Mẹ mới sinh bế con đỏ hỏn đi tìm chỗ ở vì bị chủ trọ quỵt tiền, đuổi thẳng
(Dân trí) - Ở chưa đầy 1 tháng nhưng số điện lên đến 492kwh, chị Đ. thắc mắc thì bị chủ trọ đuổi thẳng, lấy luôn số tiền đã cọc.
Không thể phản kháng
"Họ đuổi chúng tôi đi trong ngày, khi con tôi mới có 6 tháng tuổi", chị B.A.Đ. (quê tại TP Hà Nội) bức xúc khi bị chủ trọ quỵt tiền.
Theo chị Đ., chị tìm được phòng trọ từ hội nhóm cho thuê trên mạng xã hội. Người quản lý khu trọ chào mời chị Đ. bằng nhiều lời lẽ ngon ngọt, để chị nhanh chóng đặt cọc.
Trong 18 ngày sống tại căn trọ, chị Đ. kiểm tra đồng hồ điện thì tá hỏa nhận ra đã lên 492 số điện, tạm tính hơn 1 triệu đồng.
"Dù có dùng điều hòa cả ngày thì cũng không hết từng đấy số điện được. Tôi nhắn tin cho chủ trọ để kiểm tra lại đồng hồ điện nhưng họ nói tôi không được thắc mắc, hỏi nhiều. Chủ trọ còn thách thức nếu thích thì tự đem đồng hồ điện đi kiểm tra", chị Đ. bức xúc.
Sau khi đăng tải sự việc này lên mạng xã hội, chị Đ. tiếp tục bị chủ trọ dọa nạt. Ở chưa đầy 1 tháng, chị Đ. nhận được thông báo bị đuổi khỏi phòng trọ. Chị Đ. mất trắng 5,2 triệu đồng tiền cọc và tiền trọ đã đóng ban đầu.
"Họ nói tiền điện cộng thêm tiền trọ chưa đầy 1 tháng đã âm vào tiền cọc, nên nhất quyết không trả", chị Đ. kể.
Bế đứa con còn đỏ hỏn trên tay, chị Đ. ứa nước mắt khi phải đi tìm chỗ ở mới ngay lập tức. Dưới phần bình luận của bài viết "phốt" chủ trọ trên mạng xã hội, chị Đ. nhận ra có nhiều người là nạn nhân giống như mình.
"Chỗ này đã lừa nhiều người lắm rồi. Họ còn lấy số điện thoại, hình ảnh của tôi đăng lên mạng khiến tôi bị "khủng bố" nhiều ngày qua", bà mẹ trẻ thở dài, nói.
Với chiêu thức khác, chị M.C. (ngụ tại TPHCM) cũng vừa bị chủ trọ quỵt 500.000 đồng tiền cọc. Theo đó, chị C. cũng tìm phòng từ các hội nhóm trên mạng xã hội. Chị C. nhanh chóng tìm được phòng trọ giá 800.000 đồng, khu vực gần Bệnh viện Da liễu TPHCM.
Ngỏ ý muốn đến xem phòng, nhưng chủ trọ lại hẹn chị C. vào cuối tháng vì người ở cũ chưa dọn đi. Song, người này vẫn đề nghị chị phải đặt cọc trước để giữ phòng.
"Sau khi tôi chuyển khoản xong, tôi vẫn thấy người này đăng bài cho thuê tiếp nên đã biết mình bị lừa. Nhắn tin thắc mắc thì tôi bị chủ trọ chặn số, không trả lại tiền", chị C. nói.
Vì số tiền bị lừa ít, lại không có hợp đồng thuê nhà giữa hai bên nên chị C. đành ngậm "trái đắng".
Kiểm tra kỹ hợp đồng thuê nhà
Tương tự, chị M.D.Q. (quê tại tỉnh Nghệ An) hiện vẫn chưa lấy lại được số tiền cọc 2 triệu đồng, sau khi bị chủ trọ đuổi ra ngoài với lí do vô lý.
Q. cho biết, chị vào TPHCM để tìm việc từ ngày 10/8. Trước đó, vì không kiếm được nhà trọ, chị đăng tải lên mạng xã hội với mong muốn tìm phòng trọ.
Lúc này, chị N.T.T.L. (ngụ tại quận 8) ngỏ ý muốn cho Q. ở ghép với một khách nữ khác, với giá 2 triệu đồng/tháng. Căn phòng này nằm tại chung cư Topaz Elite (quận 8, TPHCM).
Nhanh chóng chuyển tiền cho chị L., nhưng chị Q. lại sơ ý không thắc mắc về hợp đồng giữa hai bên.
Khi vừa vào ở được 2 ngày, L. đột ngột nhắn tin ngay trong đêm, thông báo chị Q. bị đuổi khỏi phòng trọ. Theo chị Q., lí do chị L. cho rằng Q. dắt bạn về phòng trọ nên không được ở tiếp.
Mặc cho chị Q. nài nỉ, chị L. vẫn nhất quyết để Q. ngủ ngoài đường. Phải uống thuốc đặc trị bệnh 2 lần/ngày, nhưng Q. không thể vào nhà lấy vì bị chặn tin nhắn.
Sau khi trình báo với cơ quan chức năng phường 4, Q. được hỗ trợ đến để lấy đồ ra ngoài. Cô gái cố gắng nhắn tin đòi lại số tiền 2 triệu đồng, nhưng chị L. vẫn "bật vô âm tín".
Theo luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TPHCM), nếu hợp đồng thuê nhà còn thời hạn, nhưng chủ trọ không tiếp tục cho thuê, không trả tiền cọc sẽ được xem là hành vi vi phạm pháp luật.
Người thuê nhà có thể khởi kiện qua tòa án để giải quyết theo thủ tục dân sự. "Tuy nhiên, nếu số tiền bị quỵt không lớn, việc khởi kiện sẽ khiến người thuê cảm thấy bị mất thời gian, công sức", luật sư Hùng nói.
Bên cạnh đó, nếu chủ trọ giả vờ đăng tin cho thuê nhưng thực tế lại không có phòng trọ hoặc nhận cọc rồi nhưng không cho người thuê vào ở, sẽ bị xem là tội danh hình sự. Cụ thể, các tội danh bao gồm lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm dụng tài sản. Người bị lừa có thể tố cáo đến công an quận nơi chủ trọ đó cho thuê.
"Để tránh bị lừa, người thuê nhà cần phải ký hợp đồng đặt cọc rõ ràng, xem kỹ quyền và nghĩa vụ, thời hạn, mục đích đặt cọc,…", vị luật sự nói.