Lời từ chối bệnh nhân khi "nhận vào cũng chết" và cú bẻ lái của nữ Giám đốc
(Dân trí) - Lúc cao điểm, các bệnh viện chuyên khoa từ chối tiếp nhận sản phụ nhiễm Covid-19 vì "nhận vào cũng chết" buộc các y bác sĩ, lãnh đạo bệnh viện sản phải nghĩ khác đi, làm khác đi...
Câu chuyện ám ảnh và sống động về tầm quan trọng của việc "nghĩ khác đi" được Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc bệnh viện Hùng Vương kể lại tại diễn đàn "Lãnh đạo với tư duy phát triển: Niềm tin tạo bứt phá". Diễn đàn do Hội Nữ doanh nhân TPHCM (HAWEE) tổ chức.
"Trước đau thương, chúng tôi chọn học cách nghĩ khác đi"
Câu chuyện của nữ Giám đốc bệnh viện sản khiến người nghe nghẹn ngào khi tái hiện lại những ngày tháng đau thương nhất khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại TPHCM.
Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết nêu con số so sánh, tại các bệnh viện sản lớn, mỗi năm 1 - 2 ca sản phụ tử vong đã là điều rất kinh khủng. Vậy mà khi đó, khu điều trị bệnh nhân Covid-19 ở bệnh viện của bà, mỗi ngày có tới 300 bệnh nhân, cứ mỗi tuần lại có thêm trường hợp tử vong.
"Sản phụ nhiễm Covid-19 bị tổn thương phổi rất nặng, nhiều người không qua khỏi. Họ đến với chúng tôi rồi chết trong vòng tay chúng tôi, các bác sĩ, nhân viên đều bị sốc", bác sĩ Diễm Tuyết chùng giọng.
Theo quy trình, sau khi sinh, người mẹ nhiễm Covid-19 sẽ được chuyển qua bệnh viện chuyên khoa phổi để điều trị. Thời điểm đó, họ liên lạc khắp nơi, vận dụng tất cả mối quan hệ để có thể chuyển viện nhưng đều bị từ chối vì quá tải, sang Chợ Rẫy không được, bệnh viện Nhiệt đới không được, 115 cũng không...
"Tôi nhớ mãi, đó là sáng sớm một ngày Chủ nhật, tôi nhận được cuộc gọi từ bệnh viện báo có trường hợp sản phụ nguy kịch cần chuyển đi ngay, nếu không sẽ chết. Tôi gọi cho tất cả Giám đốc các bệnh viện có khoa hô hấp nhưng không một nơi nào nhận. Họ nói, giờ nhận bệnh nhân đến thì bệnh nhân cũng chết vì quá tải, không có máy thở, không có phương tiện", nữ bác sĩ kể lại.
Sau sự việc đau lòng đó, bác sĩ Diễm Tuyết trăn trở, nếu cứ theo quy trình cũ là chờ chuyển viện cho sản phụ nhiễm Covid thì chẳng khác nào đang đưa bệnh nhân vào chỗ chết. "Giờ có thêm một con đường là bệnh viện mình tự học, tự trang bị phương tiện chuyên điều trị hô hấp để điều trị tại chỗ thì may ra còn có thể cứu người. Một thực tế khốc liệt phải đối mặt là "cứu được người nào hay người đó" - lãnh đạo bệnh viện Hùng Vương kể
Theo bác sĩ Diễm Tuyết, sau khi họp cán bộ, lãnh đạo các khoa, bệnh viện đi đến quyết định chọn con đường thứ hai, tổ chức cho y bác sĩ sản khoa học về hô hấp... Bà Tuyết nhớ lại: "Lúc đó chỉ có thể học online, chúng tôi mời thầy, đội ngũ nhân viên tận dụng thời gian nghỉ trưa hiếm hoi để học, dạy học trên từng bệnh nhân, từng ca bệnh, vừa học vừa cứu người".
Một vấn đề khó khăn khác, cả bệnh viện sản hơn 900 giường bệnh, hơn 1.400 nhân viên nhưng chỉ có một máy thở. Bệnh nhân Covid-19 thì khoảng 300 ca mỗi ngày, hàng chục ca nặng, nếu không có máy thở đồng nghĩa với chết. Trong khi đó, một bệnh viện công dù hoàn toàn tự chủ tài chính, dù sẵn tiền cũng không thể mua sắm thiết bị trong thời gian gấp gáp.
Không thể chờ, bác sĩ Tuyết cho biết, bệnh viện giải quyết ngay bằng cách vận động các mạnh thường quân, các nguồn hỗ trợ với mục tiêu cao nhất lúc đó là cứu sản phụ.
Nhờ tư "duy dám nghĩ khác, làm khác cách thông thường" mà sang tháng 8/2021, bệnh viện đã tự tin điều trị cho sản phụ nhiễm Covid-19, tỷ lệ tử vong giảm mạnh.
Rất nhiều vấn đề trong quản trị, điều hành, xây dựng cơ sở vật chất tại bệnh viện, theo bác sĩ Diễm Tuyết, cần có tư duy dám đối diện với khó khăn, dám làm, dám đi một lối đi khác với lối thông thường.
Phụ nữ dám nghĩ khác, làm khác
3 năm qua, đã có quá nhiều đổi thay xảy ra trên toàn cầu và trong mọi lĩnh vực của đời sống, đặt mỗi người vào những áp lực, thách thức mới. Theo đó, các lãnh đạo doanh nghiệp càng cần chuẩn bị tinh thần mới, tâm thế mới để thích ứng và phát triển.
Trước ý kiến, phụ nữ dù trong cuộc sống hay công việc thường có xu hướng "đóng mình trong cái hộp", bà Tiêu Yến Trinh, Phó Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân TPHCM phân tích, trong mỗi con người bao giờ cũng có cả hai mặt đối lập, vừa có tư duy cầu tiến, vừa có tư duy cố định.
Có phụ nữ vừa là người luôn thích trổ tài với hàng trăm công thức nấu ăn mới nhưng lại nói không với sự thay đổi trong phong cách ăn mặc của mình. Có người đàn ông có thể miệt mài cải tiến dịch vụ, sản phẩm của mình mỗi năm nhưng cũng lại "cố thủ" với những cách tiếp thị truyền thống.
Là nam hay nữ, phần nào đó đều luôn có sức ì nhất định trước thay đổi. Sức ì này không thuộc về riêng ai hay một phái cố định nào.
Tuy nhiên, theo bà Yến Trinh, có thể một doanh nhân nữ thường chịu nhiều sự chi phối trong thiên hướng an toàn, ổn định khiến họ tiêu tốn nhiều thời gian khi đưa ra lựa chọn.
Theo đó, trang bị cách tiếp cận tư duy mới giúp các lãnh đạo doanh nghiệp, đặc biệt là lãnh đạo nữ can trường hơn trước thay đổi, quyết liệt hơn để bứt phá là hết sức cần thiết, ý nghĩa. Thay đổi, trước là cho mình, sau là cho chính mô hình quản trị và đội ngũ nhân lực của mình.
Bà Susan Mackie, đồng sáng lập The Growth Mindset Institute (Úc) bày tỏ, bản chất mỗi người luôn có sự pha trộn giữa bảo thủ và cầu tiến. Với một tư duy bảo thủ, con người tự giới hạn bản thân với cách nghĩ "mình không làm được", "mình không thông minh", "không thể thay đổi"...
Vị diễn giả nhấn mạnh, tư duy cầu tiến có thể phát triển khi con người dám đối diện với thử thách, khó khăn cùng tinh thần sẵn sàng học hỏi, từ đó dẫn đến thay đổi hệ thống niềm tin vào bản thân.
Bà đưa ra ví dụ, một người mẹ khi con bị điểm kém, thay vì la mắng con như thông thường hãy thử thay đổi chỉ bằng một câu hỏi "Mẹ có thể hỗ trợ con như thế nào?". Tư duy cởi mở sẽ góp phần đưa đến các giải pháp tích cực và những mối quan hệ lành mạnh.