1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Lao động trẻ tuổi ngày càng cảm thấy bất hạnh và cô đơn

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Theo quan điểm của bác sĩ tâm thần Lim Boon Leng (bệnh viện tư nhân Gleneagles), ngày càng có nhiều người trẻ ở Singapore, rơi vào chứng trầm cảm.

Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Singapore, thủ tướng Lý Hiển Long từng nói rằng: "Tôi rất ghen tị với những người trẻ tuổi. Thế hệ của họ có chất lượng cuộc sống tốt hơn so với thế hệ của tôi. Tôi ước mình có thể sinh ra muộn hơn".

Lao động trẻ tuổi ngày càng cảm thấy bất hạnh và cô đơn - 1

Cuộc sống bận rộn, chạy đua thành tích đã khiến lao động trẻ ở Singapore ngày càng áp lực (Ảnh minh họa: TODAY).

Tuy nhiên, theo báo cáo Hạnh phúc toàn cầu năm 2024, giới trẻ dưới 30 tuổi ở Singapore lại kém hạnh phúc hơn những người trên 60 tuổi.

"Khi tiếp xúc với những người trẻ tuổi, tôi nhận thấy họ thường mệt mỏi và chán nản. Điều khiến tôi lo lắng nhất là những lời phàn nàn về việc thiếu khả năng tự định hướng và cảm giác vô nghĩa trong cuộc sống của họ", ông Lim nhận định.

Theo một cuộc khảo sát do Trường Y Duke-NUS và Viện Sức khỏe Tâm thần (IMH) thực hiện vào năm 2022, 12% thanh niên ở nước này có các triệu chứng trầm cảm và có khoảng 13% thanh niên có các triệu chứng lo âu. Đáng chú ý, 16,2% người trẻ cho biết họ có các triệu chứng phù hợp với ít nhất một trong những tình trạng này.

Khảo sát Sức khỏe Dân số Quốc gia năm 2022 cho thấy 25,3% người trưởng thành trong độ tuổi từ 18 đến 29 có tỷ lệ sức khỏe tâm thần kém. Từ năm 2017 đến năm 2021, tỷ lệ trẻ em và thanh thiếu niên được kê đơn thuốc chống trầm cảm đã tăng từ 3,4% lên 4,1%.

Theo ông Lim, giới trẻ ngày nay phải đối mặt với cuộc sống có nhiều vấn đề rất khác so với thế hệ trước. Tốc độ tiến bộ công nghệ nhanh chóng, sự phủ sóng của phương tiện truyền thông xã hội và sự toàn cầu hóa đã khiến sự căng thẳng ngày càng tăng cao. Những công cụ này, mặc dù được thiết kế để kết nối con người, nhưng thực tế lại nuôi dưỡng cảm giác cô lập và thiếu thốn.

Lao động trẻ tuổi ngày càng cảm thấy bất hạnh và cô đơn - 2

Công nghệ phát triển cũng là "con dao hai lưỡi" đối với người trẻ (Ảnh minh họa: PeopleImages).

Ví dụ, mạng xã hội có thể bóp méo hiện thực, đặt ra những tiêu chuẩn không thực tế cho thành công và hạnh phúc cá nhân. Việc thường xuyên tiếp xúc với những "hình mẫu cuộc sống lý tưởng" có thể dẫn đến cảm giác thiếu thốn, lo lắng và trầm cảm ở người trẻ.

"Nhiều người trẻ than thở rằng thay vì gặp gỡ và kết nối trực tiếp, hầu hết các tương tác giờ đây đều diễn ra trong các nhóm chat. Họ khó tìm được thời gian và cơ hội để gặp gỡ những người mới và gặp khó khăn trong việc tìm kiếm những mối quan hệ chất lượng", ông Lim chia sẻ.

Không những vậy, cuộc chạy đua không ngừng nghỉ về "thành tích" đã khiến người trẻ kiệt quệ cả về mặt tâm lý và cảm xúc. Ngay cả đối với những người có thành tích học tập cao, lời hứa về một tương lai trọn vẹn và an toàn vẫn còn là vấn đề đáng nghi ngờ khi chi phí sinh hoạt ngày càng tăng.

Là một quốc gia phụ thuộc nhiều vào nguồn nhân lực, Singapore phải xem xét những tác động lâu dài đối với lực lượng lao động có năng lực, nhưng đang ngày càng kiệt sức, chán nản.

Ngày nay, xu hướng "tang ping" (nằm yên) của Trung Quốc đang trở nên vô cùng thịnh hành với giới trẻ Singapore. Với xu hướng này, người trẻ bắt đầu chọn sống chậm lại, chối bỏ áp lực xã hội.

Theo www.channelnewsasia.com