Loạt doanh nghiệp ở Cà Mau chậm đóng gần 100 tỷ đồng bảo hiểm
(Dân trí) - Theo Bảo hiểm xã hội tỉnh Cà Mau, còn nhiều công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chậm đóng các loại bảo hiểm cho người lao động với số tiền gần 100 tỷ đồng.
Ngày 28/11, theo nguồn tin của phóng viên Dân trí, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Cà Mau đã có thống kê cho thấy, tính đến 30/9, có ít nhất 36 công ty, doanh nghiệp (ngoài nhà nước) chậm đóng bảo hiểm cho người lao động với số tiền gần 100 tỷ đồng.
Trong đó có 3 đơn vị chậm đóng trên 10 tỷ đồng gồm: Công ty Cổ phần kinh doanh chế biến thủy sản và xuất nhập khẩu Quốc Việt (41,3 tỷ đồng, 70 tháng); Công ty cổ phần chế biến và xuất nhập khẩu thủy sản Cadovimex (26,7 tỷ đồng, 124 tháng); Công ty cổ phần Camimex (13,4 tỷ đồng, 11 tháng).
Có 3 đơn vị chậm đóng từ 1 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng gồm: Công ty cổ phần cảng Năm Căn (4,1 tỷ đồng, 113 tháng); Công ty TNHH xây dựng Quang Tiền (3,9 tỷ đồng, 26 tháng); Công ty TNHH may mặc xuất nhập khẩu Gia Bảo (1,3 tỷ đồng, 32 tháng).
Các công ty, doanh nghiệp còn lại chậm đóng từ 70 triệu đồng đến dưới một tỷ đồng.
Còn khối đơn vị hành chính sự nghiệp, Đảng, đoàn thể và ngoài công lập tự chủ về tài chính có 10 đơn vị chậm đóng bảo hiểm hơn 1,7 tỷ đồng.
Theo BHXH tỉnh Cà Mau, thời gian qua, cơ quan này thường xuyên đôn đốc gửi thông báo kết quả đóng các loại bảo hiểm hằng tháng cho các đơn vị.
Đối với đơn vị chậm đóng từ 1 đến dưới 3 tháng liên tục, BHXH tỉnh gửi thông báo đôn đốc 10 ngày một lần; đồng thời, cử tổ công tác trực tiếp làm việc, nếu chưa chấp hành nộp sẽ tiến hành lập biên bản hành vi vi phạm.
"Sau 2 lần gửi văn bản đôn đốc nhưng đơn vị không đóng tiền, BHXH tỉnh ra quyết định thanh tra chuyên ngành đột xuất và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định", theo BHXH tỉnh Cà Mau.
Nêu khó khăn, BHXH tỉnh Cà Mau cho biết một số doanh nghiệp còn cố tình trốn đóng, lách luật thuê người lao động làm việc nhưng ký hợp đồng vụ việc, có trả lương hằng tháng, có trong danh sách dữ liệu thuế thu nhập cá nhân nhưng không đóng bảo hiểm theo quy định.
"Khi cơ quan BHXH cử tổ công tác đến làm việc, có đơn vị không tiếp hoặc cử người làm việc không phải là đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, không có thẩm quyền giải quyết", BHXH tỉnh Cà Mau nêu thực trạng.
Bên cạnh đó, BHXH chỉ có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trốn đóng, chậm đóng nhưng không có thẩm quyền xử lý vi phạm trong lĩnh vực hợp đồng lao động (như có nhiều doanh nghiệp trả lương trong bảng lương hàng tháng nhưng không ký hợp đồng). Việc này dẫn đến khó khăn trong công tác giải quyết chế độ cho người lao động.
Trước tình hình nêu trên, BHXH tỉnh Cà Mau đề xuất cấp thẩm quyền chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan, đơn vị sử dụng lao động không để chậm đóng bảo hiểm của người lao động trên địa bàn.
Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ phối hợp với ngành LĐ-TB&XH, BHXH tổ chức kiểm tra các doanh nghiệp có hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm; đồng thời, tiếp nhận hồ sơ và xử lý nghiêm tội trốn đóng bảo hiểm cho người lao động theo Bộ Luật hình sự.
BHXH tỉnh Cà Mau cũng đề nghị Sở LĐ-TB&XH tham mưu UBND tỉnh này kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH trình Chính phủ có phương án khoanh nợ quỹ bảo hiểm và không tính lãi đối với doanh nghiệp đã phá sản, giải thể, mất tích, ngưng hoạt động nhiều năm liền không còn khả năng thanh toán.
Cơ quan tòa án, thi hành án khi xử lý các doanh nghiệp bán thanh lý tài sản phải ưu tiên thanh toán tiền chậm đóng bảo hiểm của người lao động theo quy định.