1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Sợ hãi khi khách hàng đòi đi khách sạn rồi mới... ký hợp đồng

Loan Tô

(Dân trí) - Dù có được mức thu nhập trong mơ nhưng nhiều nhân viên sales (tư vấn bán hàng) cũng vô cùng lo sợ khi gặp những tình huống bị khách hàng gạ gẫm.

"Xin nghỉ ngày mai được không? Tối nay đi Hồ Tràm chơi với anh nè", nhận được tin nhắn như thế, K. (22 tuổi, tư vấn viên phòng tập thể hình) đã thẳng thừng từ chối.

Trước đó, sau khi gọi điện tư vấn gói tập của công ty, K. cũng nhiều lần được khách hàng hẹn cà phê để bàn bạc thêm. Vài ngày sau, hợp đồng chưa ký nhưng số lần đối tác muốn gặp hẹn hò riêng tăng lên khiến K. phải ngừng tương tác và vào thẳng chủ đề công việc. Khi đó, K. chỉ nhận về cái lắc đầu phũ phàng.

Sợ hãi khi khách hàng đòi đi khách sạn rồi mới... ký hợp đồng - 1

Những tin nhắn gạ gẫm khi tư vấn khách hàng khiến K. sợ hãi (Ảnh: NVCC).

"Người nhận tư vấn nhắn tin hỏi tôi có phòng tập nhỏ không? Tôi trả lời là có phòng yoga nhỏ thì được nhắn lại lời ỡm ờ, bảo ý là phòng tập 2 người thôi. Tôi thật sự sốc. Lần khác, đối tác nam chạy xe chở tôi đi bàn hợp đồng thì liên tục sờ đùi, thắng xe gấp để tôi té vào họ", K. chia sẻ thêm.

Có ngoại hình và kỹ năng giao tiếp tốt nên suốt 2 năm làm nghề sales, K. đã gặp không ít khách như thế. Người tế nhị thường đề xuất bằng một chuyến du lịch riêng, còn có khách sẵn sàng đổi hợp đồng giá trị cao bằng một buổi đi khách sạn.

"Ban đầu tôi sợ hãi tới mức không biết ứng biến ra sao. Sếp tôi nghe qua đã hiểu chuyện, lập tức giật điện thoại và mắng thẳng bên kia. Sau này thì tôi tự chủ động hủy tương tác, tỏ thái độ gay gắt khi những đùa bỡn, cợt nhả đi quá đà, thể hiện ý định thiếu lành mạnh", K. nói.

Sợ hãi khi khách hàng đòi đi khách sạn rồi mới... ký hợp đồng - 2

K. chia sẻ bản thân gặp không ít khách hàng có ý đồ không lành mạnh với cô (Ảnh minh họa).

Tương tự, chị N.T.N (31 tuổi, nhân viên sales bất động sản) cũng chia sẻ, bản thân đã trải qua vô vàn tình huống oái ăm với khách hàng trong suốt 10 hành nghề. Trong đó, nhiều khách hàng không có nhu cầu mua hàng, dịch vụ nhưng vẫn tham gia đi khảo sát dự án để được kết hợp du lịch, thậm chí kéo theo nhiều bạn bè đến buổi hẹn cà phê khiến các tư vấn viên phải "ngậm đắng" trả toàn bộ chi phí.

Thế nhưng, tình huống khó khăn nhất với nhân viên sales vẫn là nhiều khách hàng sẵn sàng đặt vấn đề phải tiếp bia rượu mua vui để có được hợp đồng.

"Tôi đã từ chối thẳng, không nhận khách hàng này dù hợp đồng có giá trị bao nhiêu đi nữa. Thậm chí tôi chặn liên lạc hoặc cho họ vào tệp danh sách đen, báo cáo công ty", chị N. nói.

Sợ hãi khi khách hàng đòi đi khách sạn rồi mới... ký hợp đồng - 3

Nhiều nhân viên ngành tư vấn bất động sản cũng rơi trường hợp bị khách gạ gẫm (Ảnh minh họa).

Thực tế, nhiều tư vấn viên, đặc biệt ở nhóm ngành ngân hàng, bất động sản, làm đẹp… thường xuyên đối diện với tình huống bị quấy rối như vậy. Vấn nạn quấy rối đó hiện không chỉ xảy ra với nữ giới mà còn cả nam giới.

Anh Đ.P.N. (30 tuổi, giám đốc kinh doanh một công ty bất động sản) chia sẻ, trong một lần sau khi gặp, tư vấn và đưa đi xem dự án thì khách hàng nữ đã đề nghị anh: "Chị sẽ mua căn này nhưng em phải vào ở cùng chị". 

"Tiến thoái lưỡng nan nhưng cuối cùng tôi vẫn quyết định bỏ mối này. Tôi còn nói thêm là mình đã có nhà rồi, cảm ơn lòng tốt của chị. Nữ khách hàng tự ái, trực tiếp hủy kết nối, tôi thì thở phào", anh N. nói.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, luật gia Nguyễn Văn Nghĩa (Công ty Luật TNHH LSX) cho biết, "gạ tình" có thể hiểu là việc một người những lời nói, cử chỉ hướng vào sự khác biệt giới tính với ý đồ không lành mạnh. Hành vi này còn có thể được gọi là "quấy rối tình dục".

Những hành vi quấy rối như vậy được hiểu là hành động có tính chất tình dục, gây ảnh hưởng tới nhân phẩm của người khác.

Hành vi "gạ tình" có thể bị Xử phạt hành chính, theo Điều 5 Nghị định 167 năm 2013 của Chính phủ. 

Cụ thể, điều khoản này nêu rõ mức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng; đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;

b) Gây mất trật tự ở rạp hát, rạp chiếu phim, nhà văn hóa, câu lạc bộ, nơi biểu diễn nghệ thuật; nơi tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao, lễ hội, triển lãm, hội chợ; trụ sở cơ quan, tổ chức, khu dân cư, trường học, bệnh viện, nhà ga, bến tàu, bến xe; trên đường phố, ở khu vực cửa khẩu, cảng hoặc ở nơi công cộng khác; 

Vượt quá mức độ vi phạm hành chính, hành vi "gạ tình" có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự. 

Hiện BLHS không quy định tội liên quan đến hành vi quấy rối tình dục. Nhưng khi các chủ thể có hành vi quấy rối tình dục; thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của bộ luật hình sự về các tội như "Tội hiếp dâm", "Tội cưỡng dâm", "Tội làm nhục người khác".