Vợ chồng như bạn trọ, đi du lịch cũng... cưa đôi tiền có phải là bình đẳng?
(Dân trí) - Lam yêu cầu chồng ứng trước 15 triệu đồng cho chuyến đi du lịch của gia đình. Cô ghi lại chia tiêu suốt chuyến rồi về tính thừa thiếu, cưa đôi với chồng.
Hào phóng với người ngoài, tính với vợ từng cắc
Để cả gia đình bốn người đi du lịch ở Nha Trang tưng bừng đợt lễ này là chuyện không hề dễ dàng với chị Lê Thu Lam, làm việc tại siêu thị C. ở Gò Vấp, TPHCM. Chị Lam mất cả tháng đấu tranh, cuối cùng, chồng chị chấp nhận chi... một nửa, vượt cả mong đợi của chị.
Cả hai vợ chồng chị đều có công việc ổn định. Chồng chị làm việc tại phòng kinh doanh tại công ty nội thất ở Quận 12, mức thu nhập tầm 20 triệu đồng/tháng, chưa tính thu nhập ngoài.
Chồng chị hào phòng, hảo sảng nhưng là với... người ngoài. Anh rất phô trương với bạn bè nhưng lúc nào cũng sợ vợ con ăn mất, lấy mất.
Lâu nay, hàng tháng anh cứ đều đều "đóng" cho vợ 4 triệu đồng rồi mặc kệ chị xoay vần với gia đình, hai con. Mọi nỗ lực đối thoại của chị đều bất thành cho đến năm ngoái, khi giá cả leo thang, tiền học của con tăng, chị phải ra mặt đòi tiền chồng... Sau loạt chửi bới cùng câu chốt hạ "loại cô chỉ biết tiền" của chồng, chị Lam cay đắng nâng được số tiền đóng góp của chồng lên thành 5 triệu đồng.
Nữ nhân viên 38 tuổi chia sẻ chồng góp "5 triệu là phủi tay" nên mọi việc trong gia đình từ lớn đến bé với hai đứa con đều mình chị gánh. Chi tiêu sinh hoạt, hàng ngày không nói nhưng trong nhà còn cần những khoản lớn như mua sắm, sửa sang anh cũng "không liên quan", cho rằng 5 triệu đồng của mình to lắm.
Gần như một mình gồng gánh mọi việc trong nhà, chị Lam trải qua nhiều tình huống cay đắng thấy tủi hờn và uất ức.
Chị nhớ mãi, có lần anh rủ vợ con đi ăn đồ nướng BBQ với mấy người bạn cũ, chia đều mỗi người hết 500 ngàn đồng. Khi về, anh đòi tiền vợ vì "cô đâu mất tiền nấu ăn ở nhà" làm chị Lam òa khóc trước khi rút tờ tiền ném trả chồng...
Lần đám cưới em họ của anh, chị từ chối tự mình lo hết tiền đám như các lần trước. Thế là hai vợ chồng mỗi người đóng 500 ngàn đồng bỏ phong bì ghi "gia đình Phong - Lam".
Người mẹ chia sẻ, gia đình không hề có quỹ chung nên làm gì cũng khó, bản thân chị mệt mỏi và chẳng thiết tha vun vén nhà cửa. Từ lâu, chị không mua sắm, sửa sang gì trong nhà, các chuyến đi chơi chung cũng mất dần vì nếu đi chị sẽ phải lo tất cả, gánh luôn cả phần ông chồng.
Khi vợ chỉ biết... tiền!
Trước đây, chị Lam chưa từng hình dung vấn đề tài chính lại ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình như vậy. Từ cách ứng xử với tiền lạc, vợ chồng chị từ lâu đã như hai người bạn trọ, chỉ chung nhau hai con. Mà ở chỗ trọ đó, nếu nói thẳng thừng ra, chị phải gánh hết phần thiệt vào thân.
Để trang trải cuộc sống, ngoài việc ở công sở, ngoài giờ chị Lam còn bán hàng online trong chung cư, nhận việc về nhà... Cũng gần như một mình xoay xở việc nhà, chăm con, chị không có thời gian cho bản thân, lúc nào cũng thiếu ngủ, đau đầu, căng thẳng vì chuyện tiền bạc, gia đình.
Theo kết quả nghiên cứu khảo sát về công việc chăm sóc không lương (còn được hiểu việc nhà) của phụ nữ tại TPHCM trong dịch Covid-19 mới đây chỉ ra, có đến có đến 61% nữ và 59% nam tham gia khảo sát cho rằng việc nhà là việc của nữ giới.
Gần 50% phụ nữ cũng chia sẻ, họ phải làm việc nhà vì... không ai làm. Chỉ có 30,5% phụ nữ thực hiện những công việc này vì yêu thích.
Một vấn đề đáng chú ý, việc nhận thức về đóng góp của việc nhà cho xã hội chủ yếu dừng ở khía cạnh phụ nữ với việc chăm lo cho gia đình, hầu hết không có ý kiến đề cập đến sự đóng góp cho kinh tế (GDP) của đất nước.
Bên cạnh đó, không chỉ gánh nặng về việc nhà, nhiều chị em còn gánh luôn "combo" việc nhà + nuôi dạy con + tài chính. Họ thường là người trực tiếp quản lý chi tiêu nên chịu ảnh hưởng của các tác động như giảm giờ làm, mất thu nhập, thất nghiệp, giá cả leo thang và cả vấn nạn bạo hành gia đình.
Trong nội bộ nhiều gia đình, không ít người vợ phải "nai lưng ra gánh" khi chồng thất nghiệp, thu nhập thấp hoặc chi ly tính toán với vợ con như trường hợp chị Lam gặp phải.
TS Vũ Thu Hương (nguyên giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội) chia sẻ, bà gặp nhiều người đàn ông than phiền, thậm chí chế nhạo vợ "lúc nào cũng tiền".
Lý giải cảnh "vợ đòi tiền chồng", bà Vũ Thu Hương cho biết, trong gia đình có cả ngàn khoản cần tiền mà cả những người chăm ghi chép chi tiêu cũng khó ghi lại được hết. Hầu hết, người vợ trực tiếp đúng ra chi dùng cho gia đình nên việc họ cần tiền là đúng.
Tuy nhiên, theo nữ tiến sĩ, khi phụ nữ đòi tiền chồng thì không hẳn là họ "đòi tiền" mà hơn hết là họ đòi trách nhiệm làm chồng, làm cha từ người đàn ông.
Nhiều ông chồng chăm sóc gia đình - không; dạy dỗ, chăm chút con cái - không; sửa chữa đồ đạc trong nhà - không... chỉ có mỗi khả năng kiếm tiền là tạm được. Nhiều ông chồng cho rằng việc nhà, chăm con, gia đình là của vợ, chồng đi làm kiếm tiền. Vậy các bà vợ đòi tiền là đúng, vì điều đó thể hiện sự đóng góp của ông chồng trong gia đình mà.
Thực tế, có không ít ông chồng mọi khả năng đóng góp đều không ổn, khả năng kiếm tiền cũng kém thì dễ có chuyện các bà vợ càng gào to hơn. Họ gào vì họ quá khổ, phải gánh trăm thứ trách nhiệm đổ lên đầu, kể cả kiếm tiền.