Làm việc trên 12 năm có được hưởng trợ cấp thất nghiệp vượt khung 12 tháng?
(Dân trí) - Theo quy định, mỗi năm tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), người lao động mất việc được nhận 1 tháng trợ cấp nhưng tối đa không quá 12 tháng. Vậy nếu người lao động tham gia hơn 12 năm thì sao?
Theo Khoản 4 Điều 3 Luật Việc làm năm 2013, BHTN là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ BHTN.
Quỹ này có 3 nguồn thu là người lao động đóng bằng 1% tiền lương tháng; người sử dụng lao động đóng bằng 1% và Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% (nguồn này do ngân sách trung ương bảo đảm).
Mỗi năm làm việc, Quỹ BHTN thu tổng cộng 36% mức lương tháng của người lao động, trong đó chỉ có 12% là người lao động đóng từ tiền lương của mình.
Khi mất việc, người lao động đủ điều kiện sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp với rất nhiều quyền lợi như: trợ cấp thất nghiệp, bảo hiểm y tế miễn phí, chi phí học nghề mới…
Theo Điều 50 Luật Việc làm 2013, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.
Chính vì mức hưởng cao nên trợ cấp thất nghiệp trở thành khoản bù đắp tài chính quan trọng để hỗ trợ người lao động sinh sống, vượt qua giai đoạn thất nghiệp, tìm kiếm việc làm mới.
Tuy nhiên, nhiều lao động thắc mắc về thời gian được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Cụ thể, theo quy định hiện hành, thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tối thiểu của NLĐ là 3 tháng (khi đóng BHTN đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng). Sau đó, NLĐ cứ đóng đủ thêm 12 tháng BHTN thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa là 12 tháng.
Tại hội nghị tư vấn, đối thoại chính sách BHXH với doanh nghiệp do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức ở TPHCM, trưởng phòng nhân sự một công ty may mặc có hàng ngàn công nhân ở địa bàn huyện Củ Chi chia sẻ về việc rất nhiều công nhân đóng BHTN trên 12 năm nhưng khi nghỉ việc chỉ được hưởng ở mức tối đa là 12 tháng trợ cấp thất nghiệp.
Vị này đặt vấn đề là số năm đóng BHTN vượt qua mức 12 năm sẽ được tính như thế nào, thời gian vượt qua mức 12 năm này có được bảo lưu sau khi hưởng trợ cấp thất nghiệp hay không?
Theo ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), số năm tham gia BHTN vượt quá 12 năm đã được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ được bảo lưu trong một số trường hợp quy định rõ trong Luật Việc làm.
Cụ thể, khoản 4 điều 53 Luật Việc làm quy định người lao động bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp thuộc một số trường hợp được bảo lưu thời gian đóng BHTN làm căn cứ để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo.
Theo quy định này, thời gian bảo lưu được tính bằng tổng thời gian đóng BHTN trừ đi thời gian đóng đã hưởng trợ cấp thất nghiệp, theo nguyên tắc mỗi tháng đã hưởng trợ cấp thất nghiệp tương ứng 12 tháng đã đóng BHTN.
Ông Cường cho rằng, một số chế độ bảo hiểm ngắn hạn như BHTN, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm y tế được xây dựng trên nguyên tắc chia sẻ và đóng hưởng nhưng sẽ thiên về nguyên tắc chia sẻ nhiều hơn.
Thường là người lao động làm việc có hợp đồng đều tham gia các chế độ bảo hiểm trên nhưng chỉ khi người lao động gặp khó khăn như thất nghiệp, bị bệnh, sinh nở phải nghỉ làm, bị tai nạn lao động… thì mới được hưởng.