1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Mẹ đứng hình khi bé 9 tuổi hỏi: "Sao chị lớp 5 lại sinh con?"

Hoài Nam

(Dân trí) - Đang ngồi cùng nhóm phụ huynh, chị Nhi hết hồn khi con gái 9 tuổi chạy lại hỏi: "Mẹ ơi, sao chị lớp 5 lại sinh con? Sao chị có thai được?".

Con hỏi, mẹ đưa đáp án giả 

Cuối tuần rồi, chị Nguyễn Phương Nhi, có con gái học lớp 3 ở quận Bình Thạnh, TPHCM cùng nhóm phụ huynh trong lớp đưa các con đến trải nghiệm lớp vẽ tại một trung tâm nghệ thuật. 

Khi chị cùng các phụ huynh ngồi tám chuyện uống nước thì con gái chị ở khu vực vẽ tranh chạy lại, với vẻ rất sửng sốt, hỏi: "Mẹ ơi, sao chị lớp 5 lại sinh con? Kỳ vậy! Sao lớp 5 mà có thai được?". 

Mẹ đứng hình khi bé 9 tuổi hỏi: Sao chị lớp 5 lại sinh con? - 1

Người mẹ đứng hình khi con gái 9 tuổi thắc mắc "vì sao chị lớp 5 lại có bầu?" (Ảnh minh họa).

Hóa ra, con nghe một nhóm phụ huynh phía bên kia đang rôm rả bàn tán sự việc nữ sinh lớp 5, lớp 7 mang bầu gây xôn xao những ngày qua. 

Đầu không kịp "nhảy số" trước thắc mắc của con, sợ con nghĩ "bậy", chị Nhi chống chế bằng lời nói dối: "Không phải chị lớp 5 sinh con, mà chị ấy học lớp 5 rồi mà giờ mẹ chị ấy mới sinh em bé. Thế con có muốn mẹ sinh thêm em bé không?". 

Cháu cãi lại: "Không, cô kia nói là chị lớp 5 sinh em bé cơ" rồi quay đi, miệng vẫn lẩm bẩm bất bình vì ý kiến bị gạt ngang...

Chia sẻ câu chuyện, chị Phương Nhi cho biết, những ngày qua chị lăn tăn mãi về tình huống "con hỏi chuyện tế nhị". Chị thuộc thế hệ các bà mẹ hiện đại, tư tưởng khá cởi mở nhưng rồi vẫn đứng hình và né tránh trước thắc mắc, tò mò của con về "chuyện người lớn".

Chị Nhi nhiều lần định nói chuyện với con về vấn đề mang thai, sinh con nhưng chị không biết phải bắt đầu thế nào. 

Trẻ quan tâm, tò mò các vấn đề giới tính, tình dục là một quá trình tự nhiên. Khi con trẻ thể hiện sự quan tâm chính là cơ hội để phụ huynh tiếp cận, cung cấp thông tin cho con. Nhưng né tránh, đánh lạc hướng hay hứa hẹn "lớn lên sẽ biết", thậm chí phủ đầu, quát mắng là phản ứng của rất nhiều phụ huynh khi con bày tỏ sự quan đến vấn đề tình yêu, tình dục. 

Mẹ đứng hình khi bé 9 tuổi hỏi: Sao chị lớp 5 lại sinh con? - 2

Nhiều trẻ bị cha mẹ chỉ trích vì tò mò về giới tính, tình dục (Ảnh minh họa).

Không ít phụ huynh phản ứng thái quá, cực đoan khi phát hiện con tò mò về vấn đề này, họ quy kết trẻ hư hỏng hoặc bêu rếu con. Như trường hợp vợ một nghệ sĩ nổi tiếng quay, công khai trên mạng xã hội video clip ghi lại cảnh bắt con trai cúi đầu lí nhí xin lỗi vì xem phim sex gây tranh cãi cách đây không lâu. 

Bố mẹ né tránh, con gánh hậu quả

Tại chương trình "Nói gì với trẻ về mang thai và tránh thai" của Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111, PGS.TS Trần Thu Hương chia sẻ, văn hóa Á Đông từ lâu đời đã kiêng kỵ nói về các vấn đề mang thai, tránh thai ở độ tuổi sớm hay các vấn đề liên quan đến tình dục.

Tuy nhiên, theo bà Hương, không chỉ ở phương Đông mà phương Tây, với tư tưởng cởi mở, bố mẹ cũng không dễ dàng nói về vấn đề này với con cái. Ở đâu bố mẹ cũng có sự e ngại, khó khăn trong việc nói về vấn đề tình dục, sinh sản khi con còn nhỏ. 

Bà Hương cho hay, khi bố mẹ ngại ngùng không dẫn dắt, hướng dẫn trẻ, trẻ sẽ tự tìm hiểu trên mạng với vô số nội dung không có giới hạn về độ tuổi có thể sẽ càng kích thích sự tò mò của trẻ.

"Như vậy, chính bố mẹ đã bỏ lỡ cơ hội để trao cho con những kiến thức phù hợp với độ tuổi, vô tình đẩy trẻ dấn sâu vào những tình huống chúng ta không kiểm soát được", PGS.TS Trần Thu Hương bộc bạch. 

Mẹ đứng hình khi bé 9 tuổi hỏi: Sao chị lớp 5 lại sinh con? - 3

Không được cung cấp kiến thức giới tính phù hợp, trẻ vùng vẫy trong biển thông tin không kiểm soát trên mạng (Ảnh minh họa).

Trong quá trình tư vấn, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, nguyên Giám đốc Trung tâm truyền thông Giáo dục sức khỏe TPHCM nhận thấy các câu hỏi về giới tính của trẻ nhỏ ngày càng trực diện, thẳng thừng. Điều này cho thấy có sự thay đổi về nếp nghĩ trong lĩnh vực giáo dục giới tính của giới trẻ trong thế giới phẳng mà người lớn không thể quan tâm. 

Tuy nhiên, phụ huynh đã không theo kịp sự phát triển và tiếp cận của trẻ. Nhiều người bối rối, lo sợ khi con quan tâm hay thắc mắc về chuyện tình dục nên la mắng hoặc quy kết con. Trong khi, muốn giáo dục giới tính tốt cho trẻ, theo bác sĩ Ngọc, đòi hỏi người lớn cần có nhận thức, quan điểm đúng, lành mạnh về tính dục. 

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc nhấn mạnh, trẻ khám phá về tính dục và học hỏi các giá trị về tính dục là một tiến trình tự nhiên để phát triển và trưởng thành. Giáo dục giới tính là giáo dục làm người, không chỉ về vấn đề tình yêu, tình dục. Bố mẹ có thể nói chuyện với con về giới tính theo độ tuổi thông qua sinh hoạt hàng ngày như có một đám cưới, qua hình ảnh một phụ nữ mang thai, sinh con... 

Qua đó giúp trẻ tiếp nhận thông tin, hình thành thái độ, xây dựng lòng tin nhằm trang bị kiến thức, hình thành nhân cách, tạo nên một nền tảng vững chắc cho sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản về sau. 

Mẹ đứng hình khi bé 9 tuổi hỏi: Sao chị lớp 5 lại sinh con? - 4

Sách là phương thức hiệu quả giúp trẻ tiếp cận kiến thức giới tính (Ảnh: H.N).

Trước lo ngại nói chuyện với con đồng nghĩa với việc "vẽ đường cho hươu chạy" của nhiều phụ huynh, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc thông tin, các nghiên cứu chỉ ra, việc được giáo dục về giới tính sớm và hiệu quả giúp trẻ nhận thức rất nhiều về bản thân như sống có trách nhiệm, biết tự bảo vệ mình, không quan hệ tình dục sớm và tự tin hơn... 

Khi bố mẹ gặp khó khăn trong vấn đề nói chuyện giới tính với con, theo các chuyên gia, bố mẹ có thể nhờ đến sách báo, trao đổi với con về việc đọc các cuốn sách về giới tính để tìm hiểu kiến thức.