2 lần vay vốn, 4 năm thoát nghèo, thu nhập tăng ấn tượng

Hạnh Linh

(Dân trí) - Nhờ vốn vay của ngân hàng chính sách, nhiều hộ dân vùng cao Thanh Hóa sớm thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Sớm tinh mơ, bà Phạm Thị Thanh (thôn Tâm Đồng, xã Thúy Sơn, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa) cùng người dân địa phương đến UBND xã học cách vươn lên thoát nghèo. Tại đây triển khai chương trình hỗ trợ vay vốn của ngân hàng chính sách xã hội.

Bà Thanh cho biết, trước đây, 5 nhân khẩu của gia đình bà quanh năm vất vả với vườn hành, ruộng lúa nhưng năng suất thấp, thu hoạch chẳng được là bao.

2 lần vay vốn, 4 năm thoát nghèo, thu nhập tăng ấn tượng  - 1

Bà con xã Thúy Sơn, huyện Ngọc Lặc đến điểm giao dịch ngân hàng chính sách xã hội nghe phổ biến về vốn vay, cách sử dụng nguồn vốn hiệu quả (Ảnh: Hạnh Linh).

Năm 2016, được Hội phụ nữ trong thôn phổ biến về vốn vay của ngân hàng chính sách xã hội để phát triển kinh tế, bà Thanh làm đơn vay vốn 50 triệu đồng.

Từ nguồn vốn đó, bà Thanh đầu tư mua 100 con gà giống, 2 con bê. Sau 4 tháng, lứa gà đầu tiên xuất bán, mang về cho gia đình bà gần 10 triệu đồng, rồi lần lượt những lứa bò cũng dần sinh sôi, mang lại thu nhập tốt. Chỉ 4 năm, gia đình bà đã trả hết tiền vay cho ngân hàng.

Ngoài được vay vốn, bà Thanh còn được hỗ trợ kinh nghiệm phát triển kinh tế trang trại. Tận dụng nguồn phân hữu cơ từ việc chăn nuôi, bà Thanh sử dụng để trồng hành, bón lúa đem lại năng suất cao.

2 lần vay vốn, 4 năm thoát nghèo, thu nhập tăng ấn tượng  - 2

Người dân tìm hiểu thông tin về chính sách vốn vay tại UBND xã Thúy Sơn (Ảnh: Hạnh Linh).

"Gia đình tôi cấy 3 sào lúa, trồng 1 sào hành. Nhờ được hướng dẫn cách chăm bón, ủ phân mà 3 sào lúa cho sản lượng gần 1 tấn/vụ, giúp gia đình đủ gạo ăn cả năm, còn 1 sào hành cho thu nhập cao, từ 3 đến 4 triệu đồng", bà Thanh chia sẻ.

Thấy hiệu quả từ vốn vay, năm 2021, bà Thanh tiếp tục làm đơn vay vốn của ngân hàng thêm 50 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi bò, gà. Sau 2 lần vay vốn ngân hàng, hiện nay, gia đình bà Thanh đã thoát nghèo, kinh tế gia đình ổn định, mỗi năm thu nhập khoảng 100 triệu đồng.

2 lần vay vốn, 4 năm thoát nghèo, thu nhập tăng ấn tượng  - 3

Bà con trong xã Thúy Sơn học hỏi, trao đổi với nhau cách chăn nuôi, phát triển kinh tế thoát nghèo (Ảnh: Hạnh Linh).

Cũng như bà Thanh, gia đình bà Phạm Thị Tường (thôn Trung Sơn, xã Thúy Sơn) từ một hộ gia đình khó khăn, quanh năm chật vật nhưng chẳng để dư được đồng nào.

Từ năm 2018, nhờ vốn vay ngân hàng chính sách xã hội, gia đình bà nuôi 2 con bò, 1 con trâu, hiện cuộc sống đã được nâng lên rõ rệt.

"Trước đây, chưa có kinh nghiệm làm ăn, cả nhà tôi làm được bao nhiêu thì tiêu bấy nhiêu, chưa biết cách chi tiêu hợp lý, tiết kiệm. Nhưng từ khi vay vốn, mỗi tháng ngoài việc trả tiền lãi, gia đình tiết kiệm thêm được ít đồng. Hôm nay tôi đến để trả 20 triệu đồng tiền vốn vay", bà Tường nói.

2 lần vay vốn, 4 năm thoát nghèo, thu nhập tăng ấn tượng  - 4

Nhờ vốn vay, người dân xã Thúy Sơn đã có thể đầu tư nuôi bò, vươn lên thoát nghèo (Ảnh: Hạnh Linh).

Bà Lê Thị Hạnh, Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Trung Sơn, xã Thúy Sơn, cho biết, những năm qua, việc vay vốn ngân hàng chính sách xã hội đã trở thành kế sinh nhai, như "cần câu" giúp bà con ở địa phương thoát nghèo.

"Người dân địa phương cũng đã mạnh dạn vay vốn để chăn nuôi, trồng trọt, đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Mỗi tháng, ngoài tiền trả lãi cho ngân hàng, bà con còn dành dụm được 100.000 đồng để gửi tiết kiệm. Không chỉ thoát nghèo, nhiều hộ dân còn vươn lên làm giàu với các mô hình chăn nuôi, trồng trọt", bà Hạnh nói.

Cũng theo bà Hạnh, ngoài việc được vay vốn, bà con địa phương còn được các tổ tư vấn hỗ trợ học tập kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt thông qua ứng dụng giáo dục tài chính của ngân hàng chính sách xã hội.

"Ứng dụng này giúp người dân tìm hiểu các chương trình tín dụng, học hỏi mô hình, cách làm hay sáng tạo và những kiến thức quản lý tài chính cá nhân, hộ gia đình", bà Hạnh cho biết thêm.

2 lần vay vốn, 4 năm thoát nghèo, thu nhập tăng ấn tượng  - 5

Một góc xã Thúy Sơn, huyện Ngọc Lặc (Ảnh: Hạnh Linh).

Theo ông Phạm Văn Chóng, Phó chủ tịch UBND xã Thúy Sơn, đặc thù ở địa phương là xã miền núi còn nhiều khó khăn. Song những năm qua, bà con trong xã đã biết sử dụng nguồn vốn vay của ngân hàng chính sách để chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo, làm giàu.

"Thu nhập bình quân năm 2012 của xã chỉ đạt 27,9 triệu đồng/người/năm, nhưng đến nay đã tăng lên 40,2 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo còn 3,23%", ông Chóng cho biết.

Theo thống kê của Ngân hàng chính sách xã hội huyện Ngọc Lặc, năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm 1.553 hộ, tương đương 4,41%; số hộ cận nghèo giảm 1.757 hộ. Trong đó, tỷ lệ hộ thoát nghèo, cận nghèo có vay vốn của ngân hàng chính sách xã hội huyện Ngọc Lặc chiếm tới 92%.