Nghỉ việc khi đủ tuổi nghỉ hưu có được hưởng trợ cấp thất nghiệp?
(Dân trí) - Nhiều lao động được cho nghỉ việc khi đến tuổi nghỉ hưu không biết mình có thuộc diện được hưởng trợ cấp thất nghiệp hay không.
Không phải trường hợp nào cũng được hưởng trợ cấp thất nghiệp
Khi người lao động đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định (năm 2023, lao động nam đủ 60 tuổi 9 tháng và lao động nữ đủ 56 tuổi), doanh nghiệp có quyền đơn phương chấm dứt lao động, cho người lao động nghỉ việc.
Thông thường, khi chấm dứt hợp đồng lao động, doanh nghiệp có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc (cho thời gian làm việc trước năm 2009) và người lao động có thể đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm.
Tuy nhiên, khi người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động vì lý do đủ tuổi nghỉ hưu thì có 2 tình huống xảy ra.
Thứ nhất, người lao động đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) đủ 20 năm trở lên, tức là đã đủ điều kiện về tuổi và thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu theo Luật BHXH. Lúc này, người lao động tiến hành làm các thủ tục đăng ký hưởng lương hưu ngay sau thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu.
Trong tình huống này, người lao động sẽ không được hưởng trợ cấp thôi việc theo quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật Lao động 2019; không được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại mục b khoản 1 điều 49 Luật Việc làm 2013.
Thứ hai, người lao động đóng BHXH không đủ 20 năm, tức là chỉ đủ điều kiện về tuổi nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu. Trong tình huống này, người lao động được xem xét, giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định.
Điều kiện và mức hưởng trợ cấp thất nghiệp
Nếu rơi vào tình huống thứ 2 như trên, người lao động có thể được hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu đủ điều kiện. Cụ thể, theo Điều 49 Luật Việc làm 2013, người lao động thuộc diện đóng bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ 4 điều kiện.
Thứ nhất là đã chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc (trừ các trường hợp: người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật; người lao động nghỉ việc hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng).
Thứ 2 là người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng đối với trường hợp có hợp đồng xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp có hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng.
Thứ 3 là người lao động đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Thứ 4 là người lao động chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp được quy định tại Điều 50 Luật Việc làm 2013. Theo đó, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.
Mức hưởng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định.
Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp. Cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp. Sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.