"Làng thương vợ nhất quả đất", nhà nào cũng làm ruộng nhưng chỉ đàn ông ra đồng

Giáo sư Adam Galovan(Mỹ) vừa công bố một nghiên cứu thú vị về gia đình trên tạp chí Journal of Family Issues, trong đó có ý, gia đình hạnh phúc là gia đình có người đàn ông tham gia vào công việc nhà...

... Nếu đúng vậy, thì ở Huế vẫn còn một ngôi làng hạnh phúc khi đàn ông sẵn sàng làm công việc nhà giúp vợ. Ngôi làng ấy cách trung tâm TP Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) chừng 7km - làng Công Lương ở phường Thủy Vân. Làng này còn được lưu truyền với tên gọi là "làng thương vợ". 

Không biết tục lệ này có từ khi nào, nhưng theo nhiều người ở làng Công Lương, từ khi khai sinh lập làng, đàn ông trong làng thường hay được các cụ cao niên kể về những khó khăn gian khổ người phụ nữ. Từ đó, khuyên dạy các con cháu phải thương yêu, giúp đỡ người vợ, người mẹ của mình, không được có hành vi bạo lực gia đình, đó là tối kỵ của làng.

Gần 15 năm bên nhau, chị Nguyễn Thị Thủy và chồng vẫn luôn ấm nồng hạnh phúc. Từng trải qua những ngày tháng khó khăn và vất vả, anh chị luôn vững lòng vượt qua sóng gió. Bí quyết của hai vợ chồng chính là sự tin tưởng, nương tựa và đỡ đần nhau. 

Chị kể về chồng với niềm tự hào: "Anh ấy giỏi lắm, thương vợ con. Mỗi khi đi làm về, thấy cơm chưa nấu hay đồ đạc trong nhà chưa kịp dọn dẹp là anh xuống phụ, vì biết tôi buôn bán vất vả, một mình làm không xuể. Tôi bán bún nên phải dậy từ 3 giờ sáng, chồng thức dậy sớm bắc nồi, đỏ lửa, đến trưa, tranh thủ về phụ vợ dọn dẹp".

Từ ngày có chồng hậu thuẫn, chị Thủy có thêm thời gian nghỉ ngơi, dọn dẹp, nấu ăn, gia đình thêm ấm cúng. 

Chị chia sẻ: "Có người đàn ông trong gia đình san sẻ, việc nhà sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn chứ không còn là gánh nặng của người vợ, người mẹ. Để gia đình hạnh phúc, phải có sự vun đắp từ hai phía, không câu nệ đàn ông đàn bà. Nhìn chồng, tôi lại thấy hình bóng của bố mẹ mình trong đó".

Làng thương vợ nhất quả đất, nhà nào cũng làm ruộng nhưng chỉ đàn ông ra đồng - 1

 Phụ nữ làng Công Lương với nghề làm hương. Làng Công Lương, phường Thủy Vân, TP Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) được mệnh danh là "Làng thương vợ" bởi hầu hết đàn ông con trai, các ông chồng trong làng đều là những người tháo vát, đảm đang, chia sẻ với vợ việc nhà, việc đồng...

Đến Công Lương, nhắc đến chuyện đàn ông thương vợ là nhiều người ngại, không trả lời mô, chị Ngô Thị Ngọc Khánh, Chủ tịch Hội LHPN Phường Thủy Vân (TP Huế) mách nước. Bởi với họ, truyền thống này có từ xa xưa và xem như nếp nhà cần phải giữ. 

Chuyện bếp núc, đồng áng, rồi cả việc chăm con nhỏ không chỉ là của phái yếu mà những người đàn ông trong gia đình có thể quán xuyến cùng vợ. Họ tự nguyện và xem như đó là một công việc hàng ngày của mình. 

Phụ nữ làng Công Lương ngoài chuyện sinh con thì chỉ việc ở nhà lo cơm nước, chăn nuôi lợn gà, nuôi dạy con cái và làm những công việc nhẹ. Muốn giúp chồng thì học thêm nghề may, hoặc bán hàng xén, nhưng trong công việc của các chị đều có sự hậu thuẫn của người chồng.

Làng Công Lương có đến 90% gia đình làm nông nghiệp, nhưng hầu như các chị không phải ra đồng. Những công việc nặng nhọc đều do người đàn ông đảm nhận, từ khâu làm đất, cày bừa, ủ giống, làm đồng… 

Chị em phụ nữ tham gia, có chăng chỉ là việc đem cơm cho chồng. Chị Hồ Thị Ly kể rằng, ngót nghét 50 tuổi đầu nhưng chị chưa bao giờ đụng tay đến đồng áng. Tám mẫu ruộng, nguồn sống của gia đình đều do chồng chị gánh vác. Chị  Ly kể: Có ngày chồng tôi ốm không đi cấy được, tôi ngỏ ý ra đồng làm thử thì anh gạt đi".

Thanh niên trong làng sau khi dựng vợ gả chồng, biết đỡ đần công việc cho vợ đã đành, trai ở nơi khác về cũng nhập gia tùy tục, nhanh chóng thích nghi. Họ ít khi rượu chè, rất chăm chỉ làm ăn và đặc biệt là tự nguyện làm mọi việc. 

Nhiều ông chồng nói rằng, họ sẵn sàng chia sẻ việc nhà với vợ nhưng không nhất thiết cứ phải là giặt giũ, nấu nướng vì họ không khéo trong những công việc nội trợ. Đổi lại, họ có thể kèm con học hoặc đưa đón chúng đến trường, giúp giao hàng... để vợ không phải vất vả.

Nhớ lại những ngày đầu "làm rể" ở làng, anh Trần Văn T. kể: Quê anh ở phường Thủy Biều, TP. Huế lấy vợ và xây nhà ở làng Lương Công. 

Ban đầu anh thấy đàn ông trong làng cứ "quấn quýt" lấy vợ, anh thấy ngượng ngùng, nhưng rồi bản thân cũng nhanh chóng thích ứng, vì nếu không thì sẽ thấy mình lạc lõng và vô tâm. Cũng theo anh T. phụ nữ họ mang nặng đẻ đau sinh con cho mình rồi, giờ mình có thể giúp vợ được gì thì tốt việc nấy, không nề hà chi.

Làng thương vợ nhất quả đất, nhà nào cũng làm ruộng nhưng chỉ đàn ông ra đồng - 2

Mọi công việc nặng nhọc ngoài đồng đều do cánh đàn ông đảm nhận.

Ông Huỳnh Duyên, Tổ trưởng tổ dân phố Công Lương cho biết, làng Công Lương có 420 hộ, 1.671 khẩu, trong đó nữ chiếm 840 người. Các cặp vợ chồng đều rất hạnh phúc, yêu thương nhau hết mực. Đặc biệt hơn, ít có chuyện chồng "thượng cẳng chân hạ cẳng tay" với vợ, hay chuyện các cặp đôi viết đơn đòi ly hôn.

Hầu hết các bà vợ đều hạnh phúc đón nhận sự chia sẻ của chồng. Không chỉ các bà vợ vui khi có được ông chồng "đảm", mà ngay cả những bậc cha mẹ cũng tự hào về con trai mình. 

Bà Vân ở Phường Đúc "khoe" con rể bà là người có trách nhiệm với gia đình và thương vợ: "Tôi già yếu không còn giúp được cho con cháu, vợ chồng nó tự bảo nhau làm lấy. Lúc chồng mệt thì vợ làm, vợ mệt chồng thay cho".

Từ góc độ nghiên cứu, các chuyên gia tâm lý cho rằng, hiện nay ở Việt Nam, số đàn ông sẵn sàng chia sẻ việc nhà với vợ đã tăng lên. Một trong những nguyên nhân của xu hướng này xuất phát từ vấn đề bình đẳng giới. 

Quan niệm phụ nữ phải lo thu vén gia đình, để đàn ông yên tâm bươn chải với công việc nặng nhọc bên ngoài xã hội đã không còn phù hợp. Xây dựng một tổ ấm gia đình không đơn giản là "Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm", mà đó là sự kết hợp chia sẻ trách nhiệm và nuôi dưỡng hạnh phúc tổ ấm từ cả hai phía.

Theo Huế Thu - Báo Thừa Thiên Huế