"Không nước nào cho phép người lao động rút bảo hiểm dễ như Việt Nam"
(Dân trí) - Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, một số nước trên thế giới cho phép rút bảo hiểm xã hội một lần chỉ khi ốm đau thập tử nhất sinh hoặc ra nước ngoài sinh sống chứ không dễ dàng như Việt Nam.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 3/6, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã đề cập đến nhiều nội dung đáng chú ý liên quan đến tình hình lao động việc làm, tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, cũng như có những đề xuất nhằm tháo gỡ khó khăn.
Tán thành với báo cáo tình hình kinh tế - xã hội do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ đang phối hợp chặt chẽ để chuẩn bị thông tin về thị trường lao động - việc làm.
Về tình hình thị trường lao động - việc làm, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH khái quát, quý I và II năm 2023, lực lượng lao động hiện đang là 51,1 triệu người. Trong tháng 4/2023 thu nhập bình quân của người lao động đạt trên 7 triệu đồng/người/tháng, tỷ lệ thất nghiệp là 2,25%, giảm 0,7% so với cùng kỳ của quý trước và so với năm 2022.
Người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH chỉ ra rằng, tình hình thế giới tác động khiến hoạt động sản xuất kinh doanh doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn, công nhân và người lao động cũng bị ảnh hưởng.
Theo báo cáo của 53 tỉnh/thành phố và các hiệp hội doanh nghiệp, đến ngày 26/5, có hơn 500.000 lao động bị ảnh hưởng mất, giãn việc làm. Trong đó, hơn 270.000 lao động bị mất việc, thôi việc (chiếm khoảng 55%).
Khu vực lao động bị mất việc làm nhiều nhất hiện nay là tỉnh Bình Dương (khoảng 80.000 lao động), đứng thứ 2 là Đồng Nai (69.000 lao động), Hà Nội đứng thứ 3 với trên 64.000 người; TPHCM là 44.000 lao động; Bắc Giang là 27.000 lao động... tập trung chủ yếu ở 3 ngành dệt may, da giầy và chế biến sản phẩm gỗ.
Trong khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), lao động mất việc tập trung chủ yếu tại Công ty PouYuen (TPHCM) - đây là doanh nghiệp sử dụng khoảng 110.000 lao động.
Trước khó khăn về đơn hàng, PouYuen đang có 3 đợt thay thế công nhân, đợt 1 vào tháng 2/2023 đã chấm dứt hợp đồng hơn 2.358 lao động; ngày 24/6 tới sẽ cho nghỉ việc hơn 4.519 lao động và đợt tháng 7/2023 là hơn 1.225 lao động.
Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định ngành LĐ-TB&XH luôn bám sát tình hình lao động tại PouYuen và Ủy ban nhân dân TPHCM đã có phương án để dịch chuyển số lao động này sang làm việc tại các doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, phương án này gặp khó khăn do người lao động mất việc không muốn di chuyển và chưa muốn đi làm lại ngay.
"Dù các cơ quan của ngành lao động đã gặp gỡ tìm hiểu và sẵn sàng hỗ trợ lao động mất việc đi lại làm ngay, nhưng chỉ khoảng 2% số này đồng ý", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin.
Về vấn đề bảo hiểm xã hội, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, ngành BHXH và ngành LĐ-TB&XH cũng như các địa phương đã rất cố gắng vừa quản lý, vừa phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, việc rút bảo hiểm xã hội một lần vẫn diễn ra.
"Việc rút BHXH hiện nay của chúng ta dễ dàng quá. Trên thế giới không có quốc gia nào cho phép người lao động rút bảo hiểm dễ dàng như chúng ta. Họ quy định người lao động chỉ được phép rút bảo hiểm xã hội chỉ khi ốm đau thập tử nhất sinh hoặc di chuyển sang quốc gia khác sinh sống", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin.
Bộ trưởng Dung cũng cho rằng khi đã cho phép người lao động rút BHXH thì chỉ còn cách tăng quyền lợi khác mới giữ người lao động ở lại.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Ngoại giao và Bộ Công Thương nghiên cứu xu hướng thị trường, nhập khẩu các đơn hàng dệt may, da giầy do Việt Nam sản xuất bởi hiện nay một số quốc gia vẫn có nhu cầu nhập khẩu hàng sản xuất của Việt Nam.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ lao động đề nghị sớm thực hiện cải cách chính sách tiền lương khu vực doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, để tạo động lực tăng trưởng.
Chính phủ cho phép Bộ LĐ-TB&XH cùng BHXH Việt Nam nghiên cứu một chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động trong ngắn hạn, trình cấp có thẩm quyền quyết định trong thời gian tới nhằm giúp doanh nghiệp và người lao động giảm bớt khó khăn.