1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Kiếm hàng trăm triệu đồng mỗi tháng từ “công nghệ điện toán đám mây” trồng rau

(Dân trí) - Sau một thời gian tự nghiên cứu và thử nghiệm, Nguyễn Đức Huy (Đà Lạt) đã trở thành chủ của một khu vườn rau thủy canh với kỹ thuật dựa trên ứng dụng “công nghệ điện toán đám mây”. Nhờ áp dụng tốt công nghệ làm vườn này cho Huy thu nhập khủng mỗi tháng.

Sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ Công nghệ sinh học, Nguyễn Đức Huy (SN 1984, quê ở Đà Lạt) cầm trong tay quyết định tuyển dụng vào biên chế chính thức tại một cơ quan Nhà nước. Thế nhưng, Huy đã quyết định rũ bỏ áo công chức để về trồng rau. Quyết định này của Huy khiến gia đình và bạn bè hết sức ngỡ ngàng.


Nguyễn Đức Huy (thứ 3, từ trái sang) chia sẻ kinh nghiệm làm vườn cho các đoàn khách tham quan.

Nguyễn Đức Huy (thứ 3, từ trái sang) chia sẻ kinh nghiệm làm vườn cho các đoàn khách tham quan.

Nghĩ là làm, với số vốn ít ỏi đi vay ban đầu, Huy tìm đối tác làm vườn. Người ta có đất, có nhân công, mình có vốn, có kỹ thuật, hợp tác làm ăn, lãi chia đôi. Từ đó, Huy gắn bó với vườn rau, mày mò, nghiên cứu, tích lũy kinh nghiệm.

Sau một thời gian làm chung với các nhà vườn, nhận thấy lợi nhuận từ việc canh tác chung cho thu nhập thấp và nhiều khi xảy ra những bất đồng quan điểm trong quá trình hợp tác chung. Huy bắt đầu tìm hiểu và tự đầu tư thuê đất, tự làm.

Từ đó, anh dốc những đồng vốn ban đầu mua 1 mảnh đất làm vườn riêng. Từ sự mày mò nghiên cứu, vượt qua nhiều thất bại, Huy hiện có 7 khoảnh vườn rộng tổng cộng diện tích 2 ha.

Các khoảng vườn được trồng với nhiều loại rau quả. Mùa nào thức nấy, trồng xoay vòng, vườn của Huy không khi nào hết màu xanh cây trái.

Câu chuyện khởi nghiệp của Huy không chỉ về việc chọn đầu tư sản phẩm có chất lượng mà còn bởi điểm khác biệt trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất.

Nhờ áp dụng công nghệ nên dù đang ở đâu, Huy vẫn cập nhật được tất cả các dữ liệu liên quan quá trình sinh trưởng của vườn cây qua chiếc điện thoại thông minh. Dữ liệu về sự thay đổi của nhiệt độ tại các vườn, quá trình sinh trưởng của cây đều được các con chip gắn tại vườn, dưới từng máng, từng gốc liên tục gửi về máy chủ bằng “công nghệ điện toán đám mây”.

“Nếu phát hiện ra điều bất thường, mình sẽ điều chỉnh, còn nếu không thì nước, phân, nhiệt độ vẫn duy trì như chương trình đã cài đặt sẵn”, Huy cho biết.

Nhờ ứng dụng công nghệ tự động vào sản xuất, cây trồng phát triển vượt trội và năng xuất cũng như chất lượng sản phẩm nông nghiệp đươc nâng cao
Nhờ ứng dụng công nghệ tự động vào sản xuất, cây trồng phát triển vượt trội và năng xuất cũng như chất lượng sản phẩm nông nghiệp đươc nâng cao

Đối với ứng dụng công nghệ này, thông qua bộ điều khiển, mỗi chậu cây trồng đều được gắn một chip nhỏ đo đếm quá trình phát triển cây, con chip được dẫn tới hệ thống điều khiển tổng có kết nối mạng wifi. Từ đây, người dùng có thể giám sát được vườn rau ở bất cứ nơi đâu nếu thiết bị theo dõi như điện thoại thông minh, máy tính (cài phần mềm quản lý “khu vườn”) có kết nối internet.

Ngoài ra, ưu điểm vượt trội của việc ứng dụng công nghệ này là mọi thứ đều chạy theo một chương trình cài đặt, từ thiết lập lượng chất dinh dưỡng cần dùng cho cây, độ pH, hoặc nếu độ ẩm trong đất vượt quá mức thì hệ thống sẽ tự động cảnh báo nguy cơ bị nấm bệnh, từ đó người chăm sóc sẽ điều chỉnh phun loại thuốc bảo vệ thực vật nào.

Nhờ ứng dụng công nghệ tự động vào sản xuất, năng suất của những khu vườn của Huy cũng vượt trội. Mỗi gốc cà chua có thể thu hoạch từ 6 - 8kg (có những gốc thu 10kg, bình thường chỉ 3 - 4kg/gốc); ớt ngọt từ 5 - 6kg/gốc (gần gấp đôi bình thường); dưa leo 3kg/gốc...

Với sản lượng bình quân 500 kg/ ngày, gồm 32 loại nông sản khác nhau, hiện nhà vườn của Huy không đủ để bán. Trung bình mỗi sào đất cho lãi khoảng 10 triệu đồng/tháng, trong khi vườn nhà Huy có đến 2 ha đủ các loại nông sản. Tính bình quân mỗi tháng khu vườn của Huy cho thu nhập lên đến hàng trăm triệu đồng.

Chỉ cần 1 chiếc máy tính có kết nối internet, dù ở bất cứ đâu Huy cũng có thể quản lý và chăm sóc khu vườn của mình
Chỉ cần 1 chiếc máy tính có kết nối internet, dù ở bất cứ đâu Huy cũng có thể quản lý và chăm sóc khu vườn của mình

Về việc tìm đầu ra cho sản phẩm, ban đầu Huy cũng gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ sự cần cù chịu khó và sản phẩm có chất lượng, nên nhiều mối hàng đã tin tưởng lựa chọn sản phẩm của anh.

Huy tâm sự: “Làm nông, quan trọng nhất là tìm đầu ra, sau đó thì cân bằng sản lượng với khả năng tiêu thụ, nếu không, sẽ dễ rơi vào tình trạng “giải cứu nông sản”. Người làm nông nghiệp bây giờ sợ nhất là không “đo lường” được nhu cầu của thị trường, hơn nữa, áp lực của hàng giá rẻ Trung Quốc là rất khủng khiếp”.

Nhà vườn của Huy cần 7 công nhân lao động thường xuyên, chưa kể lao động thời vụ. Công việc của Huy đôi khi không cần vào vườn vẫn quản lý tốt được vườn cây. Chỉ cần thong thả ngồi lướt mạng ở nhà và quản lý quá trình sinh trưởng của rau qua thông tin được truyền về bằng công nghệ … điện toán đám mây.

Với việc sử dụng phần mềm theo dõi tự động này, giúp người sản xuất rau giảm đáng kể nhân công lao động, đồng thời tối ưu hóa quá trình chăm sóc cây trồng, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản.

Ngọc Hà