Cuộc sống xóm ngụ cư trên sông Hồng trong mùa dịch Covid-19
(Dân trí) - Cuộc sống của những người ở xóm ngụ cư trên sông Hồng dường như bị dừng lại khi Hà Nội đang trong thời gian giãn cách xã hội do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Nhiều năm nay, nằm ẩn mình dưới chân cầu Long Biên, xóm Phao khu bãi giữa sông Hồng là nơi ở của nhiều người có hoàn cảnh khó khăn. Cuộc sống của những người này lại thêm chật vật khi Hà Nội đang trong giai đoạn giãn cách xã hội.
Ông Nguyễn Văn Được, trưởng xóm Phao chia sẻ với PV, hiện tại xóm có 35 gia đình với 121 người sinh sống trong những căn nhà tạm dựng trên bè ở bãi giữa sông Hồng.
"Những người ở đây mỗi người đến từ một nơi nhưng đều có hoàn cảnh khó khăn và không có nghề nghiệp ổn định. Chủ yếu mọi người là lao động tự do từ bốc vác trong chợ Long Biên tới nhặt ve chai, bán đồng nát... giờ giãn cách nên đa phần là không có việc làm", ông Được cho hay.
Để phòng chống dịch, lối đi từ bãi giữa lên cầu Long Biên đã được khóa lại, người dân muốn ra ngoài để đi chợ, đi có việc cần thiết phải đi một con đường khác xa hơn. Những ngày Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, người dân ở đây cũng được phường Ngọc Thụy phát giấy đi chợ.
"Giấy đi chợ xóm Phao của chúng tôi đi chợ Ngọc Thụy, tôi đi phát nhưng nhiều người không lấy vì khu chợ này ở khá xa. Người thì không lấy vì phải đi xa, người vì không có tiền, mỗi người lại ở một hoàn cảnh khác nhau", ông Được chia sẻ.
Theo lời ông Được, phường Ngọc Thụy cũng rất quan tâm tới đời sống bà con ở đây, từ khi Hà Nội giãn cách bà con được phát mỗi nhà một ít gạo, mì tôm nên không lo người dân bị đói. "Phường rất quan tâm bà con, mới đây phường cho lập danh sách người ở đây đăng ký tiêm vắc xin Covid-19", ông Được nói.
Vợ chồng bà Phạm Thị Thu (64 tuổi) và ông Nguyễn Đức Lương (60 tuổi) quê ở Ý Yên, Nam Định đã sống ở xóm Phao bãi giữa sông Hồng được khoảng 30 năm. Hai ông bà không có con, ông lại bị tật một bên mắt nên cuộc sống của 2 ông bà vô cùng khó khăn.
Bà Thu cho hay trước giãn cách, ngày bà đi nhặt ve chai được khoảng 50.000 -100.000 đồng, muốn dành dụm góp tiền để sửa lại mái nhà phao, tuy nhiên không thể sửa được, vì làm đến đâu tiêu hết đến đấy.
"Trước đi nhặt ve chai bán còn có thu nhập, dịch nên tôi không dám đi đâu, giờ chỉ ở nhà có gì ăn nấy không đói vì có gạo được phát và rau tự kiếm được. Tôi được phát giấy đi chợ mà tôi chưa đi lần nào.
Trước dịch tôi cũng muốn sửa chữa lại mái nhà vì xuống cấp lắm rồi nhưng làm bao nhiêu cũng chi tiêu cho cuộc sống hết. Giờ lại dịch thôi thì cứ ở tạm vậy, tiền ăn giờ còn phải lo nên không nghĩ tới chuyện sửa nhà nữa", bà Thu chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Phương (61 tuổi) quê Lâm Thao, Phú Thọ, cũng đã sống ở đây mấy chục năm. Trước đây khi sức khỏe còn tốt ông Phương làm đủ nghề để kiếm sống, nhưng sau bệnh hen suyễn nặng cộng thêm bệnh khớp nên giờ không làm gì được. Thỉnh thoảng ông đi nhặt ve chai để kiếm chút tiền trang trải cuộc sống nhưng giờ dịch không ai thu mua nữa nên ông đành ở nhà.
Một gia đình trẻ là trường hợp chị Nguyễn Thị Trang (1994) cũng đang rất khó khăn vì chồng bị tật ở chân nên không làm gì được, cả nhà trông chờ vào mình chị là người lao động chính.
"Trước đây tôi làm giúp việc nên cũng có đồng ra đồng vào trang trải cuộc sống nhưng một năm nay tôi sinh cháu thứ 2 thì phải nghỉ ở nhà. Con đã được một tuổi rồi nhưng gặp đúng đợt dịch nên không đi làm được lại thêm khó khăn" chị Trang cho hay.
Những ngày không có dịch thỉnh thoảng vẫn có người thuê đi phun thuốc cỏ cho những nhà trồng cây quanh xóm. Nhưng giờ không ai thuê nữa, khó khăn quá chị Trang đành gửi một người con về với bà nội.
Xóm Phao những ngày này ai cũng gặp khó khăn do không đi làm được. Mọi người ở đây đều cảm ơn chính quyền địa phương đã quan tâm tới người dân và mong dịch được kiếm soát để được đi làm, đi kiếm sống.