1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Làm tốt công việc hàng ngày cũng chính là nền tảng của thi đua

Hoàng Mạnh

(Dân trí) - "Xin nhiệt liệt biểu dương những thành tích của Ngành Lao động thương binh và xã hội trong 5 năm qua và chúc mừng các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến được khen thưởng tại Đại hội...".

Làm tốt công việc hàng ngày cũng chính là nền tảng của thi đua - 1

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh. (Ảnh: Đỗ Linh)

Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, chia sẻ tại Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ 5 của Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội năm 2020, sáng 17/11 tại Hà Nội.

Phát biểu tại Đại hội, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch nước nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng kết quả của các phong trào thi đua yêu nước và những thành quả to lớn mà Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã đạt được trong những năm qua.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu. (Video: Nguyễn Bắc)

Chứng kiến những thước phim tài liệu về phong trào thi đua yêu nước và nghe báo cáo tổng kết công tác thi đua, khen thưởng giai đoạn 2016 - 2020 của Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch nước xúc động trước những công việc thầm lặng nhưng vô cùng cao quý của tập thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong Ngành đã đạt được thời gian vừa qua.

"Thủa sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đặc biệt rất quan tâm tới phong trào thi đua yêu nước và luôn nhắc nhở các cấp, các ngành phải coi trọng công tác thi đua. Ngày 11/6/1948, Người đã ra lời kêu gọi thi đua ái quốc, kêu gọi người người thi đua, nhà nhà thi đua nhằm diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm, thực hiện dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc” - Phó Chủ tịch nước chia sẻ.

Phó Chủ tịch nước đánh giá trong 5 năm qua, Ngành đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách pháp luật về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội trên tinh thần lấy con người làm trung tâm thực hiện tiến bộ công bằng xã hội theo từng bước tiến của đất nước và trong từng chính sách phát triển.

Đặc biệt, Bộ luật Lao động 2019 đã được Quốc hội thông qua nhằm thể chế hóa những quy định của Hiến pháp và phù hợp với các cam kết, thông lệ quốc tế, qua đó góp phần quan trọng từng bước hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường lao động.

Làm tốt công việc hàng ngày cũng chính là nền tảng của thi đua - 2

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tăng bằng khen tới các tập thể, cá nhân tiêu biểu (Ảnh: Đỗ Linh)

Trong 5 năm qua, Ngành đã giải quyết việc làm mới cho hơn 7,8 triệu người và tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp về giáo dục nghề nghiệp có bước phát triển và gắn với thị trường lao động cũng như nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp.

"Như chúng ta nghe báo cáo, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 64,5 % cơ cấu lao động và cơ cấu việc làm chuyển dịch theo hướng tích cực, chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên người có công. Đặc biệt là gia đình liệt sỹ các thương binh, các mẹ Việt Nam, anh hùng còn sống được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm chăm lo hỗ trợ toàn diện" - Phó Chủ tịch nước nói.

Làm tốt công việc hàng ngày cũng chính là nền tảng của thi đua - 3

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao đổi tại Đại hội (Ảnh: Đỗ Linh)

Bên cạnh đó, an sinh xã hội được tăng cường, kịp thời hỗ trợ người dân bị rủi ro trong cuộc sống, như: Các chính sách bảo hiểm xã hội có nhiều cải cách hướng tới bao phủ toàn dân, tuổi nghỉ hưu được điều chỉnh tăng lên đối với cả lao động nam và nữ, khoảng cách giới trên tất cả các lĩnh vực được thu hẹp, vị thế của phụ nữ trong nhiều lĩnh vực địa bàn được nâng cao, các quyền cơ bản của trẻ em được tôn trọng và bảo đảm bảo thực hiện, quỹ bảo trợ trẻ em hoạt động tích cực và hiệu quả...

Đặc biệt, Phó Chủ tịch nước đánh giá cao việc Ngành đã kịp thời tham mưu cho Chính phủ ban hành gói hỗ trợ trị giá 62.000 tỷ đồng cho người lao động và người sử dụng lao động, người có công hộ nghèo gặp khó khăn do đại dịch của Covid-19 vừa qua.

Làm tốt công việc hàng ngày cũng chính là nền tảng của thi đua - 4

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh (bên phải) và Nguyên Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền tới dự Đại hội. (Ảnh: Đỗ Linh)

Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 9,2 % của đầu nhiệm kỳ và hiện nay còn khoảng 3 %, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Ngành cũng đã phát động và triển khai có hiệu quả nhiều phong trào thi đua tiêu biểu như: Phong trào nâng cao chất lượng hiệu quả trong tư vấn giới thiệu việc làm, phong trào uống nước nhớ nguồn đền ơn đáp nghĩa làm nhà tình nghĩa hoặc phong trào nâng cao chất lượng phục hồi chức năng cho thương bệnh binh và trẻ em có hoàn cảnh...

"Bên cạnh đó, phong trào cả nước chung tay vì người nghèo không để ai bị bỏ lại phía sau được thực hiện có hiệu quả, thông qua chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững mà Bộ là cơ quan quản lý chương trình đã tập trung nguồn lực hỗ trợ thực hiện ở nơi khó khăn nhất nghèo nhất và đã giảm nghèo bền vững đã có nhiều thôn xã thoát nghèo" - Phó Chủ tịch nước đánh giá.

Tiếp tục phấn đấu với nhiều mục tiêu mới

Cũng tại Đại hội, Phó Chủ tịch nước đề nghị Ngành tiếp tục giữ vững vai trò đi đầu trong các phong trào thi đua, đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị. Cụ thể:

Cần tổ chức thi hành Bộ luật Lao động có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, rà soát quy hoạch và phát triển mạng lưới giáo dục nghề nghiệp.

Đẩy mạnh công tác hướng nghiệp phân luồng liên thông trong giáo dục nghề nghiệp, chú trọng lao động nông thôn và đẩy mạnh xuất khẩu lao động lành mạnh, góp phần giảm nghèo bền vững, phát triển thị trường lao động hiện đại. 

Tiếp tục hoàn thiện chính sách ưu đãi người có công đề xuất, nâng mức trợ cấp cho người có công phù hợp với điều kiện kinh tế của đất nước xử lý dứt điểm các tồn đọng về xác nhận công nhận người có công. Đồng thời cần lắng nghe giải quyết kịp thời các đề xuất, kiến nghị của người có công giải quyết dứt điểm khen thưởng thành tích kháng chiến và tiếp tục rà soát việc đề nghị phong tặng truy tặng danh hiệu bà mẹ Việt Nam Anh hùng theo tiêu chuẩn quy định.

Hoàn thiện chính sách xã hội theo hướng tăng cường gắn kết xã hội, phát huy các giá trị văn hóa con người Việt Nam và sức mạnh đại đoàn kết để phát triển bền vững, phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện tiến tới bao phủ toàn dân phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt đa dạng đa tầng hiện đại và hội nhập quốc tế, mở rộng chính sách trợ giúp và thực hiện tốt các quyền trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật thúc đẩy bình đẳng giới và quan tâm phòng ngừa các tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn ma túy với truyền thống 75 năm và tinh thần đoàn kết năng động sáng tạo.