Bình Định: Tăng cường phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em
(Dân trí) - Để tăng cường phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em cần triển khai đồng bộ các biện pháp bảo vệ trẻ theo 3 cấp độ "phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp".
Trẻ em bị người thân bạc đãi
Theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Định, tình hình xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em diễn ra đáng lo ngại, tính chất mức độ có chiều hướng gia tăng, gây bức xúc trong dư luận và để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho trẻ em, gia đình và xã hội.
Theo thống kê từ đầu năm 2023 tới nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra hơn 10 vụ xâm hại tình dục trẻ em, gây xôn xao dư luận.
Đối tượng gây án chủ yếu là những người có trình độ thấp, đua đòi, ăn chơi, không có nghề nghiệp ổn định, nhất là các đối tượng sử dụng mạng xã hội để làm quen, rủ rê các em gái hoặc lợi dụng địa hình vắng vẻ để thực hiện hành vi xâm hại.
Cá biệt có những vụ đối tượng gây án là người thân, có quen biết, thường xuyên tiếp xúc với trẻ hoặc có quan hệ với người thân trong gia đình của trẻ. Thậm chí một số vụ xâm hại tình dục trẻ em mang tính chất loạn luân, như cha ruột, cha dượng xâm hại con ruột, con nuôi, con riêng của vợ dẫn đến mang thai...
Điều này đã gây hậu quả nặng nề cả về mặt thể chất lẫn tinh thần cho trẻ, có những bé gái không thể phục hồi được tâm trí sau những vụ xâm hại tình dục. Nhiều đứa trẻ lành lặn, xinh đẹp, khỏe mạnh bỗng chốc trở thành tật nguyền về cả tâm hồn lẫn thể xác.
Về phía gia đình, nhiều phụ huynh xao nhãng, bỏ mặc con cái, tình trạng cha mẹ ly hôn, ly thân, mắc tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật… không có điều kiện chăm sóc, quản lý, giáo dục các em, thường để các em ở nhà một mình, gửi cho đối tượng không đáng tin cậy là nguyên nhân nảy sinh các hành vi bạo lực, xâm hại, nhất là xâm hại tình dục đối với trẻ em...
Bên cạnh đó sự thiếu thốn tình cảm, sống trong hoàn cảnh gia đình không hoàn thiện, không được học hành chu đáo, các em bị lợi dụng, rủ rê vào các hành vi phạm tội và bị các đối tượng xấu dụ dỗ.
Bên cạnh đó, không ít gia đình do bố mẹ, người lớn sống thiếu gương mẫu, thiếu trách nhiệm với con cái cũng tạo ra sự mất an toàn cho trẻ em ngay trong chính gia đình của mình.
Mặt khác, đa số những trẻ em bị ngược đãi, xâm hại và gia đình các em này đều có tâm lý mặc cảm, tự ti, lo sợ bị trả thù nên không dám tố cáo kẻ gây hại và che dấu hoàn cảnh bị tổn thương của trẻ em, dẫn đến tình trạng bỏ sót tội phạm và nạn nhân chậm được chăm sóc, hỗ trợ.
Tuy nhiên, một trong những dấu hiệu tích cực đó là lượng thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em tăng lên so với thời gian trước đây do nhận thức của người dân đang dần được nâng cao.
Đặc biệt, việc tiếp nhận, xử lý thông tin, xử lý vụ việc, bảo mật thông tin, cung cấp dịch vụ hỗ trợ của các cơ quan chức năng được thực hiện theo quy định pháp luật đã từng bước củng cố niềm tin cho người dân và các tổ chức xã hội vào hiệu lực, hiệu quả của việc phòng, chống, ngăn chặn xâm hại trẻ em.
Trợ giúp, theo sát trẻ có hoàn cảnh đặc biệt
Nhiều năm qua, nhờ triển khai thực hiện tốt công tác bảo vệ trẻ em; phòng, chống xâm hại trẻ em, tỉnh Bình Định luôn duy trì tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở mức dưới mức 4% so với tổng số trẻ em; tỷ lệ trẻ em bị xâm hại hàng năm đều giảm.
Trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được quản lý và có các biện pháp can thiệp, trợ giúp kịp thời với hơn 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển.
Tiếp đó, các cấp, các ngành, địa phương ở Bình Định luôn quan tâm tạo môi trường an toàn, lành mạnh để trẻ em được bảo vệ, chăm sóc và phát triển. Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh được triển khai kịp thời, đầy đủ.
Cuối tháng 8 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã có Công điện số 05/CĐ-UBND yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể tỉnh và chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo, kế hoạch, quyết định của tỉnh và Trung ương về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.
Đồng thời, triển khai đồng bộ các biện pháp bảo vệ trẻ em theo 3 cấp độ (phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp); ưu tiên bố trí nguồn lực để bảo đảm việc can thiệp, hỗ trợ cho trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại.
UBND tỉnh giao trách nhiệm cho các tổ chức liên ngành về bảo vệ trẻ em các cấp, nhất là ban bảo vệ trẻ em, nhóm thường trực bảo vệ trẻ em cấp xã tham gia nắm bắt tình hình về trẻ em, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn. Qua đó, kịp thời phát hiện các trường hợp trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại, nhất là trẻ em sống trong gia đình có cha mẹ ly hôn, ly thân, cha mẹ đi làm ăn xa hoặc có người liên quan đến tệ nạn xã hội.
Mặt khác, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về đạo đức, lối sống, cách ứng xử trong gia đình. Hướng dẫn gia đình, cơ sở giáo dục, nhà trường và trẻ em về kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; có trách nhiệm phát hiện, thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em.
Ngoài ra, cần thực hiện kịp thời, hiệu quả việc tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em và can thiệp, hỗ trợ cho trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại.
Bên cạnh đó, các sở, ngành, trong đó nòng cốt là Sở LĐ-TB&XH đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; ban hành các chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo về bảo vệ, chăm sóc, phòng chống xâm hại, bạo lực trẻ em.