Lao động Việt vẽ cờ tổ quốc trên chòi lá ở Nhật, "đu trend" mừng Quốc khánh
(Dân trí) - "Dù đi làm ở nước ngoài, trái tim tôi luôn hướng về Việt Nam, quê hương, tổ quốc của mình", anh Lâm, lao động Việt tại Nhật, nói.
Sau ca làm hơn 8 tiếng tại nhà máy ở tỉnh Aichi (Nhật Bản), anh Lê Văn Lâm (30 tuổi, quê tại tỉnh Bình Dương) và anh Nghĩa lật đật trở về nhà trong tiết trời lạnh buốt.
Dù chưa thôi mệt mỏi vì công việc vất vả, cả hai vẫn quyết tâm trèo lên mái chòi lá, đu "trend" (xu hướng) ý nghĩa nhiều ngày qua - vẽ cờ Việt Nam trên mái nhà để mừng lễ Quốc khánh 2/9.
Anh Lâm cho biết vài tháng trước, anh đã có ý tưởng và đặt mua một lá cờ Việt Nam cỡ lớn để khoác lên mái chòi lá của mình. Những ngày gần đây, anh tình cờ xem được trend vẽ hình lá cờ lên mái tôn để hưởng ứng ngày lễ Quốc khánh 2/9 nên quyết định thực hiện ý tưởng này.
"Vì mái chòi của chúng tôi được lợp bằng lá nên cả hai phải đi mua mái tôn để vẽ lên. May mắn, trong lúc chúng tôi đang chuẩn bị thì một đồng nghiệp ngỏ ý sẽ tặng mái tôn cho cả hai", anh Lâm nói.
Ở Nhật đang là mùa hè nên thời tiết giữa trưa có thể lên đến 39 độ C. Vì thế, hai lao động Việt thường tranh thủ thời gian sau khi tan làm để lợp mái tôn, tới 23h mới nghỉ ngơi. Đến công đoạn sơn, vì muốn nước sơn nhanh khô nên anh Lâm và anh Nghĩa đã tranh thủ buổi trưa thực hiện.
"Mỗi một nét vẽ, một lần đi nước sơn, chúng tôi đều cảm thấy rất xúc động và tự hào, đặc biệt là lúc lá cờ tổ quốc dần được vẽ xong. Tuy mọi thứ chưa hoàn hảo nhưng bản thân vẫn thấy vui bởi kỷ niệm đáng nhớ này", anh Lâm chia sẻ.
Nam lao động Việt bộc bạch cả hai đang làm công nhân chuyên lắp ráp bản mạch và hoàn thành tủ điện tại một công ty điện ở Nhật Bản. Anh Lâm sinh sống và làm việc tại Nhật 5 năm qua, còn anh Nghĩa thì được 7 năm.
"Là một người con xa xứ, việc nhớ nhà là điều đương nhiên. Chúng tôi rất nhớ bữa cơm mẹ nấu, những lần sum vầy cùng gia đình, nhớ những cảnh vật, con người ở quê hương mình. Chúng tôi rất tự hào vì bản thân là người Việt. Dù đi đâu, làm gì, chúng tôi vẫn luôn hướng về nơi sinh mình ra và nuôi dưỡng thành người có ích cho xã hội, quê hương", anh Lâm trải lòng.