1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Không muốn người khác nhìn vào ống kính cảm ơn

Hơn 100 ngày làm đủ các việc để giúp đỡ người nghèo trong đại dịch: tặng cơm, tặng tiền, tặng xe máy, đưa người về quê... nhưng Sơn Híp không lưu lại bất cứ tấm ảnh nào của người được anh giúp đỡ.

"Không ai cần phải có gánh nặng vì mang ơn người khác cả. Nếu họ cảm kích việc làm của tôi, tôi hy vọng sau này họ sẽ giúp đỡ những người khác như vậy", Sơn nói và cho biết, những hoạt động đó, tất nhiên, cũng không có ảnh chính anh!  

Cứu người ở cung đường tùy hứng

Trong những ngày giãn cách, vì công ty ở Sài Gòn đóng cửa, Sơn Híp (tên thật là Nguyễn Thanh Sơn, sinh năm 1986) quyết định đi xe máy về Buôn Mê Thuột tránh dịch.

Vốn có máu xê dịch, lại thêm những ngày dịch dã căng thẳng, Sơn quyết định chọn cung đường tỉnh lộ để về quê, thay vì đi đường quốc lộ. Đây là một cung đường khó, nó nằm giữa quốc lộ 14 và quốc lộ 20, nhiều đoạn đường xấu nên cánh lái xe không mấy ai chọn. Bù lại, cảnh hai bên đường tuyệt đẹp, có những đoạn phải đi len giữa cánh rừng cao su, rừng thông... nên dân phượt rất thích. Bằng cung đường này, Sơn đi thẳng từ Nhà thờ Đức Bà, tính điểm cuối sẽ là ngã 6 xe tăng Buôn Mê Thuột rồi về nhà.

Đi được nửa đường, vào địa phận Lâm Đồng thì trời nhập nhoạng tối, vốn định rẽ qua Đà Lạt một đêm nên Sơn khởi hành muộn. Không ngờ khi anh đi qua rừng thông thì thấy một người đàn ông nhếch nhác nằm gục ở vệ đường bên cạnh cái xe máy không xi nhan, không gác đờ bu.

Sơn xuống xe, thấy người này giống như bị ngất đi, anh lôi nước bù điện giải và sô cô la trong túi (hai vật bất ly thân của dân phượt) đút cho người nọ. Một lúc sau anh này tỉnh lại, kể mình quê Đồng Nai, lên Buôn Mê Thuột làm rẫy, dịch không có việc, không có thu nhập nên quyết định đi xe máy về quê. Vốn anh định đi theo con đường quen thuộc là quốc lộ 14 nhưng vì rẽ nhầm nên lạc sang đường tỉnh lộ. Cái xe lâu không được bảo dưỡng, đến đây lại lăn ra chết máy, anh dắt xe được khoảng hơn cây số thì hạ đường huyết mà ngất xỉu. 

Vì ham xê dịch, Sơn có chút hiểu biết về xe cộ. Anh san nửa bình xăng và giúp người nông dân khởi động lại xe. Thấy trời tối, anh mời người này quay lại Đà Lạt, trọ một đêm cho lại sức. Sáng ra, Sơn vét túi còn hơn 2 triệu đồng, anh đưa người đàn ông 2 triệu, giữ lại mấy trăm ngàn đổ xăng rồi hộ tống người nọ đến tận Bình Phước mới lại quay xe về nhà. 

Câu chuyện của người nông dân khiến Sơn ý thức một điều, trong lúc dịch bệnh này, chắc hẳn sẽ có nhiều người khác phải tìm đường về quê với 0 đồng trong túi. Anh quyết định quay qua quốc lộ 14 mang theo sữa, bánh mì và 50 triệu đồng tiền tiết kiệm để phòng ai đó cần hỗ trợ.

Trong vòng một tháng sau đó, Sơn đã chi hết số tiền này, giúp được "khoảng chừng ba chục người nghèo và rất nghèo về đến quê an toàn". 

"Không bao giờ muốn người khác nhìn vào ống kính cảm ơn mình"

Tôi với Sơn Híp không tính là thân, biết anh qua diễn đàn phượt, rồi cùng nhau tham gia một vài chương trình từ thiện, chỉ ấn tượng người này ít nói, làm việc lăn xả nhưng cực kỳ dị ứng việc chụp ảnh. Thấy ống kính giơ lên là anh lảng đi chỗ khác, giúp người xong, ai đó nói chụp làm kỷ niệm Sơn đều xua tay: làm ơn đừng! Tôi bị ấn tượng mạnh bởi từ "làm ơn" của Sơn và biểu cảm của anh khi nói câu ấy, định bụng một lần nào đó phải hỏi cho ra nhẽ.

Về sau, trong một lần về Ayun (một xã được coi là nghèo nhất huyện Chư Sêh, Gia Lai) khảo sát dự án nước sạch, tôi và Sơn được phân ở cùng phòng. Tối ấy, sau khi chia nhau bao thuốc, Sơn kể cho tôi nghe về chuyện mình.

"Bố mất sớm, mẹ với bà ngoại nuôi tôi lớn. Đến tuổi đi học, bao giờ tôi cũng bị cô giáo nhắc vì nộp học phí muộn. Khi tôi lên lớp 8, mẹ tôi bị tai nạn, cần 20 triệu để mổ chân. Nhà tôi lấy đâu ra 20 triệu. Thế là tôi nghỉ học, tính đi làm thuê cho người ta rồi gom tiền chữa bệnh cho mẹ. Cô giáo tôi biết chuyện đến nhà thăm rồi về trường kêu mọi người quyên góp. Cả trường góp được 12 triệu bảy trăm ngàn, tôi vẫn nhớ. Thứ hai đầu tuần, thầy hiệu trưởng gọi tôi lên bục chào cờ trao số tiền, còn nói tôi nhìn vào ống kính để chụp ảnh. Mặc dù tôi biết mọi người tốt thôi nhưng không bao giờ tôi quên được cảm giác hèn mọn ấy"!

Sau này ra trường, đi làm, Sơn luôn dành phân nửa thu nhập để giúp người. "Là một cách tôi trả nợ cuộc đời. Nhưng tôi không muốn người khác nhìn vào ống kính cảm ơn mình. Ông không hiểu được cảm giác mang nợ người khác nó nặng nề thế nào đâu. Có những ân nhân, mình hy vọng cả đời không gặp lại", Sơn chia sẻ.

Lúc Sơn kể chuyện ấy với tôi, mẹ anh mới mất. Anh bảo: giờ còn một thân một mình, chẳng ai ràng buộc, tôi thấy cần giúp ai thì giúp thôi! 

Trong hai năm COVID, Sơn đã hai lần cho xe máy, tiền trong tài khoản thì chả mấy khi vượt qua bảy con số. Ngoài nguyên tắc không chụp ảnh, Sơn Híp còn một thói quen nữa, có bao nhiêu giúp người bấy nhiêu, không có tiền thì giúp sức, không bao giờ đứng ra kêu gọi dù trong giới anh khá có uy tín.

Độc lai độc vãng

Đây là một biệt danh quen thuộc trong truyện kiếm hiệp được mọi người gắn chung với Sơn Híp vì thói quen lầm lũi một mình làm từ thiện của anh.

Không muốn người khác nhìn vào ống kính cảm ơn - 1

Những việc mà Sơn Híp thường làm trong mùa dịch (người trong ảnh là một đồng đội của anh)

"Có thêm người cùng làm sẽ rất phiền, vì mọi người thường không hiểu được những kiêng kỵ của mình. Ủa, làm từ thiện thì phải chụp ảnh lưu lại chứ, rồi còn có cái mà báo cáo mạnh thường quân, không thì ai biết mày làm thật hay giả. Rắc rối vậy nên tôi không bao giờ nhận tiền của ai cả", anh cho biết.

Suốt hơn ba tháng đỉnh dịch, khi dòng người về quê trôi dạt khắp các cung đường, Sơn Híp cũng một mình một ngựa sắt, mang theo cơm, nước, xăng xe, sữa, áo mưa và cả tiền tìm đến những đoạn hẻo lánh để tiếp sức người nghèo. Nhiều người chỉ biết có một người đàn ông đậm người, mặc đồ bảo hộ kín mít, khi họ đang tuyệt vọng vì hỏng xe, lạc đường, hết xăng, đói lả, ướt lạnh... thì xuất hiện, có khi vào lúc tối muộn, đưa cho họ lương thực, giúp họ sửa xe và dẫn đường khi bị lạc mà không hề chụp ảnh, ghi hình hay livestream.

Một lần, ở đoạn gần Đăk Nông, Sơn thấy hai vợ chồng và một đứa con nhỏ dìu dắt nhau bằng xe đạp tính về quê ở Bình Phước, chỉ có đứa nhỏ ngồi trên xe với túi lớn túi nhỏ đồ đạc, còn có cả một cái quạt máy và hai con gà, hai vợ chồng đi bộ. Anh đề nghị đổi xe máy cho họ, rồi mình leo lên cái xe đạp lắc la lắc lư đi về hướng ngược lại. Đi xa rồi ngoảnh lại vẫn thấy vợ chồng người ta đứng giữa đường vẫy tay.

Một lần khác, vào năm trước, hàng xóm gần nhà Sơn mãi mới tìm được việc ở cách nhà 7 cây số. Mỗi ngày chị dậy từ 4h, đi bộ ba cây số đến nhà một đồng nghiệp rồi nhờ xe người ta đến chỗ làm. Biết chuyện, Sơn tặng chị cái xe máy đang đi. Khi dịch căng thẳng, chị mất việc, lại dùng đúng cái xe để đi đưa hàng, lần nào gặp cũng khen: xe chú Sơn tốt, đi đường núi cứ như không!

Tôi nói với Sơn: tôi kể chuyện của anh lên báo nhé? Sơn hỏi: để làm gì? Tôi bảo: để truyền cảm hứng, hi vọng những ai nhận được phần tâm ý này, có thể tiếp tục lan tỏa hơi ấm.

Anh nghĩ một lúc rồi bảo: viết gì thì viết nhưng tôi không chụp ảnh đâu.

Hôm sau anh lại nhắn tôi: có khi đừng viết thì hơn. Thực ra ai cũng đang làm (từ thiện), chẳng qua người ta không nói mà thôi!

Theo Nguyên Trần

Tiền Phong