Lối về của những người từng lầm lỡ

Công Bính

(Dân trí) - Công tác tái hòa nhập cộng đồng của những người một thời lầm lỡ luôn nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tỉnh Quảng Nam.

Ông Nguyễn Văn Thủ (tổ dân phố 1, thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn) đã ngoài 60 tuổi, dù gương mặt không giấu nổi những nếp nhăn của thời gian nhưng trông ông còn khỏe mạnh, nhã nhặn khi tiếp chúng tôi trong căn nhà đơn sơ, nhưng gọn gàng.

Nhìn cuộc sống hiện tại của gia đình ông, ít ai biết rằng, ông đã từng có nhiều năm sống lặng lẽ trong tù.

Lối về của những người từng lầm lỡ - 1

Những người chấp hành án phạt tù trở về địa phương được tư vấn vay vốn làm ăn, ổn định cuộc sống (Ảnh: Trọng Ý).

Nhờ cải tạo tốt, ông đã được Chủ tịch nước đặc xá tha tù trước thời hạn. Khi trở về địa phương, với sự động viên của người thân, cán bộ công an ở địa phương và bà con lối xóm, cùng với chính sách đặc biệt giúp đỡ những người lầm lỗi, ông quyết tâm xây dựng cuộc sống mới.

Trở về với cuộc sống đời thường khi tuổi đã lớn, ông cảm nhận được sự cảm thông, chia sẻ của các cấp chính quyền cũng như các tổ chức đoàn thể ở địa phương và mọi người xung quanh. Chính vì lẽ đó, ông đã chọn cho mình cuộc sống bình dị với mảnh vườn nhỏ, nhưng có thể cho ông nguồn thu nhập ổn định, bảo đảm cuộc sống.

Anh Nguyễn Văn Trung (tổ dân phố 3, thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn) cũng là một người từng có quá khứ lầm lỗi và phải trả giá cho lỗi lầm của mình với 15 tháng tù.

Cũng như bao người khác, khi được mãn hạn tù trở về địa phương, anh Trung cũng có một quãng thời gian mặc cảm với bà con lối xóm.

Nhờ sự động viên kịp thời của công an địa phương và các hội đoàn thể, anh đã quyết tâm thay đổi cuộc sống, chọn cho mình một thái độ sống tích cực bằng công việc mỗi ngày.

Tuy công việc của anh đang làm có phần vất vả, nhưng đó là niềm vui, là nguồn thu nhập chính đáng từ những giọt mồ hôi, công sức của mình và quan trọng hơn là có thể nuôi sống gia đình.

Dù làm việc dưới cái nắng hè oi bức nhưng anh vẫn luôn giữ thái độ nghiêm túc, tận tụy với công việc. Với anh Trung, đó vẫn là niềm vui, giúp anh quyết tâm xây dựng cuộc sống mới, tươi sáng hơn. 

Cuộc sống ổn định hiện tại của những người như ông Thụ, anh Trung không chỉ là niềm vui riêng của mỗi người mà còn là niềm vui của cả chính quyền địa phương, lực lượng công an và của những người đã giúp đỡ họ trên hành trình tìm lại chính mình.

Thượng tá Nguyễn Quốc Tuấn - Trưởng Công an huyện Phước Sơn - cho hay, công tác tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn huyện Phước Sơn còn gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng chính quyền và cả cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn huyện đã thật sự xóa bỏ sự kì thị, phân biệt, giúp người chấp hành xong án phạt tù tự tin hòa nhập với cộng đồng, hạn chế tối đa việc tái phạm.

Cùng với đó là sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời về cả vật chất, tinh thần, đặc biệt là tạo điều kiện về việc làm, vốn vay đã giúp họ vững vàng trên con đường tìm lại chính mình, trở thành những người có ích cho xã hội.

Huyện Phước Sơn vừa tổ chức gặp mặt, đối thoại với hơn 70 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương.

Thời gian qua, huyện Phước Sơn tiếp nhận và quản lý 95 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, hầu hết là lao động tự do, không có việc làm ổn định nên gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Lối về của những người từng lầm lỡ - 2

Các tổ chức, đoàn thể và cá nhân hỗ trợ vốn để các đối tượng trở về địa phương phát triển kinh tế (Ảnh: Trọng Ý).

Địa phương đã làm thủ tục đăng ký cư trú, cấp đổi, cấp mới căn cước công dân cho 53 người, cấp lý lịch tư pháp cho 15 người, tư vấn, trợ giúp pháp lý cho 80 người, giới thiệu việc làm cho 18 trường hợp và giải quyết 1 trường hợp vay vốn phát triển kinh tế.

Đồng thời, xây dựng được 4 mô hình tái hòa nhập cộng đồng "mô hình 5+1"  tại các xã Phước Mỹ, Phước Đức và thị trấn Khâm Đức.

Nhờ đó, đã có những tấm gương hoàn lương, hòa nhập cuộc sống, chấp hành tốt các quy định của pháp luật và nỗ lực phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo.