TPHCM:

Loa kẹo kéo "tra tấn" khu trọ, nam công nhân... muốn phát điên

Hờ Linh

(Dân trí) - Anh Lê Anh Tuấn (30 tuổi, ngụ quận 12, TPHCM) phải trả phòng, chuyển đến nơi ở khác vì liên tục bị loa kẹo kéo trong khu trọ "tra tấn".

Cuộc sống đảo lộn

Chị T. trú tại khu nhà trọ trên địa bàn phường An Phú Đông, quận 12, cho hay khu trọ nơi chị ở gần 100 phòng, đa số là công nhân lao động. Từ Tết đến nay, ngày nào khu trọ cũng có phòng mở nhạc, hát karaoke và tần suất ngày một nhiều.

Trước tình cảnh trên, không chỉ chị T. mà rất nhiều người ở trọ đều bức xúc. Đặc biệt những gia đình có con nhỏ, người lớn tuổi đã nhiều lần góp ý nhưng vẫn không giảm bớt mà còn xảy ra mâu thuẫn.

Chị T. cho hay, mặc dù đã đi làm hơn hai tuần nay nhưng nhiều công nhân vẫn còn dư âm của Tết và ăn nhậu liên tục. Có những lúc, cả khu trọ cả chục phòng đều thi nhau hát karaoke với công suất lớn, cả khu trọ ồn ào như một vũ trường.

"Đi làm về mệt nhọc, muốn nghỉ ngơi cũng không được, muốn gọi điện thoại về quê nói chuyện với gia đình cũng không xong vì có gọi thì cũng chỉ nghe tiếng hát karaoke bằng loa kẹo kéo", chị T. bức xúc.

khu-tro_Xuan-Truong

Một khu trọ ở quận 12, TPHCM thường xuyên bị loa kẹo kéo tra tấn (Ảnh: Phong Nha).

Tương tự, anh Lê Anh Tuấn (30 tuổi), cho hay anh vừa phải chuyển phòng trọ vì thường xuyên bị loa kẹo kéo "tra tấn" từ chiều đến đêm khuya.

"Thỉnh thoảng tổ chức nhậu một bữa thì mọi người có thể thông cảm, nhưng cả tuần tối nào cũng nhậu rồi "từ tình cha ấm áp, con gánh mẹ, đến đắp mộ cuộc tình…". Hát như đấm vào tai khiến thần kinh tôi rất căng thẳng, đầu óc muốn nổ tung và phát điên", anh Tuấn bức xúc.

Cũng theo anh Tuấn, vì không chịu nổi, những người trong xóm trọ phản ánh thì xảy ra mâu thuẫn dẫn đến xô xát.

Không chỉ khu trọ của chị T., anh Tuấn mà sau Tết, nhiều khu nhà trọ tại TPHCM cũng xuất hiện tình trạng tổ chức ăn nhậu và hát karaoke bằng loa kẹo kéo.

Bà Nguyễn Thị Bốn, chủ khu trọ ở phường An Phú Đông, quận 12, cho rằng các khu nhà trọ chật hẹp, đông người mà người ở trọ tổ chức nhậu và hát karaoke bằng loa kẹo kéo thì cả khu trọ không ai chịu nổi.

Để không xảy ra tình trạng này, chủ nhà trọ phải có nội quy quy định nghiêm khắc ngay từ đầu để người thuê biết và chấp hành.

Bên cạnh đưa vào nội quy cấm hát karaoke bằng loa kẹo kéo tại khu trọ thì mỗi chủ trọ cũng phải xây dựng khu nhà trọ văn minh, xanh, sạch, đẹp.

Gần 6.000 trường hợp "tra tấn" hàng xóm bằng loa

Ông Trần Nguyên Hiền, Trưởng Phòng Quản lý chất thải rắn (Sở TN&MT TPHCM), cho biết năm 2023, các địa phương trên địa bàn thành phố ghi nhận hơn 5.900 trường hợp vi phạm tiếng ồn, trong đó xử phạt 45 trường hợp, còn lại hầu hết là nhắc nhở.

"Để quản lý tình trạng ảnh hưởng tiếng ồn, đảm bảo chất lượng sống của người dân trước và sau Tết Nguyên đán, Sở TN&MT phối hợp với UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức thực hiện nghiêm việc xử lý vấn nạn tiếng ồn…", ông Hiền cho biết.

Loa kẹo kéo tra tấn khu trọ, nam công nhân... muốn phát điên - 2

Mở loa làm ồn ào trong khoảng thời gian từ 22h hôm trước đến 6h ngày hôm sau thì bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng (Ảnh minh họa).

Trao đổi về nội dung này, luật sư Nguyễn Văn Ân (Đoàn luật sư TPHCM) cho rằng, trước hết phải khẳng định rằng hát karaoke là một quyền, nhu cầu chính đáng của người dân.

Tuy nhiên, để thỏa mãn nhu cầu này thì người dân cũng cần lưu ý tuân theo quy định của pháp luật, tránh làm ảnh hưởng đến những người khác.

Cụ thể, hành vi gây tiếng ồn vượt mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại khoản 4 Điều 6 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Theo đó giới hạn tối đa cho phép đối với tiếng ồn tại khu dân cư là 70 dBA trong thời gian từ 6h đến 21h và 55 dBA trong thời gian từ 21h đến 6h (Thông tư 39/2010/TT-BTNMT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường).

Do đó, để có cơ sở xử lý những trường hợp vi phạm thì các cơ quan có thẩm quyền phải tiến hành giám định, kiểm định để có thể xác định tiếng ồn do hát karaoke có vượt quá giới hạn cho phép hay không?

Tùy thuộc vào mức độ gây tiếng ồn (vượt quy chuẩn) thì cá nhân gây tiếng ồn có thể bị xử phạt hành chính Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 160 triệu đồng theo quy định tại Điều 22 Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, nếu việc mở loa gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư trong khoảng thời gian từ 22h hôm trước đến 6h ngày hôm sau thì có thể bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng theo Điều 8 Nghị định 144/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực an ninh trật tự.

"Dù đã có những quy định của pháp luật về vấn đề ô nhiễm tiếng ồn nhưng chế tài chưa đủ mạnh, sự quan tâm xử lý của chính quyền địa phương chưa quyết liệt, việc kiểm tra, nhắc nhở chưa thực hiện thường xuyên, thậm chí có nơi phản ánh nhưng không được giải quyết.

Do đó trên hết cần nâng cao ý thức người dân thông qua việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cần có sự chung tay của cả hệ thống, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cấp cơ sở.

Bên cạnh đó, cơ quan có thẩm quyền cũng cần kiên quyết xử lý các trường hợp cố tình vi phạm nhiều lần để răn đe đối với những người khác", luật sư Ân nêu quan điểm.