Mạo danh BHXH để chiếm đoạt tài khoản ngân hàng
(Dân trí) - Các đối tượng lừa đảo làm giả giấy mời của cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH), yêu cầu người dân cập nhật thông tin bảo hiểm y tế để chiếm đoạt tài khoản ngân hàng.
Theo BHXH TPHCM, hiện tội phạm công nghệ cao thực hiện hành vi mạo danh cơ quan BHXH để gọi điện hướng dẫn cập nhật căn cước công dân, cài đặt VssID (ứng dụng BHXH số) để chiếm đoạt tài khoản ngân hàng của người dân.
Hành vi mà các đối tượng lừa đảo thường sử dụng là gọi điện cho người lao động xưng là nhân viên BHXH, cung cấp một số thông tin cá nhân của người lao động để tạo lòng tin, sau đó dẫn chuyện để lừa đảo.
Nếu người lao động tin ngay và hỏi "cách làm như thế nào, xin hướng dẫn cho tôi?" thì đối tượng lừa đảo yêu cầu lấy một điện thoại của người thân để hướng dẫn cách cập nhật, sau đó chiếm đoạt tài khoản ngân hàng và rút hết tiền.
Nếu người lao động vẫn còn do dự thì đối tượng lừa đảo yêu cầu lên cơ quan BHXH để cập nhật. Một lúc sau, đối tượng lừa đảo sẽ điện lại hối thúc lên BHXH để làm thủ tục. Nhiều lần hối thúc như vậy làm cho người lao động tin tưởng và làm theo hướng dẫn để đỡ mất công phải lên cơ quan BHXH.
Để chiếm đoạt tiền từ tài khoản ngân hàng của người dân, đối tượng lừa đảo thường yêu cầu người lao động bấm vào đường link đã được gửi qua zalo, facebook, email... Khi người dân bấm vào sẽ xuất hiện một ứng dụng có giao diện tương tự như ứng dụng VssID của BHXH hoặc ứng dụng của ngân hàng.
Đối tượng lừa đảo yêu cầu đăng nhập vào ứng dụng đó, nhưng thực chất ứng dụng đó là do đối tượng lừa đảo tạo ra để thu thập tên đăng nhập và mật khẩu khi người lao động nhập vào. Ngay lập tức, đối tượng lừa đảo đã chiếm đoạt quyền đăng nhập vào app của ngân hàng và thực hiện chuyển tiền.
Cơ quan BHXH cảnh báo người lao động không thực hiện cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân nào của mình cho người khác khi nghe điện thoại và chia sẻ thông tin này cho người thân, bạn bè để cảnh giác.
Theo BHXH TPHCM, người dân có thể nhận dạng hành vi lừa đảo khi mình không thực hiện nộp hồ sơ thủ tục tại cơ quan Nhà Nước mà có người mạo danh cơ quan Nhà Nước gọi điện để yêu cầu cập nhật thông tin cá nhân.
Bởi thông thường, khi cơ quan Nhà nước có yêu cầu người dân thực hiện kê khai hoặc cập nhật thông tin thì phối hợp với chính quyền địa phương để thông báo hoặc qua các kênh truyền thông chính thống.
Ngoài ra, đối tượng lừa đảo thường thực hiện liên lạc qua mạng xã hội, gửi văn bản, thông báo hoặc gọi điện trực tiếp yêu cầu cài đặt, cập nhật VssID, đăng ký sử dụng thẻ bảo hiểm y tế điện tử tích hợp…
Đối tượng thường mạo danh nhân viên cơ quan BHXH gọi điện thoại để yêu cầu đăng ký cập nhật căn cước công dân, cài VssID, hướng dẫn hồ sơ thủ tục...