1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

"Lương tháng 6,5 triệu đồng có nuôi được 3 người?"

Hoàng Mạnh

(Dân trí) - Nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn Vũ Quang Thọ đặt câu hỏi, công nhân lương 6,5 triệu đồng/tháng, liệu có thể trang trải cuộc sống cho 1-2 người ăn theo?

Lương tháng 6,5 triệu đồng có nuôi được 3 người? - 1

Lao động từ TPHCM về miền Tây trong đợt dịch Covid-19 bùng phát lần 4 (Ảnh: Minh Anh).

Nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam nêu câu hỏi đó tại hội thảo về tiền lương và lao động diễn ra mới đây.

"Lương không thể thấp hơn được nữa"

Ông Vũ Quang Thọ ngân ngấn nước mắt khi nói về những khó khăn của công nhân, người lao động trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 suốt một năm vừa qua.

"Chúng ta xúc động khi nhìn thấy những hình ảnh những đoàn dài xe máy của công nhân, người lao động cố rời các đô thị, khu vực điểm nóng Covid-19 để về quê hoặc chạy qua khu vực khác để tìm việc làm. Trên chiếc xe máy của họ có gì? Phía trước là bao tải quần áo, phía sau là vợ con, gia đình", ông Vũ Quang Thọ nhắc lại.

Lương tháng 6,5 triệu đồng có nuôi được 3 người? - 2

Ông Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) (Ảnh: H.Q).

Rất nhiều câu chuyện được ghi nhận, người lao động phải vất vả, vật lộn chạy xe máy từ TPHCM ra tận Móng Cái (Quảng Ninh) để tìm được một chỗ có công ăn việc làm, để mưu sinh, nuôi sống bản thân và gia đình.

Bày tỏ quan điểm về tiền lương tối thiểu, ông Vũ Quang Thọ cho rằng, trước hết, lương tối thiểu cần đáp ứng tiêu chí đảm bảo nhu cầu cơ bản về của người lao động ăn mặc, đi lại, tích lũy và nuôi con.

Tăng lương chính là đầu tư sinh lời cho doanh nghiệp

Nhận xét kết quả khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam cho thấy nhiều gia đình công nhân có thể rơi vào cảnh túng quẫn nếu không tăng ca, làm thêm giờ, nguyên Viện trưởng thẳng thắn: "Chúng ta cứ tự đặt vào hoàn cảnh mức lương hàng tháng chỉ 6,5 triệu đồng, liệu có thể lo cho 1-2 người ăn theo, trang trải cuộc sống gia đình được không?".

Trong tình cảnh trên, ông Thọ cảnh báo, đời sống của công nhân đã đến "đáy" và "không thể thấp hơn nữa".

"Có thể thấy, thị trường lao động ở quốc gia khác, càng khó khăn do Covid-19 thì doanh nghiệp càng thuê lao động và giá nhân công lên cao. Thực tế ở Việt Nam thì giá nhân công vẫn chỉ dừng ở mức 5,5-6,5 triệu đồng/người/tháng", ông Vũ Quang Thọ nói.

Chính vì những khó khăn trong mưu sinh của số đông người lao động, ông Vũ Quang Thọ cho rằng, việc đề nghị tăng lương tối thiểu trong lúc này là lương tâm, trách nhiệm của toàn xã hội.

Nguyên Viện trưởng cho rằng cần đánh giá đúng vai trò của người lao động trong chuỗi tạo ra giá trị lợi nhuận: "Mặc dù doanh nghiệp cho rằng thiếu kinh phí và cần nguồn lực,  cần thuê lao động nhưng sao không thể thu hút được?".

Ông Thọ đánh giá, thị trường lao động Việt Nam vẫn còn là thị trường sinh lời nên đề xuất tăng 6% lương tối thiểu vùng trong năm 2022 "không phải mức cao".

Doanh nghiệp đang "neo" lương để... chờ

Cũng tại hội thảo, chia sẻ một hướng tiếp cận khác, ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật, Tổng LĐLĐ Việt Nam nhận định, khó khăn đời sống của công nhân có thể khiến tình trạng ngừng việc tập thể gia tăng.

Lương tháng 6,5 triệu đồng có nuôi được 3 người? - 3

Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật, Tổng LĐLĐ Việt Nam (Ảnh: H.Q).

Theo đó, ngay trong ngày 26/4 nổ ra cuộc đình công của công nhân tại một doanh nghiệp ở Nam Định vì lý do người lao động yêu cầu tăng lương nhưng không được đáp ứng. Hơn 400 lao động sau đó đã viết đơn nghỉ việc. 

Ông Lê Đình Quảng nhận xét, thực tế có nhiều doanh nghiệp đã chủ động điều chỉnh tăng tiền lương và chế độ đãi ngộ cho lao động. Nhưng vẫn còn không ít doanh nghiệp có điều kiện nhưng vẫn "ì", ngồi chờ quyết định điều chỉnh lương tối thiểu của Chính phủ để làm căn cứ thương lượng. 

Chính vì vậy, Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật cho rằng, sớm điều chỉnh lương tối thiểu ngay từ 1/7 năm nay là cần thiết trong bối cảnh này. 

Cũng liên quan tới đề xuất tăng lương tối thiểu sớm 6 tháng so với thông lệ, bà Phạm Thu Lan - Phó viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn khuyến nghị các hiệp hội rút lại đề xuất hoãn tăng lương tối thiểu tới đầu năm 2023.

Lương tháng 6,5 triệu đồng có nuôi được 3 người? - 4

Bà Phạm Thu Lan, Phó viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn (Ảnh: H.Q).

Trước đó, 8 hiệp hội đã có kiến nghị tới Chính phủ về việc hoãn tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7/2022 như đề xuất sau phiên đàm phán lương tối thiểu vùng do Hội đồng tiền lương Quốc gia tổ chức hôm 12/4.

Dẫn chứng thực trạng hết sức khó khăn của người lao động từ khảo sát vừa được công bố tháng 4 của Viện Công nhân và Công đoàn, bà Phạm Thu Lan thông tin, với trên 2.000 công nhân được hỏi, kết quả cho thấy, gần 56% người lao động cho biết tiền lương và thu nhập chỉ vừa đủ trang trải chi phí cơ bản cuộc sống, gần 53% cho biết thu nhập hiện tại ảnh hưởng đến quyết định sinh con. 

Đồng thời, hơn 17% người lao động có con dưới 18 tuổi cho biết hiện tại con không thể ở cùng cha mẹ vì không đủ tiền gửi trẻ, 3% số lao động được khảo sát chưa bao giờ mua sữa cho con uống. 

Mức lương người lao động nhận được không đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu. Chính vì vậy, công nhân hầu hết phải chấp nhận làm thêm giờ nhiều để bù đắp chi tiêu trong tháng. 

"Tiền lương cơ bản trung bình tháng khi làm đủ giờ công, ngày công là 5,792 triệu đồng. Trên 44% người lao động xác nhận có làm thêm giờ để bù đắp thu nhập…", bà Phạm Thu Lan nói.

Lương tối thiểu của Việt Nam hiện thấp hơn Lào

Chia sẻ hội thảo, ông Vũ Quang Thọ thông tin, lương tối thiểu của Việt Nam hiện thấp hơn lương tối thiểu của Lào.

Còn so sánh với mức lương tối thiểu tại Singapore, lương tối thiểu của Việt Nam kém gần... 5 lần.

"Lương của Singapore hiện đã hơn 1.000 USD/tháng trong khi tại Việt Nam mới chỉ hơn 200 USD/tháng. Phải giải quyết bằng được vấn đề lương để ngăn chặn tình trạng "chảy máu chất xám", ông Vũ Quang Thọ khuyến nghị.