tịch UBND xã Minh Hợp chia sẻ.
Ngăn nguy cơ tái phạm tội
Thực tế cho thấy, người chấp hành xong án phạt tù trở về gặp nhiều khó khăn trong hòa nhập cuộc sống mới, khó tìm kiếm cơ hội việc làm ổn định để nuôi sống bản thân. Điều này khiến họ nảy sinh tâm lý tự ti, tiêu cực, chán nản, dễ bị lôi kéo vào con đường xấu, tăng nguy cơ tái phạm.
Theo ông Hoàng Sơn Lam, nếu được tạo điều kiện để có công việc ổn định, được tin tưởng, người mãn hạn tù sẽ hòa nhập tốt hơn với xã hội và sống có ích hơn, trách nhiệm hơn với chính bản thân mình, gia đình và xã hội.
Bởi vậy, ông Lam cho rằng Quyết định 22/2023 của Thủ tướng Chính phủ là một chủ trương, chính sách cần thiết và có tính bao trùm.
Sau hơn một năm triển khai chương trình tín dụng ưu đãi theo Quyết định 22/2023/QĐ-TTg, tính đến cuối tháng 11, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội và Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện đã giải quyết hồ sơ, thủ tục cho vay đối với 293 khách hàng, số vốn được giải ngân đạt gần 26,5 tỷ đồng, đảm bảo đúng đối tượng, đúng trình tự thủ tục.
"Thời điểm này, gói tín dụng mới triển khai được hơn 1 năm, còn quá sớm để đánh giá về hiệu quả các mô hình phát triển sản xuất của người vay. Tuy nhiên, trong thời gian qua, tất cả khách hàng vay vốn đều đảm bảo về thời gian trả lãi và có khoản tiết kiệm hàng tháng. Đây là một tín hiệu khả quan về sự kiên trì, nghiêm túc, trách nhiệm của người vay", ông Hoàng Sơn Lam chia sẻ.
Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực từ ngày 10/10/2023, quy định về mức vốn cho vay:
1. Đối với vay vốn để đào tạo nghề: Mức vốn cho vay tối đa 4 triệu đồng/tháng/người chấp hành xong án phạt tù.
2. Đối với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm:
Người chấp hành xong án phạt tù: Mức vốn cho vay tối đa là 100 triệu đồng/người chấp hành xong án phạt tù.
Cơ sở sản xuất kinh doanh: Mức vốn cho vay tối đa 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh.
Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định theo từng thời kỳ.