1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Mệnh lệnh "trái tim nóng" giải quyết an cư cho người lênh đênh sông nước

Trần Lê

(Dân trí) - Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa chỉ đạo sát sao về việc cấp đất và hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở cho hàng trăm hộ dân sinh sống trên sông tại địa phương.

Vấn đề được nêu tại hội nghị báo cáo tiến độ thực hiện việc cấp đất ở và hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở cho đồng bào sinh sống trên sông do Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức mới đây.

"Phải lo từ sớm, từ xa nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân đang sống lênh đênh sông nước. Nếu để đồng bào sinh sống trên sông bị thiệt hại đến tính mạng do thiên tai gây ra, chúng ta sẽ có lỗi với nhân dân. Cấp đất và hỗ trợ làm nhà ở cho đồng bào sinh sống trên sông phải làm bằng tình cảm, bằng cả trái tim nóng lo cho dân", ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa yêu cầu.

Mệnh lệnh trái tim nóng giải quyết an cư cho người lênh đênh sông nước - 1

Ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc cấp đất ở và hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở cho đồng bào sinh sống trên sông (Ảnh: M.H).

Theo tổng hợp báo cáo của thành phố Thanh Hóa và các huyện có đồng bào sinh sống trên sông, tính đến 31/8, toàn tỉnh có 353 hộ sinh sống trên sông, giảm 18 hộ so với số liệu tháng 6/2022. Trong đó, huyện Thọ Xuân có 81 hộ, Thiệu Hóa 54 hộ, Cẩm Thủy còn 1 hộ, Vĩnh Lộc 4 hộ, Thạch Thành 5 hộ, Yên Định 84 hộ và thành phố Thanh Hóa 124 hộ.

Trong số 353 hộ này, có 308 hộ hiện đang đề nghị cấp đất ở, còn 45 hộ không đề nghị cấp đất ở.

Tính đến 31/8, thành phố Thanh Hóa và các huyện đã cấp đất ở cho 68 hộ. Đến nay các địa phương nêu trên đã hoàn thành việc rà soát, bố trí quỹ đất, lập phương án đầu tư, tái định cư 232 hộ với 242 lô đất cho đồng bào sinh sống trên sông.

Mệnh lệnh trái tim nóng giải quyết an cư cho người lênh đênh sông nước - 2

Tính đến 31/8, toàn tỉnh Thanh Hóa có 353 hộ sinh sống trên sông (Ảnh: M.L).

Nêu những hạn chế, vướng mắc trong việc cấp đất ở cho những hộ dân lênh đênh sông nước, đại diện các cơ quan chức năng của Thanh Hóa cũng đề xuất những giải pháp nhằm thực hiện đồng bộ chính sách này, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn kinh phí hợp pháp hỗ trợ và từng bước giải bản tàu thuyền đối với những hộ đã có nhà ở.

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa khẳng định, việc bố trí đất ở và hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở cho đồng bào nghèo đang sinh sống trên sông lên bờ ổn định cuộc sống là chủ trương đúng đắn và rất kịp thời. Đây là việc làm hết sức có ý nghĩa, mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện truyền thống "lá lành đùm lá rách", tinh thần tương thân tương ái, chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Trọng Hưng, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện chủ trương chưa đạt mục tiêu và yêu cầu đề ra. Tiến độ thực hiện tại một số địa phương vẫn còn chậm.

Đến thời điểm này, quỹ đất, phương án tái định cư đã có nhưng còn 240 hộ chưa được cấp đất ở, 273 hộ chưa nhận kinh phí hỗ trợ làm nhà, có huyện đã được cấp kinh phí hỗ trợ nhưng việc triển khai xây dựng nhà ở cho các hộ còn chậm so với yêu cầu…

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa yêu cầu, trong 2 năm, 2022-2023, phải hoàn thành việc cấp đất ở và hỗ trợ xây dựng nhà ở cho đồng bào nghèo đang sinh sống trên sông lên bờ định cư, ổn định cuộc sống. Theo đó, đối với 6 huyện, chậm nhất ngày 30/6/2023 phải hoàn thành, riêng thành phố Thanh Hóa chậm nhất đến 31/12/2023 phải hoàn thành.

Mệnh lệnh trái tim nóng giải quyết an cư cho người lênh đênh sông nước - 3

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa yêu cầu trong 2 năm (2022-2023) phải hoàn thành việc cấp đất ở và hỗ trợ xây dựng nhà ở cho đồng bào nghèo đang sinh sống trên sông lên bờ định cư để ổn định cuộc sống (Ảnh: M.L).

Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ đánh giá kết quả việc cấp đất ở và hỗ trợ xây dựng nhà ở cho đồng bào nghèo đang sinh sống trên sông lên bờ định cư, ổn định cuộc sống là một trong những tiêu chí đánh giá năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và kết quả xếp loại hàng năm của từng cán bộ chủ chốt, nhất là người đứng đầu.

Một yêu cầu khác được đặt ra là việc tổ chức thực hiện phải hiệu quả, trên tinh thần không bỏ sót đối tượng, không được trục lợi chính sách; tiếp tục rà soát lại cho đúng đối tượng, xác định đúng hộ nghèo, cận nghèo, hộ ở dưới sông nhưng không nghèo, không cận nghèo, hộ đồng bào công giáo… để có chính sách phù hợp với từng đối tượng.

Ngoài ra, tiếp tục kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ kinh phí và các nguồn lực cần thiết hỗ trợ xây dựng nhà ở cho đồng bào đang sinh sống trên sông với nguyên tắc tất cả các nguồn kinh phí hỗ trợ phải bảo đảm công khai, minh bạch.